Tuyển sinh 2020: Đảm bảo công bằng cho người học

Minh Quang 29/04/2020 08:00

Phương án thi tốt nghiệp THPT và cách thức tuyển sinh ĐH 2020 đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Theo đó năm 2020 kỳ thi này có nhiều thay đổi, từ việc điều chỉnh thời gian thi, giảm tải kiến thức đến tên gọi của kỳ thi. Điều này tác động tới việc tuyển sinh ở nhiều trường ĐH, khi lâu nay vẫn sử dụng kết quả thi THPT làm thước đo đánh giá “đầu vào”.

Vậy kỳ thi này sẽ được tổ chức ra sao cho hợp lý? Bộ GDĐT cho biết sẽ sớm công bố quy chế tuyển sinh, chậm nhất vào ngày 10/5 tới đây.

Tuyển sinh 2020: Đảm bảo công bằng  cho người học

Nhiều trường dự định vẫn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển.

Bài thi tổ hợp vẫn giữ 3 đầu điểm

Trong cuộc làm việc mới nhất với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh năm 2020, nhiều trường ĐH bày tỏ mong muốn năm nay vẫn giữ nguyên 3 đầu điểm đối với bài thi tổ hợp để thuận tiện cho việc sử dụng kết quả thi THPT làm cơ sở tuyển sinh. Để giảm áp lực cho thí sinh, nhiều trường dự định vẫn sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Tuy nhiên, hiện khó khăn của các trường là chưa biết sẽ xét tuyển thế nào vì theo Bộ GDĐT, mỗi bài thi tổ hợp chỉ có đầu điểm duy nhất, không còn điểm của các môn thành phần như những kỳ thi năm trước.

TS Nguyễn Hải Ninh-Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Y Dược Hải Phòng cho rằng nếu chỉ có đầu điểm một môn KHTN hoặc KHXH thì các trường có muốn sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển cũng rất khó. Nhiều trường sẽ không biết làm thế nào để lấy được điểm thành phần xét tuyển các tổ hợp theo khối thi truyền thống.

Các phân tích khác cũng chỉ ra rằng, nếu các trường xét tuyển dựa theo đầu điểm bài thi KHTN hay KHXH thì áp lực sẽ dồn lên thí sinh. Các em sẽ phải dồn sức để học đều cả 5 môn thay vì 3 môn thi để cạnh tranh suất vào ĐH, trong khi thời gian không còn nhiều.

Trước những băn khoăn này, ông Phùng Xuân Nhạ- Bộ trưởng Bộ GDĐT cho biết về lâu dài, việc công bố một đầu điểm cho bài thi tổ hợp là tránh tình trạng học lệch, học tủ. Tuy nhiên, qua ý kiến của xã hội, Hiệp hội các trường ĐH-CĐ… Bộ sẽ tiếp thu, điều chỉnh lại bài thi tổ hợp, thời gian làm bài sẽ đảm bảo đánh giá năng lực học sinh ở các môn thành phần. Theo đó, Bộ vẫn giữ nguyên 3 đầu điểm đối với bài thi tổ hợp.

Lãnh đạo Bộ GDĐT khẳng định độ phân hóa của đề thi năm nay giảm bớt những câu hỏi đánh đố nhưng vẫn đảm bảo xếp loại được học sinh trung bình, khá, giỏi, xuất sắc và điểm thi vẫn chênh đến 0,25 điểm. Những câu hỏi mang tính đánh đố vốn chỉ phục vụ yêu cầu phân hóa của một số ít trường ở tốp trên thường có mức điểm tuyển sinh rất cao, có thể đến 29-30 điểm.

Hạn chế tuyển sinh bằng học bạ

Liên quan đến những thay đổi của kỳ thi này và công tác tuyển sinh của các trường ĐH, Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam vừa có góp ý, khuyến cáo gửi đến Bộ GDĐT.

Theo Hiệp hội, kỳ thi THPT quốc gia trước đây và kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay hoàn toàn cần thiết để kiểm soát chất lượng của 12 năm học giáo dục phổ thông, đặc biệt khi bệnh thành tích đang rất trầm trọng trong giáo dục Việt Nam hiện nay. Kỳ thi này dù tên gọi có thể khác nhau, nhưng vẫn mang tính chất quốc gia: Triển khai thống nhất trên toàn quốc, Bộ GDĐT chuẩn bị đề thi và quy định quy trình tổ chức thi. Trong trường hợp này, nếu địa phương (hay trường ĐH) được phân cấp quản lý việc tổ chức kỳ thi nên không thể nói đó là kỳ thi của địa phương hay của trường.

Hiệp hội cũng cho rằng dù Việt Nam hiện nay đang có dịch Covid-19 nhưng không thể lấy cớ đó để bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT được, trừ khi tình trạng cách ly toàn xã hội vì dịch bệnh chưa được bãi bỏ. Hơn thế, kỳ thi cơ bản giống thi THPT quốc gia các năm 2018 và 2019 nên không thể gây khó khăn cho thí sinh.

Trước đây (từ năm 2002 đến năm 2014), hàng năm Bộ GDĐT phải tổ chức 2 kỳ thi mang tính chất quốc gia là kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và kỳ thi tuyển sinh ĐH (còn gọi là kỳ thi “3 chung”). Tuy nhiên, theo tinh thần đổi mới của giáo dục ĐH, công tác tuyển sinh ĐH, CĐ được triển khai theo hướng “kết hợp sử dụng kết quả học tập ở phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo” và “giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục ĐH”. Phương thức tuyển sinh gồm thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Cơ sở giáo dục ĐH tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh.

Do đó, Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Việt Nam khuyến cáo các trường tốp đầu, năng khiếu, đặc biệt với những ngành học tuyển sinh rất ít nhưng thí sinh đăng ký đông nên có thêm một kỳ thi trung tuyển (viết, vấn đáp hoặc phỏng vấn…) do trường tự tổ chức, sau khi đã sơ tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT; Với những trường thuộc tốp giữa và tốp cuối, đơn vị này khuyến cáo nên tuyển sinh dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Đồng thời để tránh tình trạng “thí sinh ảo” các trường có thể liên kết với nhau thành từng cụm và sử dụng chung trung tâm khảo thí để tổ chức xét tuyển chung cho tất cả các trường trong cụm. Về kỹ thuật Bộ GDĐT nên có sự hỗ trợ cho các trung tâm đó, xem như là một dịch vụ công ích.

Ngoài ra, Hiệp hội các trường ĐH-CĐ Viêt Nam cũng cảnh báo các trường nên hạn chế việc xét tuyển qua học bạ vì trong khi chất lượng đào tạo ở phổ thông còn chưa được kiểm soát chặt chẽ thì cách xét tuyển này có thể không công bằng.

Xung quanh việc tổ chức thi THPT và tuyển sinh năm 2020, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đề nghị các ĐH, trường ĐH, học viện, CĐ cần tính toán thận trọng phương án tuyển sinh, không gây hoang mang, lo lắng cho học sinh. Bộ đang chỉ đạo xây dựng quy chế tuyển sinh đảm bảo tinh thần thực hiện tự chủ ĐH nhưng phải đề cao trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch và chia sẻ với những khó khăn của học sinh, phụ huynh trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề của bệnh dịch Covid-19.

Sẽ có thêm giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT

Theo Luật Giáo dục có hiệu lực từ ngày 1/7/2020, học sinh học hết chương trình nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được Hiệu trưởng trường THPT hoặc Giám đốc trung tâm GDTX cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

Cục Quản lý chất lượng (Bộ GDĐT) cho biết, 3 năm trở lại đây, mỗi năm có khoảng 75% thí sinh có nguyện vọng thi để xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ; còn 25% chỉ thi để xét tốt nghiệp. Kể từ năm nay, những học sinh học xong chương trình lớp 12 nhưng không có nhu cầu thi lấy bằng tốt nghiệp hoặc thi không đỗ sẽ được cấp giấy chứng nhận hoàn toàn chương trình THPT để đi làm và học nghề. Điều này sẽ giảm phần nào áp lực thi cử, giảm bớt sự tốn kém do phải tổ chức thi cho một bộ phận học sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyển sinh 2020: Đảm bảo công bằng cho người học

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO