Từ 1/7/2022 thực hiện cải cách tiền lương

Việt Thắng 17/08/2021 17:30

Chiều 17/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Tỷ lệ điều chỉnh định mức phân bổ theo tiêu chí dân số các lĩnh vực năm 2022 dự kiến mức tăng chung là 50% so với năm 2017. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh và tình hình kinh tế hiện nay cần đánh giá kỹ về khả năng đáp ứng của nguồn lực ngân sách nhà nước cũng như khả năng bảo đảm mục tiêu phấn đấu giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60% như Kế hoạch Tài chính quốc gia 5 năm đã đặt ra. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cân nhắc các khả năng thắt chặt chi tiêu, điều chỉnh giảm thêm tỷ lệ này ở các lĩnh vực khác để có nguồn thực hiện các nhiệm vụ cấp bách khác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bảo đảm cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2022-2025 gắn với nguyên tắc tiết kiệm, hiệu quả theo hướng: giảm mạnh tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển trên cơ sở sắp xếp bộ máy quản lý hành chính, áp dụng cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, thực hiện Đề án cải cách tiền lương, từng bước đổi mới phương thức quản lý ngân sách nhà nước theo kết quả thực hiện nhiệm vụ.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho rằng, hiện nay, việc thực hiện cải cách tiền lương đã được khẳng định là từ thời điểm 1/7/2022, trong đó có hệ thống bảng lương mới theo vị trí việc làm và cơ cấu tiền lương mới. Vì vậy, Chính phủ cần giải trình rõ hơn về vấn đề này, để bảo đảm tính khả thi và phù hợp giữa mục tiêu thực hiện cải cách tiền lương và các nội dung dự thảo về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ chi thường xuyên của thời kỳ ổn định ngân sách 2022-2025.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội đã có Nghị quyết, việc này Bộ Chính trị đã có kết luận 1/7/2022 dứt khoát phải cải cách tiền lương, không thể chậm hơn. Lương cũng là nội dung kích thích kinh tế, kích thích đầu tư. “Chúng ta nói dịch dã không có nguồn, nhưng tôi nghĩ nếu chúng ta quyết tâm vẫn làm được. Chúng ta còn có nguồn tồn dư do cải cách tiền lương. Chính vì thế trong Nghị quyết vừa rồi Quốc hội phải khoá lại chuyện này. Lúc nào cũng nói địa phương đủ nguồn cải cách tiền lương, nhưng không hiểu chi đầu tư khác hẳn chi lương. Chi đầu tư dung 1 nghìn tỷ chỉ hết 1 nghìn tỷ. Còn chi cải cách tiền lương hết 1 nghìn thì có nghĩa 5 năm không tính tăng thêm hàng năm thì ít nhất mất 5 nghìn. Bài Tài chính là lúc nào cũng nói là không có tiền cải cách tiền lương còn cho chi để lấy nguồn tiền lương đầu tư thì vẫn cứ cho. Tới đây sẽ soi xét lại những gì đã chi”-Chủ tịch Quốc hội cho hay.

Giải trình tại phiên họp về việc cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Cải cách tiền lương ở địa phương hiện nay còn 252 nghìn tỷ nguồn cải cách tiền lương đang còn dư. Vừa rồi 7 tỉnh đề nghị dùng tiền này chống dịch nhưng Bộ Tài chính đã trả lời thực hiện theo Nghị quyết 23, nguồn này dứt khoát để cải cách tiền lương. Còn thực hiện các giải pháp pháp, lấy từ nguồn dự trữ tài chính, tiết kiệm chi 10% chi thường xuyên và 50% khoản hội họp, tiếp khách, đi công tác để chi. Nếu chưa đủ phải thực hiện điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, cắt giảm các nhiệm vụ chia không cần thiết. Cải cách tiền lương sẵn sàng để thực hiện.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải yêu cầu rà soát lại các nội dung thể hiện trọng Nghị quyết về việc đảm bảo nguồn lực thực hiện các tiêu chí định mức và thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2022 theo đúng Nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời dự phòng các rủi ro, phương án xử lý rủi ro, đảm bảo tương thích với tỷ lệ ngân sách và các mục tiêu, chỉ tiêu trong kế hoạch tài chính 5 năm Quốc hội đã quyết định.

Sau đó 100% các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm giai đoạn 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ 1/7/2022 thực hiện cải cách tiền lương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO