Tuyên Quang: Dân bất an vì cát tặc

Xuân Trường- Tây Bắc 30/09/2020 10:11

Sông Lô đoạn chảy qua Tuyên Quang đã từ lâu nhức nhối nạn khai thác cát sỏi trái phép. Không chỉ thất thoát lớn tài nguyên, hậu quả sạt lở nghiêm trọng và tàn phá đất canh tác ven bãi đang hủy hoại môi trường, đe dọa trực tiếp đời sống người dân địa phương. Nhưng chính quyền dường như đã buông lỏng thực trạng này!

Sạt lở nguy hiểm

Tàu cát khai thác tấp lập khu vực cầu Tân Hà (Tp. Tuyên Quang)

Trong quá trình thực tế dọc sông Lô, chúng tôi ghi nhận thực trạng hoàn toàn trái ngược với những gì mà lãnh đạo các cơ quan chức năng tỉnh Tuyên Quang báo cáo thời gian qua.

Vào lúc (9 giờ 20, ngày 21/9/2020) hàng chục tàu hút, tàu cuốc gầm rú làm việc hết công suất, nhiều con tàu có khoang chứa đầy cát sỏi rầm rầm xuôi ngược đưa hàng về bãi tập kết. Đoạn qua thôn Văn Lập, xã Thắng Quân (huyện Yên Sơn), không thể tin nổi nhiều dãy bờ sông bị sạt lở ngoạm sâu vào gầm đường bê tông.

Bất kỳ người tham gia giao thông nào một chút sơ sảy đều có thể lao xuống sông mất mạng. Và dọc cả con đường dài không hề cắm biển báo nguy hiểm. Được biết khu vực này thuộc “chủ quyền” của Cty cổ phần công nghiệp Tân Hà (tổ 9, phường Tân Hà, Tp. Tuyên Quang).

Trang trại ven bãi của vợ chồng anh Lưu Văn Thảo (sn 1959) và chị Cao Thị Thơm (sn 1968), bị ảnh hưởng rất nặng. Vườn sạt lở hàng trăm mét thành vực khá sâu. “Nhiều bụi tre cao lâu năm, ngô đang lớn, cây trồng đã trôi cuốn theo hà bá. Chúng tôi chỉ còn biết kêu trời!” - anh Thảo bức xúc. “Nhiều năm rồi, Cty Tân Hà và cả doanh nghiệp Tiến Thuận (tổ 6, phường Tân Hà, Tp. Tuyên Quang) đến đây bất chấp tất cả, họ sục vòi hút vào thẳng ven bãi múc cát sỏi khiến nhiều gia đình trong thôn mất đất canh tác vì sạt lở. “Chúng tôi đã kêu gào, kiến nghị lên xã. Người làng còn đến gặp trực tiếp hai doanh nghiệp này nhưng tất cả cứ lờ đi, cũng chả thấy ông huyện, ông xã nào nói gì, bàn chi đến việc bồi thường”. Chị Thơm nói như uất nghẹn.

Ông Nguyễn Văn Luật (sinh năm 1964) từng là bộ đội xuất ngũ về địa phương dẫn tác giả bài viết ra bờ sông, chỉ tay về khoảng bãi canh tác của gia đình rất rộng - nguồn thu chính của nhà ông, đã bị ngoạm mất 30 mét. “Trước đây bãi này còn là sân bóng đá cho cả thôn chơi thể thao, thường tổ chức giao lưu với các đội bóng trong xã, nhưng từ khi doanh nghiệp Tiến Thuận khai thác cát sỏi đã làm đất bờ bị sạt lở hàng trăm mét. Cứ như này thì dân còn đâu đất mà sinh sống nữa” – ông Luật nói.

Các hộ gia đình chị Lê Thị Yến (sn1966), Lê Thị Oanh (sn 1969), anh Nguyễn Xuân Kiên (1989), cũng bị sạt lở sâu vào đất canh tác từ 20-30m…

Vừa ăn cướp, vừa đe dọa

Phản ánh của thôn Văn Lập, đã nhiều lần người dân hò nhau ra sông xua đuổi tàu cát, thậm chí hợp sức chặt đứt neo tàu, cắt cử người canh trực ven bãi cả đêm, nhưng “quái vật” tàu hút, tàu cuốc vẫn dùng mọi thủ đoạn đục khoét lòng sông và đất ven bãi. “Dân đoàn kết phản đối như thế nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế. Chúng tôi còn bị đối tượng xấu đến tận nhà đe dọa nên thấy rất bất an” – anh Thảo nói.

Ông Lê Xuân Hưng (sinh năm 1975) là công an viên xã Thắng Quân cũng thừa nhận là an ninh trật tự ở đây do khai thác cát sỏi trái phép kéo dài khiến địa bàn rất phức tạp. Bản thân ông còn có lúc cùng bà con đi xua đuổi tàu đã bị đối tượng “ăn mặc như xã hội đen” đến hành hung, dọa nạt.

Ông Lưu Văn Thảo cho tác giả bài viết xem văn bản (số 40/TH-TB ngày 10/06/2019) của Cty Tân Hà gửi các hộ dân thôn Văn Lập về phương án đền bù thiệt hại do đất bị sạt lở. Nhưng đã hơn một năm chưa người dân nào được nhận một đồng.

Người dân tính, với số lượng tàu có ngày ít 5 - 6 chiếc, ngày nhiều có cả chục, sức chứa từ 100 - 300m3/tàu trở lên, hai doanh nghiệp Tân Hà và Tiến Thuận đã móc ruột dòng Lô suốt thời gian qua là khối lượng “khủng” tài nguyên. Với giá cát loại tốt ở thời điểm hiện tại khoảng 260.000đ/m3 thì mỗi ngày đêm họ đã thu hàng trăm triệu đồng.

Gần 21h30 (25/9/2020), chúng tôi và một số người trong thôn có mặt tại vị trí bãi sông gần đó, tận thấy rất rõ gần chục con tàu hút hoán cải công suất lớn, tàu chở cát sỏi vẫn đang gầm rú hoạt động hết công suất bơm cát sỏi lên các khoang tàu (mỗi con tàu ước chừng 250 -300m3), tàu nào đầy là nhổ neo đi ngay.

Đèn trên các tàu bật sáng rực cả một khúc sông, mấy hộ gia đình nhà sát vị trí tàu khai thác chỉ biết đứng nhìn ngao ngán, bất lực. Ước tính hàng nghìn m3 cát sỏi được tàu hút lên và tập kết tại bãi của doanh nghiệp Tiến Thuận, thu về vài trăm triệu đồng mà chẳng ai hay.

Sáng 26/09/2020, Chủ tịch UBND xã Thắng Quân - ông Hoàng Trung Thông, cho biết đêm 12/9 lực lượng chức năng huyện và xã đã phối hợp bắt quả tang Cty Tân Hà dùng tàu khai thác cát sỏi ban đêm.

Đoàn đã lập biên bản và phạt số tiền 25 triệu đồng (Nghị định số 23/2020/NĐ-CP ngày 24/2/2020 - thời gian được phép hoạt động khai thác trong ngày, từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, không được khai thác ban đêm). Xã đã tổ chức lực lượng dân quân, công an kiểm tra, giám sát hoạt động của hai doanh nghiệp này nhưng do họ thường xuyên làm sai giờ, vị trí tàu khai thác nằm giữa sông, nên xã không có phương tiện ra ngăn chặn. Đã nhiều lần nhắc nhở nhưng họ chỉ hứa rồi lại tái diễn. Xã kiến nghị lên cấp trên yêu cầu hai doanh nghiệp thả phao, cắm biển báo theo quy định nhưng chưa thấy chuyển biến.

Buông lỏng quản lý, hay bất lực?!

Tại các điểm khai thác cát sỏi ở Tân Hà, Tràng Đà, Tân Long, Thắng Quân, Cấp Tiến, Đông Thọ, Thái Bình, An Hòa, quan sát cho thấy không hề cắm biển công khai tên dự án, diện tích mỏ được cấp phép, khối lượng khai thác… Vị trí điểm mỏ cũng không được thả phao đánh dấu theo quy định và các tàu hút, tàu cuốc khác cũng không hề có số. Điều mập mờ này dường như đã được cơ quan chức năng quản lý tạo điều kiện bao che cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Trường Lâm - Chánh thanh tra Sở TN&MT tỉnh Tuyên Quang, cho rằng trong những năm qua tình hình quản lý khai thác cát sỏi được đơn vị “quản lý khá tốt, rất ít trường hợp vi phạm, phát hiện được là xử lý ngay, tình trạng bờ sông bị sạt nở cũng có vài điểm nhưng không đáng gì”! Ông còn nói trên địa bàn chỉ cấp phép duy nhất cho 1 tàu cuốc hoạt động tại khu vực hồ thủy điện sông Lô 8B. Nhưng thực tế thì có đến vài chục tàu cuốc (không số hiệu) với kích thước, công suất khác nhau hoạt động liên tục suốt ngày đêm tận diệt lòng sông Lô.

Tỉnh Tuyên Quang đã cấp 34 Giấy phép khai thác cát sỏi (sông Lô 29 giấy phép, sông Gâm 3 giấy phép và sông Phó Đáy 2 giấy phép). Quá nhiều giấy phép như vậy nhưng sự thờ ơ, có dấu hiệu buông lỏng quản lý, kiểm tra đã dẫn đến việc khai thác cát sỏi trên địa bàn suốt nhiều năm qua diễn ra tràn lan, mất kiểm soát, mà không gặp bất kỳ trở ngại nào.

Ngày 19/03/2018 Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đã ký ban hành văn bản (số 02/2018/QĐ-UBND) nêu rõ trách nhiệm của 10 cơ quan đơn vị, từ xã, huyện đến Sở TN&MT, Công an, Tài chính,... nhưng tất cả dường như chỉ là… trên giấy!

Còn các báo cáo những đơn vị này gửi lên tỉnh, và tỉnh báo cáo cấp trên, rằng “việc quản lý khai thác khoáng sản vẫn trong tầm kiểm soát” - là điều trái ngược với những gì đang diễn ra trên dòng Lô.

Bờ sông thôn Văn Lập bị sạt lở do khai thác cát sỏi đã ăn sâu vào đường giao thông.

Bốn năm trước, UBND tỉnh Tuyên Quang cấp phép (số 08/GP/UBND) cho doanh nghiệp Tiến Thuận khai thác cát, sỏi bằng phương pháp lộ thiên tại lòng sông Lô tại đoạn thuộc địa bàn xã Thắng Quân và Tân Long (huyện Yên Sơn). Diện tích cấp phép khai thác 24ha, được giới hạn bởi các điểm kỹ thuật đã ghi rõ, chiều sâu khai thác tối đa tính từ mặt lớp cát, sỏi của các khối trữ lượng khai thác 4,5m, công suất khai thác 100.000m3/năm, thời hạn khai thác 7 năm. Riêng Cty Tân Hà được tỉnh ưu ái cấp nhiều điểm mỏ cát sỏi tại nhiều khu vực với thời hạn khai thác lên đến vài chục năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyên Quang: Dân bất an vì cát tặc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO