Tuyển sinh ĐH, CĐ 2017: Bỏ điểm sàn, không giới hạn nguyện vọng

Thu Hương 17/12/2016 08:50

Ngày 16/12, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo quy chế tuyển sinh chính quy hệ ĐH, CĐ năm 2017. Theo đó, sẽ có nhiều điểm mới có lợi cho thí sinh như bỏ ngưỡng chất lượng đầu vào với ĐH, thí sinh được xét tuyển nhiều nguyện vọng, nhiều trường...

Ảnh minh họa.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, Quy chế năm 2017 về cơ bản như năm 2016 nhưng có một số qui định mới nhằm khắc phục các bất cập như thí sinh không đăng ký xét tuyển được ngành yêu thích vào những trường có tính cạnh tranh khác nhau; Các trường gặp khó khăn trong xác định tỉ lệ thí sinh trúng tuyển mà không nhập học khiến nhiều trường tuyển không đủ chỉ tiêu; Không công bằng đối với thí sinh khi các trường hạ điểm trúng tuyển.

Nguyên tắc chung là các trường chủ động hoàn toàn trong công tác tuyển sinh. Bộ cung cấp thông tin và hỗ trợ kỹ thuật để các trường thực hiện tốt công tác tuyển sinh, đảm bảo trật tự, an toàn và công bằng đối với thí sinh cũng như các nhà trường.

Bỏ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào

Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) là mức điểm xét tuyển tối thiểu để các trường nhận đơn xét tuyển của thí sinh thi theo đề thi chung của Bộ GD&ĐT, được áp dụng từ năm 2004. Thí sinh phải có điểm thi bằng hoặc cao hơn điểm sàn mới được xét tuyển nguyện vọng vào các trường ĐH, CĐ.

Năm 2016, Bộ GD&ĐT đã bỏ ngưỡng chất lượng đầu vào đối với hệ CĐ. Ở Dự thảo mới nhất, Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ không quy định “điểm sàn” đối với hệ ĐH. Điều kiện chung nhất là thí sinh tốt nghiệp THPT. Điều kiện đủ do các trường qui định.

Giải thích về quy chế mới này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, ngưỡng chất lượng đầu vào lâu nay được xem là điều kiện cần đối với thí sinh. Tuy nhiên để có thể nộp đơn xét tuyển vào một trường đại học nào đó, thí sinh phải đáp ứng những điều kiện khác do trường qui định. Đây là quyền tự chủ của các nhà trường.

Tùy theo chiến lược phát triển, tính chất đặc thù của ngành nghề đào tạo, điều kiện đảm bảo chất lượng, uy tín… mà điều kiện do các trường qui định cũng rất khác nhau. Việc qui định một ngưỡng đầu vào chung cho tất cả các trường, tất cả các ngành không còn phù hợp với xu thế ngành nghề đào tạo ngày càng đa dạng.

Về vấn đề đảm bảo chất lượng đào tạo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng không phải các trường cứ hạ điểm chuẩn là có thể tuyển đủ chỉ tiêu. Ngược lại việc hạ thấp điểm chuẩn làm cho uy tín của trường bị ảnh hưởng, càng khiến cho thí sinh quay lưng.

Thực tế, 2 năm nay, Bộ đã cho phép các trường có thể tuyển sinh riêng bằng cách xét học bạ THPT nhưng các trường cũng không tuyển được nhiều thí sinh theo phương thức này.

Năm 2016 mặc dù Bộ có qui định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhưng có hơn 100.000 thí sinh trên ngưỡng này không nộp đăng ký xét tuyển trong khi rất nhiều trường tuyển không đủ chỉ tiêu. Điều này cho thấy thí sinh ngày nay đã có sự tính toán, lựa chọn trường, không nhất định phải vào ĐH ở bất kỳ trường nào.

“Do đó các trường sẽ tự cân nhắc khi đặt điều kiện đầu vào của trường cho phù hợp để đảm bảo chất lượng, xây dựng uy tín của trường. Mặt khác, năm nay Bộ cũng yêu cầu các trường công khai điều kiện đảm bảo chất lượng, báo cáo tình hình sinh viên tốt nghiệp tìm được việc làm, công khai chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia, đồng thời triển khai mạnh mẽ kế hoạch kiểm định chất lượng”- ông Ga nhấn mạnh.

Không giới hạn số nguyện vọng, số trường

Một điểm mới quan trọng về xét tuyển trong dự thảo mới là thí sinh được ĐKXT không giới hạn số nguyện vọng, số trường và phải sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất).

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất). Trong đợt 1, đối với các trường, ngành thí sinh được xét tuyển bình đẳng theo kết quả thi, không phân biệt thứ tự ưu tiên của nguyện vọng đăng ký. Đối với mỗi thí sinh, xét tuyển được thực hiện theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng.

Thí sinh chỉ trúng tuyển vào 1 nguyện vọng ưu tiên cao nhất có thể trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký.

Dự thảo cũng đề cập đến việc cho phép thí sinh được điều chỉnh nguyện vọng sau khi có kết quả thi THPT quốc gia, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, đây là một tiến bộ trong đổi mới tuyển sinh. Điều này giúp cho thí sinh tránh bớt rủi ro. Qui định như vậy một mặt giúp việc chuẩn bị cơ sở dữ liệu không quá gấp gáp và mặt khác, giúp cho thí sinh có nhiều thời gian để suy nghĩ việc lựa chọn nguyện vọng phù hợp.

Trước đó, năm 2016 thí sinh làm thủ tục đăng ký trong một thời gian qui định sau khi có kết quả thi nhưng sau khi đăng ký rồi thì không được thay đổi nguyện vọng. Điều này có cái lợi là việc đăng ký diễn ra suôn sẻ nhưng thí sinh không có cơ hội “sửa sai” khi muốn thay đổi ý kiến.

Về phía các trường, để tránh “ảo”, Bộ GD&ĐT cũng xây dựng cổng thông tin tuyển sinh để các trường lọc ra danh sách trúng tuyển chính thức.

Ghi nhận nhanh ý kiến từ các trường cho thấy, với quy định này, nếu chạy tốt, phần mềm tuyển sinh của Bộ GD&ĐT sẽ hạn chế “ảo” nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn. Đặc biệt, vì thí sinh được đăng ký nhiều nguyện vọng có thể tạo ra cơ sở dữ liệu quá lớn. “Vấn đề hệ thống quá tải cần được tính đến và có phương án giải quyết”- ông Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM nêu vấn đề.

Ông Dũng cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT hạn chế số lượng nguyện vọng, thí sinh chỉ được đăng ký hai trường, mỗi trường hai ngành như năm 2015. Ngoài ra, Bộ nên để các trường tự xét tuyển rồi gửi thông tin tuyển sinh, điểm chuẩn lên rồi chạy phần mềm tuyển sinh. Như vậy, hệ thống mới hoạt động hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyển sinh ĐH, CĐ 2017: Bỏ điểm sàn, không giới hạn nguyện vọng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO