Tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2016: Tự chủ không phải là cứ tăng học phí

Phương Linh (thực hiện) 01/12/2015 09:05

Sau khi nhận được thông báo về những thay đổi trong kỳ thi THPT Quốc gia 2016, cũng như những thay đổi căn bản trong sự phát triển của từng nhà trường như tăng học phí, xây dựng đề án tự chủ…, PGS Phạm Văn Liên - Phó Giám đốc Học viện Tài Chính chia sẻ một số ý kiến.

Tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2016: Tự chủ không phải là cứ tăng học phí

PGS Phạm Văn Liên.

PV: Theo Bộ GD&ĐT, kỳ thi THPT Quốc gia 2016 sẽ có những thay đổi đáng kể về công tác xét tuyến, tăng quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường. Quan điểm của ông về những thay đổi này như thế nào?

PGS Phạm Văn Liên: Xung quanh vấn đề này có nhiều ý kiến, nhưng theo tôi, trong công tác chỉ đạo tuyển sinh, về phía quản lý nhà nước, quản lý chung toàn bộ thì có lẽ Bộ GD&ĐT cũng phải phát huy vai trò quản lý của mình. Làm người điều phối cho các trường chứ nếu bây giờ mọi cái mà đem thả lại hết cho các trường thì tự nhiên thành thị trường và bên dưới mỗi người làm một kiểu sẽ hỗn độn. Và điều đó cũng sẽ gây tác động không tốt cho thí sinh (TS) và phụ huynh.

Trong năm học tới sẽ có rất nhiều điểm mới, ví dụ như vấn đề tự chủ, tăng học phí… Điều này cũng sẽ tác động phần nào đến công tác tuyển sinh của các nhà trường, thưa ông?

- Xung quanh vấn đề tự chủ cho các trường ĐH chúng ta cũng phải hiểu có hai tốc độ. Thứ nhất là tự chủ toàn bộ về công tác tuyển sinh đào tạo và chịu trách nhiệm về sản phẩm của nhà trường. Thứ hai là tự chủ trong việc trang trải chi phí.

Theo tôi, chủ trương này hoàn toàn đúng. Nhưng để thực hiện tốt chủ trương này chúng tôi cũng xác định sẽ có nhiều việc để làm, nhưng trong đó việc có thể nói là cốt lõi, quan trọng nhất, có tính chất tác động quyết định nhất đấy vẫn là chất lượng sản phẩm mình đào tạo. Anh có tập trung vào nâng cao chất lượng đào tạo thì lúc đó uy tín của nhà trường mới có. Từ đó nhà trường mới tuyển sinh được. Mà nhà trường tuyển sinh được thì cũng đồng nghĩa với việc tăng thêm được tiềm lực tài chính thông qua việc thu học phí.

Tất nhiên việc thu học phí này khi thực hiện tự chủ thì nó cao hơn quy định những năm trước đây. Nhưng cũng phải xác định lộ trình phù hợp để tăng học phí dần dần chứ không phải tăng vọt. Bởi vì trong điều kiện kinh tế của chúng ta bây giờ, đặc biệt là các em sinh viên, phụ huynh có điều kiện kinh tế khó khăn, nếu như tăng học phí luôn vào mức cao thì sẽ rất khó khăn trong trang trải. Thế nên chúng tôi cũng xác định lộ trình chỉ tăng ở mức hợp lý theo từng giai đoạn.

Ông có thể chia sẻ kỹ hơn về những khó khăn mà các trường ĐH gặp phải trong vấn đề tự chủ?

- Trong điều kiện tự chủ tài chính thì có hai vấn đề. Đầu tiên là vấn đề học phí, liên quan đến chi phí. Thứ hai là liên quan đến chất lượng đào tạo. Tôi cho rằng hai vấn đề đó là bài toán có thể nói tác động tương hỗ lẫn nhau, chứ cũng không thể nói bây giờ mình muốn tự chủ tài chính thì mình cứ thu học phí cao lên là được.

Bởi vì thu học phí cao hơn sẽ không có người đến học hoặc là ít người đến học. Trong điều kiện đó thì cũng không thu được, không đủ tiền trang trải.

Nhưng mặt khác nếu không có tiền thì cũng không thể trang trải cho những khâu nâng cao chất lượng đào tạo như đào tạo đội ngũ giáo viên, nâng cấp cơ sở vật chất, thay đổi chương trình đào tạo… Những vấn đề đó muốn thực hiện cũng phải có chi phí vì không có chi phí không thể làm được. Thế cho nên giữa hai yếu tố đó, giữa chi phí và nâng cao chất lượng đào tạo cần phải tác động qua lại lẫn nhau.

Thực hiện theo lộ trình để cái nọ tác động cái kia, dần dần nâng cao. Mục đích cuối cùng là làm thế nào để nâng cao được chất lượng đào tạo và sản phẩm đào tạo ra đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng lao động trong xã hội.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2016: Tự chủ không phải là cứ tăng học phí

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO