Từ cầm đồ đến tín dụng đen

Nhóm PV 10/04/2023 07:10

Gần đây, qua phát hiện của lực lượng chức năng cho thấy nhiều cơ sở dịch vụ cầm đồ hoạt động với lãi suất ẩn dưới các loại phí lên đến 100%, gấp 5 lần chuẩn cho vay nặng lãi theo quy định. Có nơi còn tính lãi đến 1.000%/năm.

Lợi nhuận lớn, các cơ sở kinh doanh cầm đồ nở rộ.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 468 về lãi suất, Bộ luật Dân sự năm 2015, lãi suất vay do các bên thỏa thuận, nhưng "không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác". Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá 20% thì "mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực".

Để dễ bề hoạt động, hầu hết các cơ sở cầm đồ ghi lãi trên hợp đồng chỉ 1,4 - 1,6%/tháng (16,8 - 19,2%/năm), nhưng lãi thực trả cao hơn nhiều vì thêm hàng loạt phí như phí thẩm định, phí quản lý tài sản cầm cố, phí bảo hiểm và cả phí ký gửi. Tính ra lãi suất thực dao động từ 5,65 - 7,5%/tháng, tức tương đương 67,8 - 90%/năm. Nếu cả khoản phí trông giữ tài sản thì mức lãi lên đến 100%/năm.

Người vay không tính toán kĩ hoặc không biết tính toán; kể cả cơ quan chức năng nếu chỉ nhìn vào hợp đồng đơn thuần thì sẽ bỏ qua mánh khóe mang tính bóc lột, tín dụng đen của cơ sở cầm đồ.

Thường thì những người có tài sản thế chấp và đủ điều kiện sẽ vay ngân hàng. Người không đủ điều kiện vay ngân hàng sẽ vay ở các công ty tài chính, vay ở các tiệm cầm đồ hay vay qua web, hoặc là vay qua các app. Thì đó đều là tai họa vì lãi suất rất cao. Trong trường hợp chưa trả được còn bị khủng bố theo kiểu xã hội đen.

Thời gian qua, dịch vụ đòi nợ thuê bị biến tướng. Theo Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020, dịch vụ này đã bị cấm. Các hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ được ký kết trước ngày 1/1/2021 phải thanh lý. Doanh nghiệp đang được cấp phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ có thể giải thể hoặc phải chuyển đổi sang ngành nghề kinh doanh khác. Tuy nhiên, loại dịch vụ này vẫn tồn tại. Nguy hiểm hơn, theo Trung tá Đỗ Minh Phương - Phó trưởng phòng Trọng án Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), gần đây xuất hiện nhiều ứng dụng không rõ nguồn gốc về đơn vị chủ quản có biểu hiện hoạt động tín dụng đen. Các ứng dụng này thường xuyên thay đổi tên hoặc để ẩn thông tin nhằm tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng. Khi khách hàng cài đặt ứng dụng vay và để lại thông tin cá nhân, sẽ có đối tượng liên hệ, mời chào vay tiền và cài đặt các ứng dụng vay khác.

Các ứng dụng này có khả năng truy cập thu thập danh bạ, lịch sử tin nhắn, cuộc gọi, thông tin tài khoản mạng xã hội... của người vay để sử dụng khi đòi nợ hoặc cho những mục đích trái pháp luật khác.

Chẳng hạn ở vụ triệt phá đường dây cho vay qua app trên địa bàn tỉnh Lào Cai, các đối tượng tạo lập trên 300 ứng dụng cho vay, liên kết với khoảng 200 công ty cầm đồ cho vay các gói từ 2 - 7 triệu đồng, kỳ hạn vay 7 ngày, với lãi suất trên 2.000%/năm. Qua điều tra xác định có gần 160.000 người đã vay qua các app do nhóm đối tượng điều hành với số tiền giao dịch hơn 1.800 tỷ đồng.

Trong nhiều trường hợp, người vay sẽ phải thanh toán trong vòng 3 - 5 ngày số tiền gốc ban đầu, tiền lãi sẽ được các đối tượng cắt ngay khi giải ngân. Nếu "con nợ" không thanh toán được tiền gốc như cam kết, số tiền sẽ được nhân lên, lãi mẹ đẻ lãi con lên tới hơn 1.500%/năm.

Từ đó dẫn tới việc nhiều người mất khả năng trả nợ. Đây chính là lúc xuất hiện việc mua bán nợ và dịch vụ đòi nợ thuê hoành hành. Từ những vụ triệt phá các cơ sở cầm đồ, cho vay nặng lãi, tổ chức đòi nợ thuê cho thấy, thường thì nếu sau 60 ngày người vay vẫn chưa trả thì các công ty sẽ sử dụng lực lượng đòi nợ thuê. Sau 100 ngày mà không đòi được nợ thì sẽ bán nợ. Đến lúc đó, hành vi đòi nợ thuê có thể sẽ rất tàn bạo.

Là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, nhưng dịch vụ cầm đồ vẫn thu hút rất nhiều doanh nghiệp (DN) đăng ký kinh doanh (chưa kể hộ kinh doanh cá thể). Con số đó trên cả nước có thể lên tới hơn 12.000 DN, chưa bao gồm các hộ kinh doanh cá thể đăng ký hoạt động cầm đồ.

Hiện 62/63 địa phương có DN kinh doanh cầm đồ. Địa phương duy nhất không có DN đăng ký ngành nghề kinh doanh cầm đồ là tỉnh Trà Vinh.

Đáng chú ý, số lượng DN có kinh doanh cầm đồ ở Hà Nội cao gấp đôi địa phương xếp thứ 2 là TPHCM, gấp hơn 7 lần địa phương xếp thứ 3 là Hải Phòng, gấp 10 lần địa phương xếp thứ 4 là Vĩnh Phúc. Trong số 10 địa phương có nhiều DN đăng ký ngành nghề cầm đồ nhất, có 5 địa phương ở miền Bắc là Hà Nội, Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Hải Dương. 3 địa phương ở phía Nam là TPHCM, Đồng Nai, Cần Thơ. Còn lại là ở Bắc Trung bộ gồm Nghệ An và Thanh Hóa.

Theo khoản 4 Điều 3 Nghị định 96/2016/NĐ-CP, kinh doanh dịch vụ cầm đồ là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự. Cơ sở kinh doanh cần đăng ký thành lập công ty hoặc hộ kinh doanh cá thể. Kinh doanh dịch vụ cầm đồ được hiểu là dịch vụ cho vay tiền mà người vay tiền phải có tài sản sở hữu hợp pháp mang đến để cầm cố.

Các công ty cho vay tài chính (Fintech), công ty mua bán nợ thường gắn với hoạt động cầm đồ. Về tỉ lệ lãi suất cho vay tiền khi nhận cầm cố tài sản thì không được vượt quá tỉ lệ lãi suất theo quy định Bộ luật Dân sự (20%/năm). Bên cạnh đó, hoạt động cầm cố tài sản của các cơ sở kinh doanh cầm đồ khi nhận tài sản của người cầm cố phải kiểm tra giấy tờ tùy thân của người mang tài sản đến cầm cố, photocopy lưu lại tại cơ sở kinh doanh và lập hợp đồng cầm cố tài sản theo quy định của pháp luật. Không được nhận cầm cố đối với tài sản không rõ nguồn gốc hoặc tài sản do các hành vi vi phạm pháp luật mà có.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ cầm đồ đến tín dụng đen

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO