Tuyển sinh lớp 10, vẫn nhiều tranh cãi

Gia Linh 06/06/2021 10:10

Hiện các địa phương trên cả nước đang trong quá trình tổ chức thi, tuyển sinh vào lớp 10 THPT. Mỗi địa phương có một cách thức tổ chức thi, xét tuyển, tuyển sinh khác nhau. Trong đó, đáng chú ý là quyết định tuyển thẳng học sinh là các F0, F1 của lãnh đạo thành phố Hà Nội, quyết định chuyển từ thi tuyển sang xét tuyển của Sở GDĐT Bà Rịa-Vũng Tàu…

Ảnh minh họa.

Có nên tuyển thẳng F0, F1 không?

Cách đây vài ngày, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội, lãnh đạo thành phố đã có quyết định tuyển thẳng học sinh là các F0, F1 và xét tuyển với F2 đảm bảo đúng người, đúng đối tượng vào lớp 10. Theo số liệu hiện nay, có 11 học sinh của Hà Nội sẽ được hưởng chính sách trên (con số có thể thay đổi theo tình hình dịch bệnh). Quyết định này cũng đã được Thành ủy đồng ý.

Thông tin trên đã thu hút sự chú ý và bàn luận trên ở khắp các diễn đàn dành cho phụ huynh học sinh. Một phụ huynh có ý kiến rằng: F0 bị bệnh thì không nói làm gì nhưng F1 có thể thi online được. Bởi học là cả một quá trình nên kiến thức đã có sẵn trong đầu. 21 ngày cách ly các học sinh vẫn có thể mang sách vở và in đề làm bài tập bình thường. Nóng bức thì ở trong khu cách ly hay bên ngoài thì cũng như nhau.

Có ý kiến lại cho rằng, rất khó để đánh giá quyết định trên của lãnh đạo thành phố là văn minh hay thiếu công bằng. Bởi là phụ huynh, không ai mong muốn con mình được nhận ưu tiên ấy. Khi bị là F0 hay F1 thì mọi người trong gia đình đều có ảnh hưởng tâm lý. Và quyết định của Hà Nội là phù hợp với giai đoạn hiện nay.

Chưa kể có một luồng ý kiến, việc được ưu tiên hơn trong tuyển sinh vào lớp 10 gây ra sự chủ quan cho học sinh, phụ huynh trong công tác phòng chống dịch. Có phụ huynh, học sinh còn “mong” mình thuộc diện F1, F2 để được ưu tiên hơn trong tuyển sinh vào lớp 10…

Nói về vấn đề này, thầy giáo Vũ Khắc Ngọc (Hà Nội) cho rằng theo thống kê thì năm nay, toàn Hà Nội có 93.362 học sinh đăng ký tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Theo quyết định của Sở thì 11 học sinh F1 sẽ được tuyển thẳng vào lớp 10 theo nguyện vọng đã đăng ký. Tính ra số này chỉ chiếm 0,01178% tổng số thí sinh (1 phần mười nghìn) cho nên về cơ bản sẽ không ảnh hưởng gì đáng kể tới cơ hội trúng tuyển hay quyền lợi của các bạn thí sinh khác.

Theo ông Ngọc: Các bạn F1 này được xét tuyển thẳng là dựa trên nguyện vọng đã đăng ký từ cách đây cả tháng. Nguyện vọng đó chắc chắn đã căn cứ trên lực học thực tế của các học sinh và có sự tư vấn của thầy cô, gia đình nên khó có chuyện “học dốt nhưng vì F1 được tuyển thẳng nên đăng ký vào trường top để hưởng lợi”.

Chuyện “chạy để được thành F1, được tuyển thẳng” nghe càng vô lý. Bởi để “được” vào danh sách F1 cần có những văn bản, thông báo rõ ràng, minh bạch, được giám sát bằng hệ thống camera chạy cơm của hàng xóm láng giềng, bạn bè và phụ huynh trong cả trường lớp, chứ đâu phải muốn là được. Mà “được làm F1” trong hoàn cảnh hiện nay “phiền” đến thế nào thì mọi người cũng biết rồi, 21 ngày không làm ăn, học hành gì đâu có dễ chịu đâu.

“Cho nên, nếu mình có con học lớp 9 và sắp thi, mình sẽ không bận tâm đến chuyện tuyển thẳng F0, F1 mà tập trung vào việc động viên, nhắc nhở con nhà mình học bài, ôn bài cho thật tốt để tới ngày thi thăng hoa rực rỡ là được”- theo ông Ngọc.

Thay vì thi tuyển sẽ xét tuyển tất cả học sinh

Đó là quyết định của Sở GDĐT Bà Rịa-Vũng Tàu. Căn cứ vào nguyện vọng thí sinh đã đăng ký, tỉnh này sẽ thực hiện xét tuyển thí sinh vào lớp 10 tính theo kết quả rèn luyện và học tập các lớp 6, 7, 8, 9. Để công bằng giữa các thí sinh, sẽ có tiêu chí phụ để tuyển sinh.

Bà Trần Thị Ngọc Châu - Giám đốc Sở GDĐT Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, theo kế hoạch ban đầu địa phương sẽ tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 THPT chuyên và không chuyên vào các ngày 3,4,5 tháng 6. Tuy nhiên, với tình hình bùng phát dịch bệnh khó lường cho nên để đảm bảo an toàn, Sở GDĐT quyết định lùi hoặc xét tuyển. Nhưng việc lùi lịch lại cũng chưa chắc an toàn. Vì thế Sở GDĐT Bà Rịa-Vũng Tàu đã tham mưu UBND tỉnh chuyển qua phương thức xét tuyển.

Quyết định trên là có cơ sở, bởi nhiều năm qua Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn thi tuyển vào THPT nên các học sinh đã có sẵn tâm thế bước vào THPT phải thi tuyển, cho nên sẽ không có việc chuẩn bị hồ sơ trước hay làm đẹp hồ sơ từ lớp 6-7-8-9 để được xét. Vì vậy, hồ sơ đó là hồ sơ thật chứ không phải hồ sơ để xét.

Thứ 2, thời điểm này hồ sơ và đăng ký nguyện vọng của các em căn cứ trên học lực đến đâu thì các em đăng ký thi tuyển vào trường mà các em thi tuyển đến đấy. Các em đã lường được học lực của mình để đăng ký thi tuyển. Việc đó đã chốt nên các em đăng ký chọn lựa trường của mình là đúng năng lực của các em.

Thứ 3, sắp xếp chuyên môn chỉ đạo của Sở GDĐT đối với các trường THCS ở các huyện, thị, thành phố, từ 10 năm nay Sở GDĐT đã yêu cầu các phòng GDĐT tổ chức cho đề thi kiểm tra học kỳ 1, 2 với học sinh THCS 3 môn bắt buộc Toán, Văn, Tiếng Anh đề kiểm tra chung.

Vì vậy, điểm tổng kết năng lực học tập của học sinh có mặt bằng chung tương đối chuẩn xác. Những môn còn lại các phòng phải ra ma trận đề và có định hướng cho các trường quyết ra đề các môn còn lại, từ ma trận định hướng đó cũng tạo ra những mặt bằng chung để xét.

Như vậy, xét học sinh THCS trên mỗi địa bàn đã có độ tương đồng về năng lực học tập được đánh giá qua các kỳ kiểm tra tập trung. Thêm nữa, phương thức đăng ký xét tuyển của Bà Rịa-Vũng Tàu là học sinh tốt nghiệp THCS xét tuyển theo địa giới hành chính, nghĩa là học sinh lớp 9 ở huyện, thị, thành phố đăng ký tuyển vào những trường THPT trên địa bàn của mình. Do đó, giữa các thí sinh đã có độ công bằng khi tuyển vào THPT.

Việc xét tuyển vào lớp 10 sẽ thực hiện từ ngày 10- 30/7. Theo đó, kết quả học tập 4 năm của học sinh sẽ quy ra điểm số, sau đó xét theo nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2. Nếu nhiều học sinh có điểm bằng nhau, việc xét tuyển dựa vào tiêu chí phụ là điểm trung bình lớp 9 và điểm trung bình 3 môn Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh.

Theo bà Châu, việc chuyển từ thi tuyển sang xét tuyển chắc chắn sẽ có những khó khăn. Nhưng chỉ là những trường hợp cá biệt chứ không phải đại trà. Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ có những tiêu chí phụ giúp tuyển được thí sinh có độ công bằng cao. “Chúng tôi đưa tiêu chí dựa trên mặt bằng chung, còn trường hợp cá biệt sẽ cân nhắc để hướng dẫn hội đồng tuyển hạn chế bất cập của trường hợp cá biệt đó”- bà Châu cho biết.

Theo thầy giáo Vũ Khắc Ngọc (Hà Nội): Chuyện thiên tai, dịch bệnh là chuyện không may, không ai mong muốn. Cứ thử hình dung con nhà mình hàng ngày được ngồi nhà bật điều hòa học online, wifi ổn định, so với các bạn ở khu cách ly tập trung, không điều hòa, trời thì 40 độ C, wifi chập chờn. Đó là chưa kể sự ức chế, lo lắng về tâm lý khi phải cách ly tập trung (có thể xa gia đình), không biết mình liệu có dương tính không, không biết mình có làm lây cho ai không, không biết mọi người có vì mình mà ảnh hưởng công việc không, không biết mình sẽ thi cử thế nào... sẽ thấy rằng việc tuyển thẳng này là hợp lý, công bằng, nhân văn và đảm bảo quyền lợi của các học sinh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyển sinh lớp 10, vẫn nhiều tranh cãi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO