Tư duy 'gánh nặng'

Lê Minh Long 12/01/2017 11:10

Gần đây không ít doanh nghiệp chọn cách viết “tâm thư” xin lùi, hoãn không tăng lương tối thiểu vùng. Và vừa qua, khi ngành chức năng lấy ý kiến sửa đổi Bộ luật Lao động, nhiều doanh nghiệp không ngại ngần cho rằng, hiện có quá nhiều quy định ưu ái với lao động khiến doanh nghiệp gặp khó trong bố trí dây chuyền sản xuất. Chuyện đề xuất bỏ thời gian cho con bú, khiến dư luận băn khoăn, rằng còn tư duy “gánh nặng” kiểu như vậy sẽ làm người lao động bị thiệt thòi và đừng mong năng suất lao động tăn

Đánh giá tổng kết việc thực hiện Bộ luật Lao động năm 2012 của Bộ LĐTB&XH cho biết, mặc dù vẫn còn nhiều điểm bất cập song Bộ luật Lao động năm 2012 đã có nhiều tiến bộ mang tính đột phá. Trong đó phải kể đến quyền bình đẳng về việc làm, về quyền lợi đối với lao động nữ đã được bảo đảm. Hàng loạt các quy định như chủ doanh nghiệp không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa nếu người đó mang thai 7 tháng, hoặc từ 6 tháng trở lên mà làm việc ở vùng cao, vùng sâu, biên giới, hải đảo, đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Người chủ không được sa thải hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng với lao động nữ khi họ kết hôn, mang thai, nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Đáng chú ý Luật cũng quy định phụ nữ nuôi con nhỏ dưới 1 tuổi được nghỉ cho con bú 60 phút mỗi ngày (Điều 155), cùng với đó Luật cũng quy định phụ nữ được nghỉ 30 phút mỗi ngày vào những dịp “đèn đỏ”... Những quy định này được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Bởi nó mang tính nhân văn và góp phần rút ngắn khoảng cách về bất bình đẳng giới trong việc làm.

Phản hồi từ người lao động cũng cho thấy, quy định trên thực sự là chỗ dựa tinh thần rất lớn cho lao động nữ có con nhỏ. Cũng nhờ có quy định này rất nhiều lao động nữ vẫn tiếp tục được công việc mà không phải đứng giữa hai sự lựa chọn là con cái và công việc. Bên cạnh đó cũng nhờ có 60 phút quý giá này mà tầm vóc thế hệ trẻ tương lai Việt được nâng lên rõ rệt nhờ được bú mẹ đầy đủ.

Tuy nhiên đi ngược lại ý nghĩa đó, mới đây trao đổi với báo chí ông Hà Đình Bốn- Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ LĐTB&XH cho biết, các doanh nghiệp kiến nghị nên bỏ quy định thời gian nghỉ với lao động nữ bởi việc sản xuất gặp khó khăn, chi phí sản xuất tăng cao. Nếu có quá nhiều quyền lợi cho lao động nữ khi thai sản thì doanh nghiệp khó bố trí kế hoạch sản xuất, đặc biệt là những doanh nghiệp sử dụng đông lao động nữ như ngành dệt may, da giầy... Trước câu hỏi vậy thì lựa chọn việc điều chỉnh thời gian nghỉ này sẽ vì người lao động hay vì doanh nghiệp, Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho rằng: Việc bỏ hay giữ quy định thì phải chờ tập hợp ý kiến, thời gian tới trình Quốc hội cho ý kiến có thông qua hay không. Đối với những quy định đang thực hiện tốt, đảm bảo quyền lợi của người lao động thì Bộ sẽ xem xét giữ nguyên.

“60 phút thực sự rất quý báu với phụ nữ đang nuôi con nhỏ, giúp chị em giảm bớt căng thẳng, nhất là trong cuộc sống nhiều áp lực như hiện nay. Hơn nữa quy định này còn liên quan đến quyền bú sữa mẹ của trẻ em. Trẻ dưới 36 tháng, đặc biệt là dưới 12 tháng được bú sữa mẹ, chăm sóc đầy đủ thì đề kháng tốt hơn, tạo nền tảng sức khỏe giúp cho quá trình phát triển của trẻ sau này”- Thứ trưởng Đào Hồng Lan khẳng định.

Khẳng định trên của đại diện Bộ LĐTB&XH cũng khiến những bà mẹ trẻ phần nào yên tâm, song nhìn rộng ra đằng sau câu chuyện này cho thấy những yếu kém của doanh nghiệp nội ứng phó trước những khó khăn của nền kinh tế. Không thể phủ nhận rằng với những chính sách ưu ái trên thì cũng đồng nghĩa với trách nhiệm xã hội sẽ đặt lên vai doanh nghiệp nhiều hơn. Nhưng không vì thế để ứng biến với nó bằng cách “cắt, gọt” hết quyền lợi của người lao động. Người lao động khó lòng có thể cống hiến, gia tăng năng suất lao động khi quyền lợi của họ không được đảm bảo. Nhất là hiện nay trong bối cảnh hội nhập, vấn đề bảo đảm quyền lợi của người lao động ngày càng được coi trọng. Người lao động là người trực tiếp làm ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nên trước hết họ phải là người được hưởng lợi, được chia sẻ thành quả của quá trình này.

Giữ hay bỏ, câu chuyện này vẫn chưa ngã ngũ bởi như đại diện ngành chức năng khẳng định: Tất cả sửa đổi liên quan đến Bộ luật Lao động nằm trong quá trình lấy ý kiến nhân dân và các bộ ngành, chưa phải là phương án cuối cùng trình Quốc hội. Và Bộ sẽ lắng nghe trên tinh thần tiếp thu cả ý kiến thuận chiều lẫn trái chiều để có đề xuất phù hợp, cân đối hài hòa quyền lợi chủ doanh nghiệp và người lao động trước khi trình Chính phủ và Quốc hội. Song cũng cần nhấn mạnh rằng, ngoài những quy định của pháp luật thì trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với người lao động cần được nhìn nhận là yếu tố quan trọng bắt buộc chứ không đơn thuần là tự nguyện, làm ăn có lãi thì có còn ngược lại nếu khó khăn thì bỏ. Cùng với đó là văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp, của người sử dụng lao động với người lao động. Bên cạnh đó Nhà nước cần đẩy mạnh thực hiện những chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp sử dụng đông lao động nữ, để trách nhiệm xã hội không đè nặng lên doanh nghiệp, để doanh nghiệp không tìm cách dồn gánh nặng lên người lao động và thực hiện trách nhiệm xã hội của mình với một tâm lý thoải mái. Có như vậy người lao động mới yên tâm không còn tâm lý hoang mang mỗi khi doanh nghiệp viết “ tâm tư”, đề xuất...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tư duy 'gánh nặng'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO