Ứng xử với di tích quốc gia đặc biệt

Minh Quân 08/08/2022 06:52

Các di tích quốc gia đặc biệt sau khi được xếp hạng luôn xem là các điểm đến, điểm nhấn văn hóa, lịch sử của đất nước. Tuy nhiên, đằng sau những danh hiệu là vô số áp lực cho các đơn vị quản lý trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.

Không gian phố cổ Hà Nội đang dần bị bó hẹp. Ảnh: Quang Vinh.

Áp lực hậu vinh danh

Sau đợt xếp hạng lần thứ 12 vào đầu năm 2022, Việt Nam hiện có 123 di tích quốc gia đặc biệt. Trong đó, Hà Nội đang đứng đầu cả nước về số lượng di tích quốc gia đặc biệt với 21 di tích, cụm di tích được vinh danh. Có thể kể đến như Văn Miếu Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long, Cổ Loa, Thăng Long Tứ Trấn, phố cổ Hà Nội… Các di tích không chỉ là niềm tự hào của người dân Hà Nội mà từ lâu đã trở thành những điểm đến văn hóa của người dân cả nước khi đến với Thủ đô. Tuy nhiên, bên cạnh những danh hiệu là thách thức không nhỏ trong công tác bảo tồn và phát huy các di sản.

Nằm tại trung tâm của Thủ đô, khu phố cổ Hà Nội đang sở hữu một hệ thống không gian, cảnh quan văn hóa có tuổi đời hàng trăm năm tuổi. Tính đến thời điểm hiện tại, khu phố cổ đã được phân loại gồm 121 di tích (trong đó có 83 di tích lịch sử văn hóa, 30 di tích lịch sử cách mạng, 8 di tích khác) với đầy đủ các loại hình tôn giáo, tín ngưỡng như đình, đền, chùa, hội quán… chưa kể hơn 300 công trình có giá trị. Thế nhưng, phố cổ Hà Nội cũng lại là nơi có mật đô dân cư đậm đặc, điều này khiến công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản của khu vực này chưa bao giờ dễ dàng.

Điều ai cũng có thể nhận thấy khi đi qua khu phố cổ là kiến trúc nhiều ngôi nhà truyền thống bị thay bằng các ngôi nhà cao tầng hiện đại, lạc lõng giữa không gian cổ kính ở các dãy phố. Từng có một thời không gian của Hội quán Quảng Đông nay là Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm được sử dụng làm trường mầm non, khiến nhiều người quên mất những giá trị vô cùng độc đáo về kiến trúc, văn hóa của điểm di tích này. Chỉ đến khi được tôn tạo, tu bổ, trả lại không gian cho di tích, người ta mới thấy hết vẻ đẹp, sự đặc biệt của không gian này.

Không chỉ phố cổ Hà Nội, nhiều di tích quốc gia đặc biệt cũng đang gặp khó trong công tác tu bổ mỗi khi xuống cấp. Đơn cử như câu chuyện “xếp hàng” đợi tu bổ của chùa Tây Phương, chùa Thầy, thậm chí là di sản từng được UNESCO ghi danh Văn Miếu Quốc Tử Giám. Nguyên nhân chủ yếu là hiện nay, trong các công trình tu bổ di tích, tỷ lệ thợ lành nghề rất ít, nhiều công trình sử dụng thợ mộc, thợ nề giản đơn vào việc tu bổ di tích. Điều này đã dẫn đến tình trạng kiến trúc của nhiều di tích sau khi tu bổ bị sai, bị hỏng. Chưa kể việc lập quy hoạch hầu hết di tích quốc gia đặc biệt vẫn khó triển khai khi vướng nhiều thủ tục, quy định đan xen, chồng chéo, gây khó cho cơ sở.

Chặt hạ cây lâu năm tại đình Chèm.

Mặt khác, việc triển khai tu bổ, tôn tạo ở di tích quốc gia đặc biệt hiện cũng tồn tại nhiều bất cập, do những hạn chế về hiểu biết đối với công tác này. Trong đó, câu chuyện chặt hạ cây lâu năm tại đình Chèm hay tu bổ sai phép tại chùa Bối Khê thời gian gần đây là những minh chứng rõ nhất.

Theo Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám TS Lê Xuân Kiêu, sau thời gian dài khai thác, nhiều hạng mục tại di tích đã có dấu hiệu xuống cấp, trong đó có những hạng mục gốc, rất quan trọng, như: Khuê Văn Các, điện Đại Thành… hay hệ thống tường gạch cổ. Vì đây là di tích quốc gia đặc biệt, nhiều hạng mục là biểu tượng văn hóa của Thủ đô, của đất nước nên cần những bước nghiên cứu khảo sát, đưa ra giải pháp thận trọng, bài bản và khoa học.

Tìm giải pháp tối ưu

Có thể nối việc “ứng xử” với các di sản nói chung và các di tích quốc gia đặc biệt chưa bao giờ là điều dễ dàng, thậm chí là vô số những “xung đột” giữa chính quyền và người dân địa phương. Cùng với đó, nguồn lực tài chính cho bảo tồn di sản văn hóa bị hạn chế luôn là một trở ngại lớn. Đơn cử, giai đoạn 2015-2020, với Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, ngành Văn hóa được ngân sách Trung ương phân bổ 245 tỷ đồng trong 5 năm để bảo tồn, tôn tạo cho 400 di tích ở các địa phương, bình quân mỗi di tích được đầu tư 600 triệu đến 1 tỷ đồng.

Tu bổ sai phép tại chùa Bối Khê. Ảnh: Quang Tấn.

Theo Trưởng ban quản lý danh thắng Hà Nội Nguyễn Doãn Văn, cần thiết phải có cơ chế, chính sách phù hợp, có tác dụng thúc đẩy sự nghiệp bảo tồn như: Quy hoạch toàn bộ các di tích đã được công nhận; Xã hội hóa hoạt động bảo tồn; Ưu tiên đầu tư ngân sách; Nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực quản lý của đội ngũ cán bộ. Số lượng di tích lớn mà số di tích xuống cấp còn rất nhiều. Nguồn kinh phí những năm gần đây đã được các cấp quan tâm hơn nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu bảo tồn, tu bổ tôn tạo. Nhiều di tích có giá trị kiến trúc - nghệ thuật, giá trị lịch sử... xuống cấp nhưng chưa được tu bổ, tôn tạo. Vì vậy, trong quá trình tu bổ, tôn tạo cần đưa ra phương thức tiến hành cho phù hợp với sự kế thừa kiến trúc truyền thống, tận dụng tối đa các yếu tố gốc của di tích.

Trưởng ban quản lý danh thắng Hà Nội cũng cho rằng, công tác quản lý di tích liên quan đến nhiều lĩnh vực như đất đai, xây dựng và nhiều chuyên ngành như lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc và các lĩnh vực chuyên ngành khác có liên quan. Do vậy, để làm tốt công tác này cần xây dựng đội ngũ cán bộ có kiến thức tổng hợp, kinh nghiệm thực tế và có sự phối hợp của nhiều cấp ngành liên quan.

Trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế đang diễn ra, không thể phủ nhận hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực cụ thể.

Để tháo gỡ những vướng mắc này, thời gian qua Bộ VHTTDL đang đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) để bắt kịp sự vận động của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc. Hy vọng với những thay đổi sẽ tạo điều kiện cho sự ra đời và phát triển “kinh tế di sản” ở Việt Nam, đồng thời giúp các di tích thoát khỏi “vòng xoáy” luẩn quẩn mỗi khi xuống cấp lại phải viết đơn “kêu cứu” .

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ứng xử với di tích quốc gia đặc biệt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO