Tùy tiện dùng thuốc kháng sinh: Hậu họa khôn lường

Đức Trân 25/09/2017 08:35

Thống kê mới nhất của Bộ Y tế cho thấy, ở Việt Nam, phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn, tỉ lệ này ở thành thị là 88% và 91% ở nông thôn. Kháng sinh đóng góp 13,4% ở thành thị và 18,7% ở nông thôn trong tổng số doanh thu của cơ sở bán lẻ thuốc. Bộ trưởng Bộ Y tế cho hay, tới đây Bộ sẽ thí điểm giám sát mua bán thuốc bằng camera tại các nhà thuốc, tiến tới chấm dứt tình trạng mua kháng sinh không cần đơn vào năm 2020.


Người dân có thể dễ dàng mua thuốc kháng sinh mà không cần đơn.

Lạm dụng thuốc kháng sinh

Ở Việt Nam, khuynh hướng tự mua thuốc chữa bệnh ngày càng phổ biến.Tại một hội thảo về vấn đề lạm dụng kháng sinh vừa được Bộ Y tế tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Kim Tiến cho biết, người dân hiện nay dùng kháng sinh khá bừa bãi, đau đầu cảm cúm đều tự ra hiệu thuốc mua bán không cần toa bác sĩ, đặc biệt là kháng sinh, vì thế mà có đến 30% số trẻ em được phát hiện có vi khuẩn kháng thuốc.

PGS-TS Nguyễn Thị Anh Thư - Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP HCM cũng cho biết 60% bệnh nhân điều trị nội trú ở các bệnh viện được kê đơn sử dụng thuốc kháng sinh. Còn trong phẫu thuật, 95% bệnh nhân được cho dùng kháng sinh. Chi phí cho thuốc kháng sinh chiếm đến 45% trong tổng số chi phí bình quân cho một đợt điều trị. Nguy hiểm hơn 50% trường hợp sử dụng thuốc kháng sinh tại Việt Nam là không hợp lý. Việc sử dụng sai, lạm dụng kháng sinh dẫn đến tình trạng vi khuẩn, vi trùng nhờn (đề kháng) với thuốc kháng sinh, làm giảm hiệu quả điều trị, kéo dài thời gian chữa trị, tăng chi phí cho người bệnh.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, khó khăn thách thức trong quá trình hạn chế tình trạng kháng thuốc kháng sinh ở Việt Nam là chất lượng thuốc lưu thông trên thị trường chưa được kiểm soát chặt chẽ. Việc người dân sử dụng kháng sinh giá rẻ, không kiểm soát được chất lượng làm giảm hiệu quả điều trị, ngày điều trị kéo dài cũng làm tăng nguy cơ kháng thuốc.

TS Kidong Park- Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam khẳng định, tình trạng kháng thuốc kháng sinh xảy ra ở tất cả các quốc gia. “Nếu không muốn các loại kháng sinh không còn hiệu lực trong tương lai, thì các nước cần phải có hành động”- đại diện WHO khẳng định. TS Kidong Park cũng cho rằng, thế giới đã xuất hiện các vi khuẩn kháng với hầu hết kháng sinh, còn gọi là vi khuẩn siêu kháng thuốc. Tại Việt Nam, hầu hết cơ sở KCB đang phải đối mặt với sự lan rộng của vi khuẩn kháng với nhiều loại kháng sinh.

Thống kê mới nhất của Bộ Y tế cho thấy, ở Việt Nam, phần lớn kháng sinh được bán mà không có đơn, tỉ lệ này ở thành thị là 88% và 91% ở nông thôn. Kháng sinh đóng góp 13,4% (thành thị) và 18,7% (nông thôn) trong tổng số doanh thu của cơ sở bán lẻ thuốc.

Khi thực hiện bài viết này, trong vai người đi mua thuốc, người viết dễ dàng mua được thuốc kháng sinh tại nhiều nhà thuốc khác nhau trên địa bàn Hà Nội. Có nơi mua bằng cách đọc tên thuốc. Đặc biệt hơn, có nhà thuốc bán kháng sinh sau khi nghe yêu cầu: bán cho thuốc tốt chữa cảm cúm mà không cần biết người mua có khám bệnh, có đơn thuốc hay không.


Nhiều người dân vẫn còn thói quen cứ bệnh là ra mua thuốc kháng sinh về tự điều trị. (Ảnh: TL).

Siết quản lý kê đơn

Theo các chuyên gia y tế, kháng kháng sinh là hiện tượng xảy ra khi mầm bệnh như vi khuẩn không bị tiêu diệt bởi thuốc kháng sinh. Chúng không những tồn tại mà còn sinh sản ra những thế hệ vi khuẩn mới, cũng có đặc tính kháng thuốc và hóa chất điều trị nhiễm trùng. Một chủng vi khuẩn có thể phát triển để chống lại từ một cho đến hàng chục loại thuốc kháng sinh khác nhau.

Thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh có vai trò quan trọng trong việc điều trị chữa bệnh, tuy nhiên thuốc có những tác dụng phụ, nếu sử dụng không đúng cách hoặc tự ý sử dụng sẽ gây ra những hậu quả ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người như kéo dài thời gian điều trị, gia tăng tỷ lệ tử vong của bệnh nhân, tăng chi phí điều trị, đặc biệt là gia tăng tình trạng kháng kháng sinh.

Trong ngành y tế, đơn thuốc có ý nghĩa rất quan trọng cả về y khoa (chỉ định điều trị), kinh tế (căn cứ để tính chi phí điều trị) và pháp lý (căn cứ để giải quyết các khía cạnh pháp lý của hoạt động khám chữa bệnh và hành nghề dược, đặc biệt liên quan đến thuốc độc, thuốc gây nghiện...)... Một đơn thuốc được ghi nội dung đúng theo quy định, các thuốc được kê hợp lý, ghi tên thuốc theo tên chung quốc tế (INN, generic), hàm lượng, cách dùng, liều dùng... sẽ giúp giảm thiểu sự nhầm lẫn, sai sót trong cấp phát, sử dụng, tiết kiệm thời gian và chi phí điều trị cho bệnh nhân. Tuy nhiên, tình trạng chưa tuân thủ đầy đủ quy chế kê đơn thuốc ngoại trú đang diễn ra ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trước đó, đầu tháng 9, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020, với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý và nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế đặc biệt là người kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc, góp phần giảm tình trạng kháng kháng sinh, lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý.

Tại Đề án này, Bộ Y tế đưa ra mục tiêu cụ thể đến năm 2020 đạt 100 % kê đơn thuốc đủ nội dung theo quy định của Bộ Y tế về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập, bệnh viện tư nhân và đạt 80% đối với cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân khác. Kê đơn thuốc tuân thủ hướng dẫn của Bộ Y tế về quản lý và sử dụng kháng sinh trong các bệnh lý nhiễm trùng đạt 90% đối với cơ sở khám, chữa bệnh công lập, bệnh viện tư nhân và 70% đối với cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân khác, đạt 100% bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc tại quầy thuốc, nhà thuốc.

Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam sẽ không còn tình trạng bán kháng sinh không cần đơn, đồng nghĩa người dân không thể tự ý ra hiệu thuốc mua kháng sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tùy tiện dùng thuốc kháng sinh: Hậu họa khôn lường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO