Từ thiện - Nhiệt huyết, chính xác và kịp thời

Việt Quỳnh (thực hiện) 21/11/2020 17:00

Một quan điểm chúng tôi luôn tâm niệm khi làm việc, đó là mình đang thay mặt, đang đại diện cho anh em, bạn bè, các nhà hảo tâm đi san sẻ.

Nhà báo Trần Đắc Xuyên trong đợt cứu trợ bà con vùng lũ vừa qua.

15 năm làm phóng viên chuyên viết về nội chính - văn xã, nhà báo Trần Đắc Xuyên (hiện là Phó Tổng Biên tập Tạp chí Thanh tra - Thanh tra Chính phủ) đi từ Tây Bắc vào miền Trung và Tây Nguyên với nhiều trải nghiệm, chia sẻ với cuộc sống của bà con nơi anh từng đi, đến. Vì thế nên khi thiên tai, địch họa xảy ra ở vùng miền nào đó, nhà báo Trần Đắc Xuyên hình dung ra ngay được cuộc sống, tình hình kinh tế - xã hội nơi đó nên dễ dàng sắp xếp thời gian để khoác ba lô lên đường giúp đỡ bà con.

- Mỗi chuyến đi, đến với những vùng quê đều cho tôi những trải nghiệm, thậm chí là sự ám ảnh. Nhất là trong thiên tai, lũ lụt. Như trận lũ vừa qua, đau thương mất mát nhiều nơi có cảm giác như đã đến tột cùng. Trường hợp vợ chồng anh Hoàng Văn Đức và chị Ngô Thị Thơm ở thôn 3 - Thanh Tân - xã Thanh Thủy - huyện Lệ Thủy- Quảng Bình là một ví dụ. Khi đoàn thiện nguyện Quỹ Tấm lòng Miền Trung của chúng tôi sau khi trao quà cho bà con ở Thừa Thiên Huế và Hướng Hóa - Quảng Trị về dừng ăn cơm ở Sen Thủy thì vợ của anh Trần Thanh Tịnh đang ở Vũng Tàu (một trong những thành viên sáng lập Quỹ Tấm lòng miền Trung) đọc được thông tin trên mạng về hoàn cảnh này nên đề nghị Đoàn vào thăm và hỗ trợ gia đình. Gần 21h đêm, điện chưa có, đến được thôn 3, may mắn cho đoàn gặp được 2 em học sinh ở gần đó nhờ dẫn đường. Xe ô tô không vào được, 2 em đứa đứng trông xe, đứa bật điện thoại làm đèn pin dẫn chúng tôi len lõi qua mấy cái Đôộng (bãi bồi cao, nhiều mồ mả được chôn cất trên đó), để vào thắp hương cho 2 cháu nhỏ bị lũ cuốn. Vào đến nơi mới biết nhà của anh chị nước còn ngập nên vong linh của 2 cháu vẫn đang phải lập bàn thờ để nhờ nhà ông bà nội. Đoàn thắp hương, trao quà xong thì máy nổ đột ngột tắt. Mấy thanh niên trong làng hì hục sửa, đến lúc Đoàn chào về đi ngang máy nổ thì máy mới nổ lại.

Sau mỗi chương trình thiện nguyện anh có rút ra kinh nghiệm nào không?

- Thực ra thì cũng chẳng có kinh nghiệm gì. Cái tâm của mình nghĩ sao thì làm vậy. Quan trọng nhất vẫn là sự nhiệt huyết, chính xác và kịp thời.

Trước mỗi chuyến đi, các anh chuẩn bị tài lực, sức lực ra sao?

- Chúng tôi hay dùng từ xin hơn là kêu gọi. Giúp đỡ bà con là từ trái tim muốn sẻ chia, nên trước khi xin ai, mình phải ủng hộ trước. Mạnh thường quân của chúng tôi, trước hết và chủ yếu là anh em, bạn bè. Bản thân các Mạnh thường quân cũng là “Lá rách ít, đùm lá rách nhiều” thôi. Họ cũng khó khăn, nhưng may mắn hơn những người khó khăn khác. Và họ là người thân của mình, nên khi thấy mình xin, thậm chí chưa xin họ đã biết và muốn, nhờ mình thay mặt họ trực tiếp đi động viên, chia sẻ.

Các anh đã chuẩn bị, tổ chức như thế nào cho công việc từ thiện đạt hiệu quả?

- Một quan điểm chúng tôi luôn tâm niệm khi làm việc, đó là mình đang thay mặt, đang đại diện cho anh em, bạn bè, các nhà hảo tâm đi san sẻ. Do vậy, nếu mình trao quà cho người không thực sự cần hỗ trợ thì coi như mình đã đánh mất lòng tin. Ở đây không phải sợ lòng tin của người khác đối với mình mà là với chính mình.

Thời gian qua, nhiều nhóm hội đã tới miền Trung với lòng nhiệt huyết nhưng lại thiếu sự tìm hiểu về nơi mà họ sẽ đến nên nhiều hàng cứu trợ đã không dùng được hoặc bị hủy bỏ, anh chia sẻ về điều này ra sao?

- Đó chỉ là cá biệt thôi. Chỉ một số ít nhóm, họ đến với đồng bào lúc khó khăn nhưng tiếp cận thông tin chưa đầy đủ. Ai cũng muốn đi trực tiếp, trao tận nơi hỗ trợ bà con nhưng không phải ai cũng có thời gian và điều kiện. Hàng cứu trợ không dùng được hoặc hủy bỏ cũng có, nhưng do không phù hợp, hoặc hỏng hóc. Vì sau lũ, nếu nắm bắt được chỗ nào cần gì thì sẽ không có chuyện đó. Vì đối với vùng ngập nặng do lũ, nhiều nơi cái giẻ lau khô họ cũng cần để lau nhà.

Trên thực tế, một số đoàn từ thiện đều không có sự chuẩn bị kỹ và rất cảm tính khi làm mà không có kế hoạch trước?

- Điều đó đúng, nhưng chưa đầy đủ. Khi bắt tay vào làm hay kêu gọi thì từ cảm tính của một số người. Nhưng để đi đâu, trao gì, cho ai thì chắc chắn họ phải có kế hoạch. Tuy nhiên đó chỉ là số ít, nên hậu quả chỉ là trao nhầm địa chỉ. Cũng có thể người đó, nhóm đó họ sẽ rút kinh nghiệp lần sau không làm nữa. Hoặc làm thì làm theo cách khác.

Trong việc từ thiện, nhờ nghiệp vụ báo chí, các anh đã tìm hiểu nơi cần giúp đỡ cụ thể ra sao để đạt hiệu quả tốt?

- Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều đồng nghiệp khác của chúng ta đã làm từ thiện rất hiệu quả. Khi có các sự cố, những người làm báo luôn sẵn sàng lao vào đó, trước hết là thu thập thông tin để viết bài. Từ đó, sẽ nắm bắt được các thông tin sớm, cụ thể để kêu gọi và chia sẻ. Là nhà báo thì đi như là sứ mệnh rồi. Hơn nữa cũng thường được chính quyền và người dân quan tâm nên sẽ chuyên nghiệp và hiệu quả hơn.

Nhóm mình đến với bà con vùng lũ, khó khăn theo cách hoàn toàn chủ động.Từ phương tiện, thời gian, đến con người cụ thể. Tham gia đoàn thì ai cũng phải biết lái xe để thay nhau đi ngày đi đêm, đến nơi thì phải có sức để chuyển hàng hóa đi trao cho bà con, sẵn sàng dầm mưa, giải nắng, thậm chí bữa trưa ít khi nghỉ ăn mà phải ăn lương uống lương khô trên xe để chạy cho kịp thời gian đã hẹn với bà con. Để đi làm từ thiện, còn phải có tiền, có quan hệ nữa. Chưa lo nỗi cho mình thì giúp đỡ được ai.

Theo anh, những việc làm thiện nguyện có ý nghĩa thực tế ra sao?

- Phải dấn thân. Luôn tâm niệm mình là người may mắn hơn, khỏe mạnh hơn để giúp thêm người khác. Và mỗi hành động, việc làm của mình trải qua trở thành kinh nghiệm, vốn sống. Ý nghĩa nhất là qua hành động của mình góp phần lan tỏa được lòng nhân ái, yêu thương, đùm bọc, hỗ trợ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.

Xin cảm ơn anh!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ thiện - Nhiệt huyết, chính xác và kịp thời

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO