TS Nguyễn Thụy Anh: Không khéo sẽ có sự 'giả đổi mới' trong giáo dục

Nguyễn Thanh Bình (thực hiện) 31/07/2021 09:00

Những câu chuyện về giáo dục, hoặc liên quan đến giáo dục luôn nhận được sự quan tâm của xã hội. Nhất là trong bối cảnh dịch bệnh bủa vây như hiện nay, khi đợt 1 kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa kết thúc và đợt 2 đang chuẩn bị; khi năm học 2020-2021 chưa kết thúc thì đã rục rịch cho năm học mới… Và còn bao bức xúc khác quanh chuyện đề thi, quanh chuyện học trực tuyến (online)… Thực hiện số chuyên đề Tinh hoa Việt cuối tháng 7 này, chúng tôi tìm đến TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh.

TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh.

Muốn làm điều tốt đẹp nhất cho trẻ em

PV:Thưa TS, đầu tiên phải chúc mừng bà vừa có mặt trong top 20 phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng năm 2021, do Forbes Việt Nam bình chọn. Thật sự mà nói thì tôi cũng không bất ngờ lắm vì đã có thời gian dài theo dõi những dự án giáo dục mà TS Thụy Anh khởi xướng, hay tham gia. Còn bà thì sao?

TS giáo dục Nguyễn Thụy Anh: (Cười) Xin cảm ơn anh. Tôi vẫn có chút bất ngờ ở sự để tâm quan sát, theo dõi câu chuyện nhỏ của chúng tôi từ những nhà báo với những tiêu chí của Forbes. Lời đề cử của họ thể hiện sự thấu hiểu những chia sẻ ở góc độ cộng đồng trong các hoạt động của tôi.

Trong số 20 gương mặt phụ nữ được tôn vinh lần này, tôi thích ở sự đa dạng, có người rất đặc biệt, như bà Trần Thị Kim Thia mà nhiều người thân mật gọi là bà “Sáu Thia” (63 tuổi, ở Đồng Tháp) - một người phụ nữ hằng ngày đi bán vé số kiếm sống, nhưng vẫn tranh thủ dạy bơi miễn phí cho hàng ngàn trẻ ở miền Tây trong suốt gần 20 năm qua. TS Thụy Anh “đọc” được câu chuyện gì trong những người phụ nữ truyền cảm hứng năm nay?

- Tôi thấy 20 người phụ nữ được nhắc đến hầu hết đều có lý tưởng riêng, con đường riêng bền bỉ ảnh hưởng đến thế giới. Từ lâu rồi, tôi đã được biết và ngưỡng mộ một số người trong đó như bà Sáu Thia, chị Tim, nhà văn Nguyễn Thị Kim Hòa… - họ đều trung thành với triết lý sống của mình, không quá quan tâm đến việc, xã hội thông cảm hay không, tôn vinh hay không.

Thế còn triết lý sống của bà thì sao?

- Tôi nghĩ, mình cũng là một người sống có lý tưởng (Cười). Trẻ em - trước đây đối với tôi là niềm yêu, sự say mê, rồi trở thành lý tưởng của tôi. Tôi gắn bó và muốn làm những gì tốt đẹp nhất cho trẻ em Việt Nam.

Buổi sinh hoạt đọc sách nhóm nhỏ tại trại hè EcoCamp.

Giáo dục vẫn “kiên trì” đi theo lối mòn

Thưa bà, một trong nhiều câu chuyện được dư luận quan tâm gần đây là đợt 1 kỳ thi THPT năm 2021. Một kỳ thi đặc biệt, diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang bủa vây. Đợt 2 của kỳ thi này dự định diễn ra vào đầu tháng 8 tới. TS Nguyễn Thụy Anh bình luận gì về kỳ thi này?

- Ở lĩnh vực nào cũng cần có sự ứng phó linh hoạt trong những tình thế đặc biệt, nhất là lại liên quan đến sức khỏe và tính mạng con người. Cá nhân tôi cho rằng, một kỳ thi tập trung đầy mệt mỏi, lo sợ, căng thẳng không phải là giải pháp duy nhất để xét tốt nghiệp hoặc tuyển sinh vào đại học.

Nhìn những thống kê được đưa ra về việc một số địa phương phát hiện các thí sinh F0, F1, rồi nhiều điểm thi phải dừng, nhiều thí sinh khi kết thúc kỳ thi không được trở về nhà mà phải đến thẳng khu cách ly, thì điều đó đang phản ánh câu chuyện giáo dục nào, thưa bà?

- Giáo dục của chúng ta vẫn kiên trì đi theo lối mòn đến mức dường như không ai dám mạnh dạn điều chỉnh, thay đổi để ứng phó với tình hình mới (Cười). Hoặc là nó mắc kẹt ở nhiều “khâu, đoạn”. Khâu này giằng níu đoạn kia, không thể đổi mới dứt khoát, đồng bộ.

Ý bà là, trong xu thế giáo dục hiện nay, thì việc xét tuyển tốt nghiệp cho học sinh sau 12 năm đèn sách là một phương án cần thực hiện?

- Vâng. Cần đưa ra nhiều phương án xét tuyển tốt nghiệp. Chẳng hạn, thông qua học bạ, qua điểm thi học kỳ với hệ số nhất định đối với một số môn hoặc tổ chức thi ở quy mô nhỏ hơn. Ngay cả những tiêu chí xét tốt nghiệp cũng có thể phân loại để học sinh với những đặc trưng năng lực khác nhau được đánh giá công tâm trong câu chuyện tốt nghiệp phổ thông.

Trên thực tế, không dễ dàng gì khi quyết định bỏ qua một kỳ thi quốc gia vốn thành thông lệ dường như bất biến nhiều năm nay. Nhưng xu hướng chung của thế giới bây giờ, giáo dục ngày càng phân cấp mạnh mẽ, quyền chủ động dần được trao cho các địa phương và cơ sở. Vì vậy, theo tôi, cũng đã đến lúc chúng ta xem xét lại xem có thực sự cần thiết tập trung lượng thí sinh lớn như vậy trong cùng một thời điểm để tiến hành một kỳ thi là hình thức với một số thí sinh, và là áp lực với một số thí sinh khác, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh.

Giao lưu, chia sẻ với các phụ huynh về phương pháp đọc, kể chuyện tương tác cho trẻ.

“Học không thật” kéo theo “thi hình thức”

Từ điểm nhìn của mình, qua những kỳ thi gần đây, đặc biệt là kỳ thi được tổ chức trong “bão” dịch, thì tôi nhận thấy, còn rất xa ngành Giáo dục mới tiệm cận được phương châm “Học thật, thi thật” đang được nhiều người quan tâm, bàn luận?

- Chính vì phải trải qua một kỳ thi chung cồng kềnh với những tiêu chí giống nhau cho mọi thí sinh mà giáo dục chúng ta có nguy cơ rơi vào tình trạng: cả quá trình học trong nhà trường chỉ để hướng tới một kỳ thi. Nó triệt tiêu mọi động lực tự học và khám phá. Nó làm mất niềm vui dạy học của thầy, niềm say mê học của trò. Đó là “học không thật”.

“Học không thật” thì thi chỉ là… thi giả?

- (Cười) Học không thật, học đối phó thì kéo theo “thi không thật” - “thi hình thức”. Luyện đề, nhồi nhét kiến thức, học thêm, lảm nhảm những bài văn mẫu đến thuộc lòng. Điều này đã và đang làm hỏng tư duy của nhiều thế hệ học trò. Các em không dám nói những gì mình nghĩ, mình khám phá được mà chỉ chăm chăm nói lại lời của thầy cô để được điểm cao. Điểm số không nói lên được chính xác thực trạng giáo dục và không đánh giá được khả năng hay định hướng nghề nghiệp của một học sinh.

Vì thế, phương châm “Học thật, thi thật…” nhất thiết phải trở thành định hướng?

- Đúng vậy. “Học thật, thi thật, nhân tài thật…” không nên là một lời nói hay mà phải trở thành định hướng để các nhà quản lý giáo dục có những quyết định đúng đắn hơn trong tương lai, tránh lãng phí thời gian, nguồn lực. Học thì chú trọng phương pháp. Thi chỉ khi cần thiết.

Tất nhiên, tôi hiểu, để thực hiện được điều ấy, ngành Giáo dục cần thay đổi và phấn đấu nhiều. Bởi dù muốn hay không, chúng ta phải thừa nhận một thực tế, bệnh thành tích đang khiến chúng ta “thụ hưởng” những nhân tài giả. Chỉ dừng lại một chút, phân tích các đề thi gần đây, cũng đã nhận ra bệnh hình thức. Một kiểu ra đề thi máy móc, thiếu sáng tạo, và phần nào đó cổ súy cho việc học vẹt, văn mẫu, thậm chí đạo văn?

- Đúng là, rất khó để nhìn thấy một kết quả ngay lập tức. Những năm gần đây đang diễn ra việc đổi mới sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, tổ chức biên soạn sách giáo khoa theo định hướng phát triển năng lực. Tôi cho đây là một động thái quan trọng để thay đổi. Nhà trường không đặt việc trang bị kiến thức lên hàng đầu nữa mà trao cho các em công cụ để tư duy, để tự học. Vì thế, sách giáo khoa thay đổi, cách dạy học thay đổi, cách đánh giá cũng sẽ phải điều chỉnh theo - thay đổi cách tổ chức thi, cách ra đề, tiêu chí chấm thi là một sự tất yếu.

Tuy nhiên, quá trình dài hơi này cần được chuẩn bị tốt hơn, bắt đầu từ việc truyền thông đến xã hội về các quan điểm giáo dục mới, tập huấn nội bộ cho giáo viên và những nhà quản lý giáo dục để có sự đồng nhất trong triết lý giáo dục. Nếu không sẽ xảy ra tình trạng “ông nói gà, bà nói vịt”, hoặc là nhiều nơi vẫn tiến hành theo kiểu cũ, chỉ thay đổi chút ít vỏ bề ngoài để đối phó mà thôi. Ta sẽ có một sự “giả đổi mới”.

TS Nguyễn Thụy Anh trong vai trò “thuyền trưởng” của con tàu EcoCamp, trại hè thiếu nhi thường niên, đưa trẻ đến gần hơn với thiên nhiên.

Sự “giả đổi mới” còn nguy hiểm hơn bệnh hình thức?

- Đúng!

Đề thi? Rất nên thay đổi!

Bà đánh giá như thế nào về những đề thi Ngữ văn gần đây?

- Chuyện phân tích đề thi để khen chê quả là câu chuyện của “muôn đời”. Không có đề thi nào hài lòng được đám đông cả. Tôi cho rằng, không nên đánh giá đề thi hay-dở, khó-dễ một cách cảm tính. Bởi suy cho cùng, đến cả những đề bị cho là dở vẫn có thể là cái cớ để học sinh thể hiện được mình rất tốt khi phân tích cái phi lý của đề bài hoặc đưa ra được những ý kiến phản biện thú vị.

Tôi muốn nhìn rộng hơn, không phải nội dung đề thi - ngữ liệu gì, của tác giả nào, câu chữ ra sao…- mà nhìn vào cấu trúc của đề, bản chất của nó, để từ đó có thể đánh giá được gì ở thí sinh… Và một điều quan trọng nữa là barem chấm thi: độ mở thế nào, có cơ hội cho học sinh trình bày tư tưởng của mình hay không; tiêu chí chấm theo năng lực viết hay đếm ý đếm dòng... Nếu chỉ để kiểm tra trình độ thuộc lòng (rồi sau thi là quên ngay) của học sinh, thì thà là thi trắc nghiệm luôn còn hay hơn.

Công bằng mà nói, gần đây cũng có những đề thi rất “cập thời”, khi trích thơ của một nhà thơ trẻ, nhưng lại căn cứ vào một văn bản lỗi, mà sau đó, chính tác giả thơ đã đăng đàn xin lỗi vì khi in ấn không soát kỹ? Hay như câu nghị luận xã hội trong đề thi vào lớp 10 chuyên Văn ở Khánh Hòa, với giả định “nếu phải ở trong nước sôi” gây nhiều tranh cãi, có người cho là phản cảm. Rồi chuyện đề thi trích dẫn từ cuốn sách mà có ý kiến nêu ra, rằng đó là tác giả đó “ngụy khoa học”… Những câu chuyện này, thật khó để cho rằng, những người ra đề thi, duyệt đề thi đã “tròn vai”?

- Đúng vậy. Đề thi cần được duyệt kỹ hơn để không xảy ra lỗi cú pháp của một môn học dạy người ta cách dùng tiếng Việt đúng văn phạm. Đã là đề thi, càng phải cẩn trọng và mẫu mực.

Tuy nhiên, về nội dung, nhiều đề thi những năm gần đây cũng đã manh nha cho thấy tính chất gợi mở của chúng, tạo được hứng thú cho thí sinh, cho phép thí sinh có thể bày tỏ suy nghĩ đa chiều. Chẳng hạn, với đề thi gây tranh cãi “quả trứng, củ khoai tây trong nước sôi” - cách diễn giải trong đề quả là hơi khiên cưỡng. Nhưng đây lại là cơ hội để các em giỏi Văn thể hiện thực lực của mình: dám phản biện, dám tranh luận lại… Tôi tự hỏi, có bao nhiêu em dám nói khác với đề, tìm cách đưa ra quan điểm của mình một cách thuyết phục.

Cách đây không lâu, trò chuyện với một cô bé đang ôn thi vào lớp 10, tôi khá bất ngờ khi em chia sẻ rằng không đồng ý với cô giáo về nhận định “con người làm chủ thiên nhiên” trong bài thơ “Đoàn thuyền đánh cá”. Con người chỉ nên làm chủ bản thân, có thể sống hài hòa với thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên chứ không nên và không thể “làm chủ” mẹ thiên nhiên đâu, cô ạ.

Ồ, một “phản biện” thú vị phải không TS?

- Thật tuyệt khi các em dám phản biện như vậy. (Cười). Nhưng em băn khoăn vì cô giáo nhắc, nếu đi thi vẫn phải viết ý đó vào mới có điểm.

Cách dạy cũ kỹ đang triệt tiêu đi những suy nghĩ mới của thế hệ trẻ?

- Thế đó. Chuyện này, và rất nhiều chuyện khác nữa, cho chúng ta thấy một điều: Cần lưu ý sự đồng bộ giữa cách dạy cách học trong năm - cách ra đề - cách đánh giá. Bằng không, đề thi có hay đến mấy thí sinh cũng không dám viết hết mình. Hoặc ngược lại, có thể gây khó, đánh đố thí sinh vì các em không được trang bị công cụ tư duy, phương pháp phân tích văn bản từ trước.

Tôi rất chia sẻ với phân tích mà TS vừa nêu ra. Tôi biết bà cũng có thơ được chọn in trong sách giáo khoa môn Ngữ văn của chương trình Giáo dục phổ thông mới. Đồng thời bà còn tham gia biên soạn sách giáo khoa nữa. Vậy thì theo bà, việc chọn ngữ liệu để ra đề thi cho thí sinh thế hệ sinh sau năm 2000, có cần và có nên thay đổi? Hay là chúng ta vẫn cứ nên khai thác những tác phẩm và tác giả nổi tiếng với thế hệ đi trước, gần gũi với thế hệ đi trước?

- Rất nên thay đổi! Chắc chắn phải thay đổi! Tại sao lại không thay đổi khi cuộc sống đang phát triển đến chóng mặt mà các thế hệ học sinh phổ thông của chúng ta vẫn cứ quanh quẩn mãi ở một vài tác phẩm nhất định?! Và vì chúng bắt buộc có mặt trong các đề thi nên dường như phần lớn học trò ta chỉ biết đến thế thôi, không biết đến những tác phẩm nào khác. Thật là đáng tiếc. Tương tự, học trò hầu hết cũng chỉ biết các tác giả được đưa vào sách giáo khoa, ngoài ra không quan tâm đến đời sống văn chương thật sự của đất nước và thế giới. Có em học sinh than thở với tôi rằng, nhận đề thi, đọc bài thơ em đã muốn bỏ thi rồi. Không phải vì em không thuộc bài mà… thuộc bài đến độ phát chán! Có những tác phẩm thật sự không liên quan chút nào đến cuộc sống thực tế của các em bây giờ, khiến các em chán ghét môn Ngữ văn - môn học lẽ ra phải mang đến cho các em tình yêu với tiếng mẹ đẻ, văn học và văn hóa nước nhà…

Trong tương lai, cách ra đề thi hẳn sẽ (và phải) thay đổi đồng bộ với việc đổi mới sách giáo khoa. Người chấm cũng thay đổi thang đánh giá năng lực: không đánh giá việc thuộc bài mà sự biết, sự làm được qua cách triển khai ý và diễn đạt của học sinh. Từ đó, các ngữ liệu được lựa chọn đa dạng sẽ mở ra cho học sinh nhiều cơ hội thể hiện mình, đồng thời chúng ta đánh giá được cả chất lượng giảng dạy trong nhà trường.

Cách dạy cũ không phù hợp với hình thức online

Chúng ta đang đi qua một mùa hè đặc biệt. Một mùa hè mà học sinh chưa thi xong đã được/phải nghỉ hè. Nghỉ hè nhưng không được đi chơi, hay thực hiện những kế hoạch trải nghiệm như đã từng. Từ góc độ của một TS giáo dục, theo bà, điều ấy có ảnh hưởng gì đến tâm lý của học sinh, phụ huynh?

- Tôi nghĩ chắc chắn là có. Mọi kế hoạch đảo lộn. Cảm giác tù túng, ngột ngạt khi phải tự hạn chế hoạt động của mình và khi va chạm nhau trong không gian sống bé nhỏ của gia đình… Tất cả đều có thể tạo áp lực cho bố mẹ và các con.

Đã có những học sinh bị trầm cảm, phụ huynh cũng bị trầm cảm trong mùa hè Covid này, khi mà trẻ con dường như bị “nhốt” ở nhà...

- Stress dẫn đến trầm cảm là hiện tượng có thật... Các bố mẹ cũng nên hết sức thông cảm với các con. Việc học online trước đó đã kéo dài mệt mỏi, mùa hè lại bị hạn chế các hoạt động về thể chất ở không gian mở khiến trẻ dễ căng thẳng, cáu gắt, khó tập trung. Hiểu như vậy để có cách cùng con giải tỏa, giảm bớt những bắt bẻ, phê phán.

Ở đây tôi muốn nói thêm về việc dạy học online. Tôi cho rằng, các thầy cô giáo cần được đào tạo những kỹ năng chuyên biệt hỗ trợ việc tương tác hiệu quả với học sinh, cách chuyển đổi hoạt động giữa giờ để tạo được động lực học trong điều kiện cả ngày phải dán mắt vào màn hình khiến thần kinh của trẻ dễ bị rơi vào trạng thái “đơ”, cản trở việc tiếp thu bài.

Cách dạy và học truyền thống, một chiều, ghi chép thụ động, chỉ trả lời khi được gọi, được hỏi đến… không còn phù hợp với thời đại mới, đặc biệt không phù hợp với việc nghe giảng online.

TS Thụy Anh đang cùng lúc tham gia nhiều dự án giáo dục. Bà có thể đưa ra một “thực đơn” cho các bạn trẻ để vừa phòng, tránh dịch bệnh vừa cảm thấy vui khỏe, và không trầm cảm?

- Với sinh hoạt trong gia đình mùa giãn cách, “thực đơn” tôi đưa ra đơn giản lắm: toàn… T (Cười) – lưu ý đến những hoạt động chăm sóc TINH THẦN (đọc, xem, nghe…), rèn luyện THỂ CHẤT (thể thao, việc nhà…) và nuôi dưỡng TIẾNG CƯỜI. Tiếng cười là chìa khóa quan trọng để giữ sự cân bằng trong cuộc sống mỗi gia đình.

CLB Đọc sách cùng con của chúng tôi cũng đã lên một “thực đơn” tương tự như vậy cho khóa sinh hoạt hè online có tên “Mùa hè - mùa lớn” để bù đắp cho mùa trại hè EcoCamp 2021 đã được chuẩn bị khá chu đáo mà phải dừng lại vì dịch bệnh.

Thay vì được tắm mình trong nắng gió, tham gia tích cực các hoạt động nhóm thì các bạn nhỏ gặp nhau qua màn hình máy tính. Tuy nhiên, dưới sự dẫn dắt của các “thủ lĩnh mùa hè”, các em vẫn có những ngày hè nhiều chia sẻ và thu hoạch không kém thú vị với gia đình. Có bạn nhỏ phát biểu: “Con không nghĩ là ở nhà cũng vui đến thế!”.

Trân trọng cảm ơn TS Nguyễn Thụy Anh!

Tiến sĩ Nguyễn Thụy Anh, sinh năm 1974.
Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con
Chủ biên sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm lớp 1 bộ sách Cùng học để phát triển năng lực, NXB Giáo dục Việt Nam
Chủ biên sách giáo khoa Hoạt động trải nghiệm lớp 2, 3 bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, NXB Giáo dục Việt Nam
Tác giả nhiều đầu sách văn học và kỹ năng dành cho thiếu nhi.
Giải thưởng Quỹ Trẻ em, Liên bang Nga năm 2017.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TS Nguyễn Thụy Anh: Không khéo sẽ có sự 'giả đổi mới' trong giáo dục

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO