Ứng phó Fake news

Đức Trân 21/06/2019 14:00

Tin giả (Fake news) tràn ngập trên mạng xã hội, là mối quan ngại thực sự đối với không chỉ các nhà báo mà còn với cả thế giới. Tin giả loang nhanh, gây nhiều hệ lụy, là thách thức thực sự với xã hội.

Ứng phó Fake news

Tin giả xuất hiện ngày càng nhiều trên mạng xã hội.

Tràn lan thông tin giả

Tại Việt Nam, tin giả không phải là khái niệm mới, nhưng những năm gần đây được nhắc tới nhiều bởi sự xuất hiện ngày càng liên tục với mức độ nghiêm trọng ngày càng gia tăng. Dù chưa có một định nghĩa chuẩn, nhưng tin giả được xác định là các thông tin sai lệch so với sự thật, bắt nguồn từ sự việc không có thật, hoặc thông tin thật nhưng chỉ được sử dụng một phần gây nên những hiểu lầm cho người tiếp nhận.

Thời gian qua, hàng loạt tin giả như: Máy bay rơi, vỡ đập thủy điện, bắt cóc trẻ em, đổi tiền, giá nhà đất khu vực nào đó sẽ tăng cao… được lan truyền trên mạng xã hội, gây không ít hoang mang, bất ổn, thậm chí gây ra những phản ứng bất bình thường. Vừa qua, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện tài khoản giả mạo mang tên “Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam”.

Tài khoản này copy đầy đủ hình ảnh các vị lãnh đạo, với nhiều nội dung được chia thành các chuyên mục. Và chỉ trong vòng vài chục giờ đồng hồ, tài khoản mạo danh này đã đăng hàng loạt trạng thái về những vụ việc gần đây được công chúng quan tâm.

Ví dụ: Cảnh giác với chiêu trò kêu gọi ký tên vì công lý cho Hà Văn Nam; Cảnh giác với chiêu bài bảo vệ nước mắm truyền thống; Và tiếp tục đưa ra những lời lẽ bình phẩm về vấn đề khai trừ đảng một Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - Xã hội thành phố Đà Nẵng…

Gần như cùng lúc, trên mạng xã hội Facebook cũng xuất hiện Fanpage mạo danh “Báo Công an”, trong đó đăng clip về vụ một Việt kiều về nước, tranh cãi với nhân viên sân bay Tân Sân Nhất vì cho rằng hành lý của họ bị cắt khóa, lấy đồ tại sân bay Việt Nam nhưng thực chất không phải như vậy. Clip này làm ảnh hưởng tới hoạt động của hàng không Việt Nam và tạo ra hình ảnh méo mó, xấu xí về đất nước và con người Việt Nam.

Có thể thấy, fake news không phải là do sơ ý, hầu hết chúng được các cá nhân và phe phái tính toán rất kỹ rồi mới tung ra để triệt hạ uy tín đối phương. Có khi nạn nhân là cả một cộng đồng, tổ chức, tập đoàn lớn. Nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang khốn đốn vì fake news, kể cả một nước có nền tảng và tiềm năng luật pháp lớn như nước Mỹ. Năm 2017, fake news đứng ở top đầu trong danh sách “những từ được dùng nhiều nhất tại Mỹ”. Tin giả thậm chí có thể có mặt ngay trên báo in, báo điện tử, truyền hình chính thống hoặc lan tỏa trên các phương tiện truyền thông không kiểm duyệt và các mạng xã hội với cấp độ nhanh.

Các tập đoàn và công ty sản xuất còn dễ lên bờ xuống ruộng vì fake news hơn nữa. Chỉ cần một tin xấu được đưa ra và lan truyền, cổ phiếu của họ có thể lên xuống theo chiều hướng bất lợi, thiệt hại kinh tế do fake news không hề nhỏ và cũng không dễ ước lượng. ICFJ - International Center for Journalists, một tổ chức quốc tế dành cho phóng viên báo chí còn mở những chuyên đề hội luận bàn cách ngăn chặn fake news. ICFJ thậm chí trao giải thưởng 10. 000 USD để trao tặng người hùng chống fake news. Điển hình là, cuối năm 2016, khi nước Mỹ tiến hành bầu cử Tổng thống, những tin tức giả mạo liên tục xuất hiện trên các mạng xã hội, đáng kể nhất là Facebook với vô vàn những tài khoản lạ được lập ra để nhằm hạ bệ uy tín của hai ứng viên sáng giá nhất bên đảng Dân chủ (bà Hillary Clinton) và đảng Cộng hòa (ông Donald Trump).

Thách thức với người làm báo

Theo ông Lê Quốc Minh- Phó Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, trong khi fake news khuynh đảo xã hội và có nguy cơ lấn át những nguồn tin chính thống ở khắp nơi trên thế giới, việc kiểm chứng thông tin trên báo chí lại đang trở nên lỏng lẻo, và thật đáng buồn khi không ít tòa soạn thậm chí áp dụng cách làm nguy hiểm là “đăng tải trước, chỉnh sửa sau nếu cần thiết” (publish first, correct later if necessary). Không ít trường hợp tin bài trên báo chí chính thống không được kiểm chứng, không đảm bảo công bằng và cân bằng – giá trị cốt lõi của báo chí.

Thông tin của báo chí truyền thống đã bị nhấn chìm trong dòng thác các dữ liệu được đưa ra từ vô số nguồn của các cá nhân hay tổ chức ẩn danh khác nhau, mà đa phần là tin tức giả mạo hay sự nhào trộn khéo léo giữa tin thật và tin giả. Việc lan truyền tin giả, còn gọi là fake news, đang trở thành mối lo ngại lớn khi truyền thông xã hội ngày càng phát triển.

Luật An ninh mạng đã được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 là cơ sở pháp lý để ngăn chặn, xử phạt nạn tin giả.

Thời gian qua, cần ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan chuyên môn, đã tăng cường rà soát, kiểm tra, ngăn chặn tình trạng thông tin xấu, độc trên mạng xã hội, xử lý nghiêm các đối tượng đưa tin xấu, độc, xuyên tạc sự thật, ảnh hưởng đến uy tín của Đảng và Nhà nước. Bộ TTTT cũng thường xuyên chỉ đạo, định hướng và cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí để tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, để từng người dân biết về những nguy cơ, tác động tiêu cực của mạng xã hội nước ngoài, từ đó có sự cảnh giác khi tiếp cận với thông tin trên mạng xã hội.

Đề cao trách nhiệm mỗi cá nhân

Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước vẫn nhận định: Việc kiểm soát thông tin trên mạng xã hội còn gặp nhiều khó khăn, giải pháp kỹ thuật hiện có chưa cho phép tách riêng nội dung vi phạm trên Facebook và YouTube để chặn, mà chỉ có thể chặn toàn bộ website vi phạm. Các đối tượng phát tán thông tin thường xuyên tận dụng những thay đổi, những bước phát triển mới về công nghệ để cải tiến các hình thức phát tán thông tin. Chưa có giải pháp hiệu quả ngăn chặn dòng tiền quảng cáo phục vụ cho các mục đích xấu trên Facebook, YouTube. Việc xác định đối tượng vi phạm trên môi trường mạng còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trên các mạng xã hội nước ngoài khi đối tượng vi phạm thường ẩn danh hoặc giả mạo người khác gây khó khăn trong công tác điều tra.

Có thể thấy, nỗ lực pháp lý và các giải pháp kỹ thuật chỉ có thể hạn chế phần nào, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong đời sống truyền thông cần đặt lên hàng đầu: sử dụng mạng xã hội có trách nhiệm, không bịa đặt, không chia sẻ tin giả, cảnh báo cho Facebook, Google biết nếu bắt gặp tin giả trên mạng. Cuộc chiến chống tin giả sẽ vẫn còn vô cùng cam go, khốc liệt và đây không chỉ là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị mà từng người dân cũng phải thành những chiến sĩ trên mặt trận ấy bằng hành động, bằng ứng xử của chính mình.

Khi tiếp nhận thông tin, chúng ta cần biết thẩm định: Thông tin ấy phục vụ ai? Phương thức thu thập và xử lý thông tin ấy như thế nào: có xác minh độc lập, có công bằng khách quan, có trả tiền để được thông tin hay không? Ai là người thực hiện thông tin ấy? Nguồn tin là ai, cơ quan tổ chức nào? Tác động, kết quả của thông tin ấy ra sao?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ứng phó Fake news

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO