Tuổi nghỉ hưu

Trần Hữu Thăng 10/12/2015 09:57

Sau 10 năm kể từ ngày nhận cuốn sổ lĩnh lương hưu, tôi thấy cần phải công bố những kết quả mà tôi đã âm thầm tự quan sát, tự nghiên cứu, tự ghi chép.


Để bạn đọc dễ theo dõi, xin chia ra làm 2 phần:

A. Những ảnh hưởng tích cực do việc nghỉ hưu mang lại.

B. Những điều cần chú ý sau khi về hưu, có thể tạm gọi là những hạn chế do việc nghỉ hưu mang lại.
Trong phần A, cần nêu ngay một kết luận quan trọng, đó là: “Nghỉ hưu là một thời vàng son, thời kỳ đẹp nhất trong đời sống của một con người”.

Tại sao gọi là thời kỳ đẹp nhất?

Xin trích dẫn các phát biểu của những người đã trải qua các thời gian: Sau 5 năm về hưu, sau 10 năm, sau 20 năm và lâu hơn nữa.

Ông X. nguyên Tổng giám đốc một siêu công ty nói: “Khi còn tại chức, không đêm nào tôi được ngủ yên, không bữa ăn nào tôi được ngon miệng. Vì sao, cứ 10 phút lại có cú điện thoại xin ý kiến. Không trả lời thì công ty sụp đổ. Mà trả lời thì còn làm sao ăn được, ngủ được. Kết quả: Tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, đặt 3 stent ở mạch vành, đái đường nặng.

Sau 10 năm về hưu, nhờ tập thiền, tập dưỡng sinh, không nghe điện thoại, không vội vàng vượt hàng trăm cây số bằng ôtô sóc lên, vật xuống đến mửa mật để đến hiện trường kiểm tra sự cố.

Ông Tổng giám đốc suýt chết khi tại chức đã thẳng thắn tuyên bố: Ai muốn sống khỏe mạnh, chớ có tham tiền, tham quyền lực. Về hưu càng sớm càng tốt, ông còn trích dẫn cả bài thơ của Gia Cát Khổng Minh: “Mộng đời ai sớm tỉnh” (Đại mộng thùy tiên giác) để cảnh báo những ai còn mê muội.

Bà Y. về hưu đã được 15 năm. Nhìn bà điều khiển cả một đoàn quân gồm các lão tướng 70, 80 tuổi gồm các cụ bà, cụ ông biểu diễn võ dân tộc trước quảng trường Nhà hát lớn không ai dám nghĩ bà đã từng được gia đình chuẩn bị lễ tang.

Bà Y. rùng mình nhớ lại: Khi làm trưởng phòng giáo dục một quận đông dân ở thủ đô bà sợ nhất là mùa tuyển sinh. Phụ huynh học sinh, cấp trên, cấp dưới ép bà phải giải những bài toán cực kỳ khó khăn. Bà trốn không dám về nhà. Ăn ngủ thất thường hàng tháng giời. Kết quả: Đột quỵ. Bà phải về hưu lúc mới có 50 tuổi.

Thế mà chỉ nhờ kiên nhẫn tập luyện và nhất là “tránh được những sức ép kinh khủng”, đời bà đã lại nở hoa. Hiện tại bà là nữ tướng của đoàn biểu diễn võ thuật của Hội người cao tuổi danh tiếng của thủ đô.

Bà Y. thẳng thắn trao đổi: “Cái quý nhất của con người là sức khỏe. Muốn có sức khỏe, nên tránh những sức ép vô bổ mà ta chỉ là nạn nhân của cái cảnh trên đe dưới búa”.

Ngoài 2 ví dụ rất hùng hồn, rất đanh thép của 2 con người thực sự được sống, thực sự nở hoa sau khi được về hưu kể trên, tôi thấy cần giới thiệu một kết quả không ngờ của ngay chính cuộc đời tôi mà trước khi về hưu có nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ đến.

Suy nghĩ lại tôi mới thấy trong 60 năm đầu tiên cuộc đời, tôi đi làm cho cơ quan 35 năm, hình như tôi không bao giờ tự đặt cho mình một kế hoạch hoạt động cụ thể. Không phải vì tôi không biết cách làm kế hoạch lâu dài hoặc làm một thời gian biểu (Emploie du temps) cho một ngày, một tuần, một tháng. Nhưng vì tôi là cán bộ, tôi phải phụ thuộc vào kế hoạch của cơ quan, của thủ trưởng trực tiếp, thủ trưởng trên nữa, trên nữa. Mà tôi thì rất kính trọng các thủ trưởng nên ai “sai” gì tôi cũng làm, thành ra trong 35 năm đi làm, tôi hoàn toàn không có một kết quả gì do chính tôi tự đặt ra.

Thành ra lúc nhận quyết định về hưu, tôi vẫn cứ vô tư đón nhận, như là một việc tất nhiên phải xảy ra, như là đứa trẻ con nằm trong bụng mẹ 9 tháng 10 ngày là phải được ra đời. Nói dại, nếu nó cứ ở mãi trong tử cung mẹ thì nguy to. Việc về hưu cũng thế, nếu ai cũng xin ở lại thêm thì lấy chỗ đâu cho người trẻ hơn làm việc.

Ấy thế mà có người chạy chọt, hoặc bằng tiền, hoặc bằng học hàm học vị như giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ ra “mặc cả”, “cò kè” với tổ chức, gây khó khăn cho cơ quan. Thậm chí có người không ở lại được, uất quá mà chết, mà sinh ra bệnh tật. Có người chưa kịp cầm sổ hưu của Sở Lao động – Thương binh xã hội thành phố đã chết rồi. Đáng thương thay.

Thế là tôi về hưu như một sự đương nhiên, rất thoải mái, rất nhẹ nhàng. Trong khi tôi chưa biết làm gì để hưởng thụ những mùa thu vàng của cuộc đời, thì ông tổ trưởng khu phố, người hàng tháng đến phát lương hưu cho tôi đã định nghĩa về tôi và cuộc đời còn lại của tôi như sau:

Qua nghiên cứu sổ lương hưu của tổ mình, tôi thấy ông được hưởng lương hưu 3 triệu 800 ngàn đồng một tháng là loại Trung bình khá. So với hàng ngũ Tá, Úy thì ông kém nhưng so với nhiều nhân viên hành chính được hơn 1 triệu, 1 triệu 500 một tháng thì ông hơn.

Nhưng ông cần làm ngay 2 việc:

- Mua vé tháng ôtô buýt để tiết kiệm. Có sơ đồ xe buýt Hà Nội và các tỉnh lân cận để tự hưởng thụ việc khai thác xe buýt.

- Tìm ngay 1 tay xe ôm ruột để phòng khi có việc cần đi đâu ngay và chính xe ôm sẽ mở mắt cho ta nhiều việc.

Hai việc này, sau 10 năm về hưu, tôi xin khẳng định đây là một chỉ đạo vô cùng sáng suốt, vô cùng hiệu quả, vô cùng thực tế.

Tới đây tôi xin nói về tác dụng của người xe ôm ruột.

Một lần tôi hỏi anh xe ôm:

Tôi muốn xem chỗ nào tập kết các tạp chí, báo, tài liệu văn hóa đã bán ra ngoài theo kiểu đồng nát.

Anh xe ôm thỉnh thoảng lại phát hiện ra 1 chỗ. Tôi lại đến khảo sát. Thỉnh thoảng mua được một vài cuốn sách cũ thú vị, chỉ tiếc có quyển mất trang, mất hình vẽ thành ra không được trọn vẹn.

Nhưng có một lần, tôi đã gặp may. Tôi mua được 1 cuốn nhật ký viết tay theo giá bán cân nhưng khai thác được nhiều điều có ý nghĩa mang tính bước ngoặt trong cuộc đời tôi.

Không biết người viết cuốn nhật ký ấy là ai, nhưng khi đọc xong tôi xúc động đến run rẩy mặc dù đó là một ngày hè nóng bức.

Tóm tắt cuốn nhật ký như sau:

Lúc nhỏ tác giả mơ ước trở thành một họa sĩ. Lớn lên đi bộ đội, trở về học nghề, ra làm thợ dệt len. Đến lúc về hưu, sức khỏe giảm sút nhưng tinh thần vô cùng khỏe mạnh và thoải mái. Tác giả quyết tâm đi học vẽ từ sơ cấp và dần dần học lên. Một số sáng tác bước đầu đã được xã hội hoan nghênh. Một số tác phẩm được khách nước ngoài mua. Tác giả dần dần trưởng thành, tốt nghiệp cao đẳng mỹ thuật. Cuối cùng trở thành một họa sĩ khá nổi tiếng ở tuổi 65, tức là 5 năm sau khi về hưu.

Như vậy ước mơ là từ lúc còn trẻ, thực hiện ước mơ là trong giai đoạn nghỉ hưu.

Ôi, những ngày tháng nghỉ hưu biết bao tươi đẹp, biết bao rộng mở, biết bao hy vọng. So với tuổi học sinh, tuổi thanh xuân thì tuổi nghỉ hưu đằm thắm hơn, chất lượng hơn. Vì sao? Vì tuổi già là tuổi đã kết tinh trí tuệ kinh nghiệm của cả một cuộc đời, biết nói năng, biết im lặng, đặc biệt là biết cách hưởng thụ.

Thật không ngờ cuốn Nhật ký của người họa sĩ kia đã có tác động mạnh mẽ đến cuộc sống nghỉ hưu của tôi. Tôi đã noi gương người họa sĩ kia, quyết tâm học cách viết văn. Tôi gặp gỡ một số nhà văn mà tôi yêu mến, nhờ chữa từng bài nhỏ. Dần dần tôi trưởng thành hơn và được Hội nhà văn cho xuất bản một cuốn Truyện ngắn và Tản văn. Mấy tạp chí có uy tín cũng đã đăng hàng chục bài viết của tôi. Riêng đối với tôi, tôi khẳng định rằng nếu không có thời gian nghỉ hưu, tôi không thể có cái thú viết lách lúc tuổi già. Cái thú này giúp tôi sống những ngày tuổi già cực kỳ vui vẻ, phấn khích. Tôi lại càng vui hơn khi nhận được ý kiến khen, ý kiến đóng góp cho tôi của nhiều bạn đọc trong cả nước mà tôi chưa từng được gặp mặt.

Sang đến phần B tức là cái yếu, cái bất cập của thời gian nghỉ hưu, tôi chỉ có một nhận xét: Sức khỏe thể chất giảm dần, nhiều bệnh già xuất hiện. Nếu ta có nhận thức đúng đắn rằng đó là đương nhiên theo quy luật thì ta bình tĩnh đón nhận.

Kết luận:

Hạnh phúc thay cho những ai biết tận hưởng tuổi nghỉ hưu tươi đẹp, như những mùa thu vàng rực rỡ và đằm thắm trong nhạc phẩm của các bản giao hưởng bất diệt với thời gian và không gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuổi nghỉ hưu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO