Ung thư phổi: Tỷ lệ tử vong cao thứ 2 trong các loại ung thư

Đức Trân 29/04/2022 08:29

Ung thư phổi là căn bệnh nguy hiểm hàng đầu với hơn 2 triệu người mắc mới và hơn 1 triệu người tử vong trên thế giới mỗi năm. Tại Việt Nam, ung thư phổi là một trong những bệnh ung thư thường gặp và có tỷ lệ tử vong cao thứ hai chỉ sau ung thư gan.

Bác sĩ Bệnh viện K thăm khám cho bệnh nhân. Ảnh: TL

Đến viện khi quá muộn

Theo nhận định từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ung thư phổi là loại ung thư thường gặp và ngày càng có xu hướng gia tăng. Còn tại nước ta, năm 2020 thống kê cho thấy có thêm 26.262 người mắc ung thư phổi và 23.000 trường hợp tử vong. Đây là con số xếp hàng đầu tại Đông Nam Á.

Tỷ lệ tử vong của ung thư phổi là rất cao bởi đa phần người dân đến viện khi đã quá muộn. Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trong số các bệnh nhân nhập viện vì căn bệnh này tại đây, có tới 62,5% không còn khả năng phẫu thuật - phương pháp chính để điều trị ung thư phổi.

Lý giải về nguyên nhân xảy ra tình trạng này, BS Nguyễn Đức Thuyết, Khoa Phẫu thuật Lồng ngực & Mạch máu, Bệnh viện Bạch Mai cho hay: “Ung thư phổi là bệnh lý ác tính bắt nguồn từ phổi. Bệnh tiến triển âm thầm, khó phát hiện sớm và tiên lượng khá dè dặt. Khi bị ung thư phổi ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng. Đến khi xuất hiện một số triệu chứng đường hô hấp như ho, ho ra máu, khò khè, khàn giọng, khó thở thì lúc đó bệnh đã ở giai đoạn muộn”.

Một ví dụ điển hình là trường hợp của ông Phan Văn S. (60 tuổi, ở Phú Thọ). Ông S. cho biết: Từ trước đến giờ sức khỏe tôi rất tốt, không mấy khi đau ốm, đột nhiên có một vài dấu hiệu ho thông thường, đau ở vai, nghĩ bệnh tuổi già, tôi đi khám ở bệnh viện huyện, được cho thuốc giảm đau, uống nhưng không đỡ. Thấy lo nên tôi chuyển lên bệnh viện tỉnh, chụp CT phát hiện ung thư phổi giai đoạn muộn, kích thước u 10cm, u nằm ở vị trí khó”.

Mặc dù vậy, theo các bác sĩ, nếu phát hiện ở giai đoạn sớm thì tỷ lệ bệnh nhân sống trên 5 năm ở mức rất cao.

TS. BS Ngô Gia Khánh, Trưởng khoa Phẫu thuật Lồng ngực - Mạch máu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Nếu ở giai đoạn 1, khối u mới khu trú ở phổi thì tỷ lệ bệnh nhân sống trên 5 năm chiếm đến 80-85%. Chẳng hạn, có trường hợp bệnh nhân nữ ở Nam Định 28 tuổi đến bệnh viện và được phẫu thuật 6 năm vẫn sống khỏe mạnh và sinh thêm 1 em bé”.

Đồng quan điểm, BS Trần Vương Thảo Nghi, Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh cho rằng: “Nếu được phát hiện và điều trị sớm, đúng phác đồ, tỷ lệ khỏi bệnh hoàn toàn và cơ hội sống 5 năm không tái phát bệnh lên đến 92%. Trong trường hợp phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn có thể gây hao mòn sức khỏe thể chất - tinh thần, hiệu quả điều trị thấp, chi phí điều trị tốn kém, tỷ lệ sống sau 5 năm thấp.

Do vậy, việc thăm khám - tầm soát sức khỏe định kỳ có vai trò rất quan trọng, không chỉ giúp phát hiện sớm ung thư mà còn giúp phân loại được nhóm bệnh nhân có nguy cơ cao, từ đó đưa ra kế hoạch theo dõi phù hợp cho từng đối tượng”.

Nguy cơ đến từ thuốc lá

Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây ung thư phổi chủ yếu là do hút thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điếu, cho đến nay là tác nhân chính gây ra ung thư phổi. Trong khói thuốc lá có chứa ít nhất 73 chất ung thư.

Tại các nước phát triển, theo thống kê khoảng 90% số ca tử vong do ung thư phổi ở nam giới trong năm 2000 được cho là do hút thuốc, tỷ lệ này đối với phụ nữ là 70%. Hút thuốc cũng là nguyên nhân của khoảng 85% số ca mắc bệnh.

Trong khi đó, một thực trạng đáng buồn là hiện nay có tới hơn 15 triệu người Việt Nam đang hút thuốc lá. Cụ thể, theo những số liệu mới nhất được công bố năm 2022 từ Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế thì ước tính số người hiện đang hút thuốc lá tại Việt Nam khoảng 15,4 triệu người, trong đó có 14,8 triệu người là nam và 603.000 người là nữ.

Không chỉ vậy, tỷ lệ người sử dụng thuốc lá điện tử đang gia tăng 1 cách chóng mặt. Bà Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá thông tin: “Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá tại 34 tỉnh, thành năm 2020 cho thấy, tỷ lệ hút thuốc lá điện tử năm 2020 chung tăng 18 lần so với năm 2015 (từ 0,2% lên 3,6%), trong đó nam giới tăng 14 lần (từ 0,4% lên 5,6%), nữ giới tăng 10 lần (từ 0,1% lên 1%)”

Điều này có thể giải thích được, vì nhiều người nghĩ rằng hút thuốc lá thế hệ mới (thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng) là sành điệu và giúp cai nghiện được thuốc lá điếu thông thường cũng như bớt gây hại hơn cho sức khỏe.

Thế nhưng, PGS. TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương, Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam cho biết, do trong các loại thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có chứa nhiều thành phần gây hại cho sức khoẻ như nicotine, kim loại, chì, thủy ngân... nên ảnh hưởng không nhỏ đến sức khoẻ hệ hô hấp, tim mạch, não bộ, thời kỳ mang thai, nguy cơ ung thư...

“Các hình ảnh X-Quang ngực ở người hút thuốc lá điện tử cho thấy hình ảnh kính mờ lan tỏa nền phổi 2 bên, là biểu hiện kinh điển trong tổn thương nhu mô phổi. CDC Hoa Kỳ ghi nhận đến 18/2/2020 có hơn 2.800 trường hợp bị tổn thương phổi hoặc tử vong do sử dụng thuốc lá điện tử. Với thuốc lá nung nóng còn có độc tính cao hơn so với thuốc lá điện tử. Chúng cũng phát ra các hạt nhỏ có thể dễ dàng xâm nhập vào phổi và có khả năng làm tổn thương nhu mô phổi. Bởi vậy, nguy cơ dẫn tới ung thư của thuốc lá điện tử và thuốc lá truyền thống là như nhau” - ông Nhung phân tích.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng tránh ung thư phổi thì việc đầu tiên là không hút thuốc lá, dù chủ động hay bị động. Bên cạnh đó người dân cần khám sức khỏe định kì, đặc biệt là người có yếu tố nguy cơ cao nên tầm soát sớm ung thư phổi.

Ngoài ra, cần thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, trong đó chọn một chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây và rau. Các vitamin và chất dinh dưỡng có nguồn gốc từ thức ăn là tốt nhất. Tránh dùng vitamin liều cao dưới dạng thuốc viên vì chúng có thể gây hại...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ung thư phổi: Tỷ lệ tử vong cao thứ 2 trong các loại ung thư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO