Tuyển sinh đại học: Cần giải pháp bền vững

Dung Hòa 24/09/2021 10:00

Thời điểm này, nhiều trường đại học (ĐH) trên cả nước đang thông báo chỉ tiêu và điều kiện xét tuyển bổ sung, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) công bố điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1. Tuy nhiên, ghi nhận cho thấy những ngành xét tuyển bổ sung không phải ngành có điểm chuẩn cao của các trường.

Hàng nghìn chỉ tiêu ở các trường top giữa và dưới

Thống kê cho thấy, hiện đã có 45 trường ĐH thông báo xét tuyển bổ sung hàng ngàn chỉ tiêu vào các ngành đào tạo bậc ĐH hệ chính quy năm 2021. Theo phương án đào tạo của các trường, dù thí sinh trúng tuyển theo phương thức nào đều học chung chương trình, tiến độ và các chế độ, chính sách đều áp dụng chung. Vì vậy, thí sinh có thể cân nhắc nộp hồ sơ vào các phương thức xét bổ sung như xét điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ, điểm thi đánh giá năng lực...

Đơn cử, Học viện Ngân hàng thông báo xét tuyển bổ sung ngành Kế toán (định hướng Nhật Bản, Học viện Ngân hàng cấp bằng) với 25 chỉ tiêu tuyển bổ sung, tổ hợp xét tuyển A00, A01, D01, D07. Mức điểm nhận hồ sơ được trường đưa ra với ngành này là 26,4 điểm. Ngoài ra, trường còn xét tuyển bổ sung ngành Hệ thống thông tin quản lý (định hướng Nhật Bản, Học viện Ngân hàng cấp bằng) với 24 chỉ tiêu bổ sung. Mức điểm nhận hồ sơ vào ngành này là 26,3 điểm.

Trường ĐH Lâm nghiệp (Hà Nội) tuyển bổ sung ở 20 ngành đào tạo ở 3 cơ sở. Điểm nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung là 15 điểm với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT và 18 điểm với xét tuyển học bạ, không phân biệt tổ hợp và ngành đào tạo.

Trường ĐH Quốc tế, ĐH Quốc gia TP HCM, tuyển bổ sung sinh viên cho gần 30 ngành. Trong đó có nhiều ngành liên kết với ĐH nước ngoài, điểm sàn nhận hồ sơ thấp nhất là 15 điểm;…

Trường top trên không có nhu cầu tuyển bổ sung

Theo kế hoạch, ngày 26/9 các trường ĐH-CĐ sẽ kết thúc đợt 1 xét tuyển. Tuy nhiên, cho đến đến nay, nhiều trường đã có tỷ lệ thí sinh xác nhận nhập học đạt gần 100%.

PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho hay, với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, tính đến ngày 22/9, tỷ lệ xác nhận nhập học chung của toàn trường đã đạt 93%. Trong số 59 ngành đào tạo, chỉ có 10 ngành có tỷ lệ xác nhận nhập học/chỉ tiêu dưới 100% (từ 92-99%), 49 ngành còn lại đều trên 100%.

Được biết, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM là trường đầu tiên thông báo xét tuyển thẳng điểm thi THPT năm 2021 vào hệ ĐH chính quy, với điều kiện điểm đăng ký phải từ 26,75. Thời gian nhận hồ sơ xét tuyển hạn cuối đến 17 giờ ngày 28/9.

PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch, Trưởng ban Đào tạo, Học viện Tài chính cho biết, những thí sinh đạt điểm thi 28, 29 điểm là nguồn có chất lượng đầu vào cao nên Học viện có dự định tuyển bổ sung đối với những trường hợp này. Tuy nhiên, về chỉ tiêu tuyển sinh cũng như điểm dự định xét tuyển phải phụ thuộc vào lượng thí sinh nhập học đã đủ hay chưa. Nếu số chỉ tiêu vào trường đã đủ, Học viện sẽ xin phép Bộ GDĐT để tăng chỉ tiêu tuyển sinh mới có thể tuyển những thí sinh trên 27 điểm trượt ĐH.

Như vậy có thể thấy, những ngành xét tuyển bổ sung không phải những ngành có điểm chuẩn cao của các trường. Các trường top trên thường không có nhu cầu xét tuyển bổ sung. Vì vậy, dù được phép tuyển sinh quanh năm, nhưng quan trọng nhất với các trường ĐH vẫn là đợt 1 xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, và các phương thức xét tuyển riêng trước đó ở các trường top trên, nhất là với những ngành học “hot”.

Theo thống kê của Bộ GDĐT, cả nước có 165 thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên (theo tổ hợp thi 3 môn, chưa gồm điểm ưu tiên) nhưng không trúng tuyển đợt 1. Ông Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ GDĐT cho biết nhằm tạo mọi điều kiện để các em có cơ hội, Bộ sẽ trao đổi với các trường để tạo điều kiện cho các em có điểm cao nhưng thi trượt được xét tuyển bổ sung vào các ngành top của các trường top đầu. Bộ cũng sớm có hướng dẫn để các trường triển khai tuyển bổ sung những thí sinh nói trên.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục việc tạo điều kiện để thí sinh đạt điểm cao chưa đỗ có cơ hội được xét tuyển bổ sung chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, tuyển sinh ĐH cần có giải pháp bền vững để đảm bảo quyền lợi, sự an tâm cho người học.

Theo TS Nghiêm Thuý Hằng, giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội, cộng điểm vùng miền và đối tượng ưu tiên trong xét tuyển ĐH tạo nên bất công cho thí sinh, đặc biệt là ở những ngành học điểm chuẩn cao. Điển hình ngành Hàn Quốc của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (30 điểm khối C), ngành Xây dựng lực lượng của Học viện Chính trị Công an nhân dân 30,34 điểm khối C (với nữ)… Nếu các thí sinh không có điểm cộng, chắc chắn sẽ trượt…

Bà Hằng đề xuất hai hướng giải quyết điểm cộng ưu tiên. Thứ nhất, siết điểm cộng tối đa từ 2,75 xuống 1 điểm. Thứ hai, Bộ GDĐT có thể bỏ chính sách cộng điểm ưu tiên hoặc trao quyền quyết định cho các trường ĐH trong xét tuyển. Tuy nhiên việc giao quyền này cần quy định khung điểm tối thiểu và tối đa để tránh lạm phát điểm số.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyển sinh đại học: Cần giải pháp bền vững

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO