Ứng phó với những chiêu bảo hộ

Minh Phương 11/10/2019 07:30

Hội nhập càng sâu rộng, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam càng đối diện với nhiều biện pháp phòng vệ của nước nhập khẩu với mục đích bảo vệ sản xuất trong nước. Giới chuyên gia khuyến cáo, các DN cần tìm hiểu rõ và nắm vững thông tin thị trường xuất khẩu, đồng thời chủ động tìm kiếm thị trường mới, tránh phụ thuộc vào một thị trường để có thể hạn chế thấp nhất những rủi ro khi xuất khẩu hàng hóa.

Ứng phó với những chiêu bảo hộ

Hội nhập càng mạnh mẽ, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa càng đối mặt với nhiều rủi ro khi giao dịch thương mại quốc tế.

Nền kinh tế càng mở, hội nhập càng sâu rộng, nguy cơ hàng hóa xuất khẩu vướng vào những vụ điều tra hoặc bị cấm nhập khẩu càng lớn. Đó là cách để thị trường nhập khẩu bảo vệ hàng hóa trong nước. Điều này cũng là quy luật chung của thị trường. Số liệu thống kê của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, ), trong 7 tháng đầu năm 2019 tần suất các vụ kiện phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của ta duy trì ở mức độ cao, cụ thể trung bình mỗi tháng, chúng ta lại phải đối phó với một vụ kiện phòng vệ thương mại.

Sản phẩm bị “dính” phòng vệ thương mại nhiều nhất phải kể đến mặt hàng thép.Theo Bộ Công thương, trong số 142 vụ việc phòng vệ thương mại mà các nước điều tra với Việt Nam, có tới 35 vụ liên quan tới sản phẩm thép. Riêng trong giai đoạn 2016 - 2017, có 9 vụ việc mới được khởi xướng.

Không chỉ chịu rủi ro bị kiện bằng các biện pháp phòng vệ thương mại, các nước nhập khẩu còn tìm cách hạn chế, thậm chí cấm với việc nhập khẩu nhiều sản phẩm hàng hóa của nước ta. Sử dụng các chính sách hạn chế nhập khẩu, thị trường nhập khẩu không ngoài mục tiêu duy nhất là bảo hộ sản xuất nội địa. Một trong những sự vụ hiện đang gây bức bối đối với cộng đồng DN trong nước, đặc biệt là các DN sản xuất hương nhang, đó là việc Ấn Độ đưa ra chính sách hạn chế nhập khẩu mặt hàng hương nhang của Ấn Độ. Động thái này của Ấn Độ được thực hiện một tháng trước đây và đang gây ra nhiều bất ổn cho các DN sản xuất hương nhang của Việt Nam, gây khó khăn cho cả DN cũng như người lao động sản xuất sản phẩm này ở nước ta.

Nhận định về hành động này của Ấn Độ, Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng nêu quan điểm, việc Ấn Độ áp dụng chế độ cấp phép nhập khẩu với mặt hàng hương nhang và các chế phẩm (mã HS 33074100 và 33074900) từ trạng thái “tự do nhập khẩu” sang “hạn chế nhập khẩu” đột ngột, có hiệu lực ngay tại thời điểm thông báo, không thông báo trước đã tạo ra những khó khăn nghiêm trọng cho các DN Việt Nam.

Ứng phó với những chiêu bảo hộ - 1

Thép là ngành hàng có nguy cơ đối diện rủi ro thương mại rất lớn.

Hiện nay, các DN Việt Nam có 14 công hàng đang còn tồn đọng ở các cảng của Ấn Độ, trong khi chi phí lưu kho ở Ấn Độ rất cao. Bên cạnh đó, còn 300 công hàng trong nước chưa thể xuất khẩu. Điều này không chỉ gây khó khăn cho DN sản xuất hương nhang của Việt Nam mà các DN nhập khẩu của Ấn Độ cũng gặp khó, vì tháng 9-10 là tháng cao điểm mà người dân Ấn Độ tiêu thụ mặt hàng này.Theo Thứ trưởng Cao Quốc Hưng, tuy thiệt hại kinh tế là không quá lớn nhưng ngành sản xuất hương nhang của Việt Nam có nguy cơ bị tiêu diệt do tính đặc thù của sản phẩm sản xuất cho thị trường Ấn Độ không thể chuyển đổi sang thị trường khác. Hơn 100 DN sản xuất hương nhang xuất khẩu với hơn 2,5 vạn lao động có nguy cơ bị đóng cửa và mất việc.

Bộ Công Thương cho biết, vẫn đang nỗ lực làm việc với cơ quan chức năng các cấp của phía Ấn Độ nhằm giải quyết khó khăn cho DN và người dân.

Có thể thấy, hội nhập càng mạnh mẽ, các DN xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam càng đối mặt với nhiều rủi ro khi giao dịch thương mại quốc tế. Chính bởi vậy, theo khuyến cáo của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương), trong bối cảnh xu thế bảo hộ gia tăng, các nước áp dụng các yêu cầu chặt chẽ, mang tính bảo hộ cao hơn, Bộ Công thương khuyến nghị các DN nên trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về pháp luật phòng vệ thương mại để hạn chế thấp nhất việc bị khởi kiện, thường xuyên trao đổi với hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước để kịp thời nắm được thông tin cảnh báo sớm, từ đó lên phương án điều chỉnh hoạt động kinh doanh phù hợp, đa dạng hoá thị trường, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới và nghiên cứu kỹ khi có ý định nâng cao công suất và mở rộng thị trường.

Giới chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, với những nguy cơ bị các thị trường nhập khẩu tìm cách hạn chế nhập để bảo hộ sản xuất nội địa, các DN cần đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, tránh xuất khẩu quá nóng vào một thị trường, nhằm giảm thiểu rủi ro từ các biện pháp hạn chế nhập khẩu từ các nước.

“Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, để thích ứng với tình trạng bảo hộ thương mại trong thời gian tới, các DN Việt Nam nên trang bị các kiến thức và quy định về phòng vệ thương mại, đặc biệt là quy định của các thị trường đang và sẽ xuất khẩu. Đồng thời, các DN cũng cần chuẩn bị nguồn lực để đối phó với các nguy cơ kiện phòng vệ thương mại có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ứng phó với những chiêu bảo hộ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO