Tuyên án online

Tinh Anh 25/10/2021 10:00

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp Quốc hội do bà Lê Thị Nga trình bày thể hiện quan điểm đồng tình với dự thảo nghị quyết cho phép các cấp tòa án xét xử trực tuyến một số vụ án hình sự, dân sự, hành chính... có tình tiết đơn giản, chứng cứ rõ ràng. Ủy ban Tư pháp cũng đồng thời yêu cầu TAND Tối cao báo cáo kết quả sau một thời gian thực hiện.

Ủy ban Tư pháp cho rằng, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, việc “zero Covid” là bất khả thi nên buộc phải tính đến phương án tổ chức các phiên tòa trực tuyến. Xét xử trực tuyến sẽ nâng cao hiệu quả tố tụng, các vụ án được xét xử kịp thời, khẩn trương, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Đồng quan điểm với tờ trình của TAND Tối cao về việc cần triển khai ngay các phiên tòa trực tuyến từ đầu năm 2022 để đảm bảo tiến độ các vụ án, nhưng Ủy ban Tư pháp đề nghị cần hết sức thận trọng, làm từng bước chắc chắn, bởi việc xét xử các vụ án có liên quan đến quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức...

Đây là lần đầu tiên các cơ quan chức năng đặt vấn đề tổ chức các phiên tòa trực tuyến để thích ứng với hoàn cảnh và điều kiện xã hội mới. Cũng chưa hề có bất cứ bộ luật nào quy định vấn đề có liên quan đến xét xử trực tuyến, nên cũng là điều khó khi triển khai thực hiện. Vì thế, nếu không thận trọng sẽ dẫn đến sai lầm, gây oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Thực chất, nếu các phiên tòa trực tuyến được thực hiện chu đáo, nghiêm túc sẽ tiết giảm được nhiều chi phí, đảm bảo việc ghi âm, ghi hình theo quy định của pháp luật. Về lý thuyết, việc ghi âm, ghi hình theo phương thức xét xử trực tuyến đơn giản, tiện lợi hơn so với xét xử trực tiếp, chỉ có điều phải có sự giám sát chặt chẽ để không bị cắt xén, tráo đổi.

Một số luật sư cho rằng, khi tổ chức các phiên tòa trực tuyến, các cấp tòa án phải đảm bảo chất lượng internet, âm thanh, hình ảnh... để các luật sư dễ dàng theo dõi diễn biến, tranh luận bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho thân chủ. Tránh tình trạng cứ đến giai đoạn quan trọng, tranh luận đối đáp lý lẽ thì đứt đường truyền internet, hoặc mất âm thanh, hình ảnh làm mất tính khách quan của vụ án.

Các chuyên gia luật cũng cho rằng, khi tổ chức các phiên tòa trực tuyến, ngành kiểm sát nói chung và các kiểm sát viên nói riêng cần kịp thời thích ứng nhanh, đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền công tố, trách nhiệm kiểm sát xét xử của mình. Có như vậy mới hạn chế được các tiêu cực có thể phát sinh, tránh được việc gây oan sai hay bỏ lọt tội phạm.

Khi mà các cơ quan tố tụng đều đã có chuẩn bị kỹ lưỡng, sẵn sàng thì có lý do gì các phiên tòa trực tuyến lại không diễn ra suôn sẻ, thuận lợi? Hơn nữa, nếu cứ đợi hết dịch để tổ chức các phiên tòa xét xử trực tiếp thì phải chờ đến bao giờ? Liệu tiến độ các vụ án có đảm bảo theo quy định của pháp luật? Liệu số lượng vụ án tồn đọng có chất cao như núi?

Hiện, việc triển khai các phiên tòa trực tuyến là xu thế tất yếu trong khu vực cũng như toàn thế giới, vì thế Việt Nam phải có những bước chuẩn bị, triển khai để không bị tụt hậu. Xét xử trực tuyến là một bước trong lộ trình hội nhập quốc tế, bởi Việt Nam cam kết với khu vực ASEAN và thế giới là tới năm 2025 sẽ hoàn thành việc xây dựng tòa án điện tử.

Như vậy có thể nói chủ trương tổ chức các phiên tòa trực tuyến là hết sức đúng đắn, vừa giản tiện thủ tục, tiết kiệm kinh phí của Nhà nước, lại đảm bảo tiến độ các vụ án, tránh quá tải các nhà tạm giam, tạm giữ ở các địa phương. Đồng thời, đảm bảo mọi tranh chấp về dân sự, hành chính kịp thời được giải quyết không phát sinh tình huống ngoài ý muốn. Vì thế, dư luận xã hội hoàn toàn ủng hộ chủ trương tổ chức các phiên tòa trực tuyến.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyên án online

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO