Ước mơ về công viên lịch sử văn hóa Tô Lịch

TỪ KHÔI (thực hiện) 06/08/2022 05:56

Sông Tô Lịch rất đẹp trong ký ức xưa. Làm sao để nét đẹp của quá khứ vàng son đồng hành cùng xã hội hiện đại? Những trở trăn của TS Nguyễn Hoàng Điệp - Giám đốc Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ Văn hóa và Khoa học - Công nghệ (Trung tâm) kết hợp với Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE (JVE Group) đã xây dựng dự án “Giải pháp tổng thể cải tạo sông Tô Lịch thành công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh (Công viên hữu nghị Việt - Nhật) và các thiết chế văn hóa, hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm dọc sông Tô Lịch”. Tinh hoa Việt có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Hoàng Điệp.

TS Nguyễn Hoàng Điệp. Ảnh: Từ Khôi.

PV: Thưa TS Nguyễn Hoàng Điệp, ông nghĩ đến dự án công viên lịch sử văn hóa tâm linh sông Tô Lịch từ khi nào?

TS Nguyễn Hoàng Điệp: Dự án thai nghén từ khi nhóm tác giả chúng tôi xây dựng bộ “Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long”. Sách dày 12.000 trang, 4 tập, nặng 25 kg của hơn 1.200 tác giả, dịch giả, cộng tác viên. Đây là công trình ghi lại tất cả những sự kiện, dấu ấn lịch sử, văn hóa, kinh tế, chính trị, xã hội của 8 triều Vua nhà hậu Lý, 12 triều Vua Trần, Hồ, 26 triều Vua Lê, Mạc, Trịnh, Tây Sơn, Nguyễn, thời đại Hồ Chí Minh. Việc sưu tầm, khảo cứu bắt đầu từ năm 1995.

Đến năm 2000 chúng tôi đã tập hợp được 150.000 trang tư liệu được khảo cứu từ 1200 bộ sách, tạp chí và các loại báo. Nguồn tư liệu tham khảo ấy được khai thác từ những thư viện, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, Viện Hán Nôm, Viện Viễn Đông Bác Cổ và 3 thư viện thế giới: Amsterdam (Hà Lan), Paris (Pháp), Bắc Kinh (Trung Quốc).

Kết quả sau 15 năm lao động nghiêm túc, cần mẫn, tới năm 2010, kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, "Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long" đã ra đời. Bộ sách được Nhà nước trao tặng 5 Huân chương, 56 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, cùng 1,5 tỷ đồng của Nhà nước bồi dưỡng các tác giả.

Ngay trong bộ sách "Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long", chúng tôi đã có ý thức dành nhiều trang tâm huyết, giá trị viết về sông Tô Lịch và những làng, cùng danh nhân văn hóa sinh ra bên dòng sông ấy.

Năm 2015, chúng tôi trình Chính phủ dự án “Tái thiết Hoàng cung Thăng Long thành di tích lịch sử, di sản văn hóa liên hoàn lớn nhất Quốc gia”. Đặc biệt, dự án đã kiến nghị cần phải tái thiết, xây dựng lại Điện Kính Thiên.

Cũng năm 2015, Trung tâm trình Chính phủ, UBND TP Hà Nội, Bộ VHTTDL, Bộ Xây dựng dự án mang nội hàm thông điệp bảo tồn, phát triển sông Tô Lịch có tựa đề: “Hà Nội cần có điểm nhấn về văn hóa mang bóng dáng thời đại”.

Một khúc sông Tô Lịch hiện tại. Ảnh: Từ Khôi.

Duyên cớ nào Trung tâm của ông hợp tác với Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE (JVE Group) cùng xây dựng dự án?

- Dự án của chúng tôi gửi đi từ 2015 rơi vào im lặng. Không nản. Đến năm 2018, chúng tôi tiếp tục gửi bản dự án lên các cơ quan Đảng, Chính phủ, TP Hà Nội, Bộ VHTTDL, Bộ Xây dựng, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam. Đến ngày 7/7/2020, Văn phòng Chính phủ có công văn số 5473/VPCP-KGVX gửi UBND TP Hà Nội lấy ý kiến về Dự án: “Hà Nội cần có điểm nhấn về văn hóa mang bóng dáng thời đại”.

Rồi ngày 20/7/2020, Văn phòng UBND TP Hà Nội có Công văn số 5922/VP-KGVX gửi Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, giao nhiệm vụ tổ chức buổi làm việc giữa tác giả và lãnh đạo UBND TP Hà Nội.

Nhưng vào thời điểm ấy, Hà Nội có sự cố về nhân sự. Thế rồi, năm 2021, chúng tôi được biết Công ty Cổ phần Tập đoàn Môi trường Nhật Việt JVE (JVE Group), được trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái về ý tưởng cải tạo sông Tô Lịch. Chúng tôi đã gặp gỡ lãnh đạo JVE Group để tìm hiểu và trao đổi về dự án. Cuối cùng thống nhất cùng nhau xây dựng và hoàn thiện dự án.

Ý tưởng của hai dự án ban đầu có gì khác biệt nhau?

- Trung tâm của chúng tôi chỉ có dự án biến sông Tô Lịch thành công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh” trong khi đó, JVE Group có ý tưởng rộng lớn hơn. Ngoài việc biến sông Tô Lịch thành công viên, còn có ý tưởng “xây dựng hệ thống hầm ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm” ở sông Tô Lịch.

Tức là, mặc dù hai bên đều có ý tưởng liên quan tới sông Tô Lịch nhưng lại khác nhau về nội hàm của ý tưởng cũng như khác nhau hoàn toàn về phạm vi, quy mô, phương pháp xử lý ô nhiễm cho đến các ý tưởng về xây dựng các công trình thiết chế văn hóa để khai thác các giá trị về kiến trúc, di sản, lịch sử, văn hóa, tâm linh trong chiều dài lịch sử dân tộc.

Dự án vì vậy sẽ có tổng chiều dài khoảng hơn 12 km. Điểm đầu từ ngã 5 Hoàng Quốc Việt, Lạc Long Quân, Võ Chí Công, điểm cuối là đập Thanh Liệt. Các khu đất mà dự án đề cập đang là đất cây xanh, không gian trống ven sông.

Phối cảnh dự án cải tạo sông Tô Lịch.

Ông có thể nói đôi chút về tính lịch sử - văn hóa – tâm linh của sông Tô?

- Sách "Đại Nam nhất thống chí" (sử nhà Nguyễn) viết: “Sông Tô ở phía Đông Thành Hà Nội, là phân lưu của Sông Nhị, chảy theo phía Bắc thành vào Cửa Cống thôn Hương Bài, tổng Đồng Xuân, huyện Thọ Xương (cửa sông xưa nằm ở vị trí Phố Cầu Gỗ, Quận Hoàn Kiếm) chuyển sang phía Tây huyện Vĩnh Thuận đến xã Nghĩa Đô ở phía Đông huyện Từ Liêm và các tổng thuộc huyện Thanh Trì, quanh co gần 60 dặm, tới xã Hà Liễu chảy vào sông Nhuệ”.

Theo sách "Lĩnh Nam chích quái" thì thần sông Tô Lịch là thần hoàng thành đất Đại La, sau là Thăng Long.

Sông Tô Lịch đã gắn bó với bao thế hệ qua hàng ngàn năm làm ăn sinh sống bên đôi bờ. Từ khi cất tiếng khóc chào đời cho đến khi về cát bụi. Tình yêu của người Thăng Long - Hà Nội đối với sông Tô Lịch nó gắn bó keo sơn da diết. Ven bờ trái sông Tô Lịch ở kinh thành hình thành các làng cổ như: Làng Vĩnh Phúc, Làng cống Vị, Làng Thủ Lệ, Làng Đoài Môn, Làng Láng. Còn ven bờ bên phải sông là các làng: Bái Ân, Nghĩa Đô, An Phu, Tiên Thượng, Trung Nha, Vạn Long, Thượng Yên Quyết, Hạ Yên Quyết, Trung Kính, Hòa Mục, Mọc (Quan Nhân), Chính Kinh, Giáp Nhất, Lủ.

Chính nơi đây đã hình thành mảnh đất địa linh sinh ra những nhân kiệt và nơi sinh sống của những danh nhân lịch sử như: Tướng quốc Phạm Tu (475-545), linh hồn của cuộc khởi nghĩa Lý Nam Đế (503-548); Thiền sư Từ Đạo Hạnh; Danh nhân văn hóa, nhà giáo Chu Văn An (1292-1370); Dòng họ Nguyễn với Nguyễn Công Thái (1684-1758); Phó bảng Phương Đình Nguyễn Văn Siêu (1799-1872), Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp (1834-1902), nhà thơ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, và nhiều trí thức, nhà Nho xuất sắc, ưu tú khác. Tất cả họ đều cất tiếng khóc chào đời bên dòng sông Tô.

Sông Tô Lịch thuở ban đầu, trong buổi bình minh của lịch sử là dòng sông thơ mộng, trong xanh đẹp đẽ như một bức tranh thủy mặc. Một nhà thơ xưa đã viết:

Dừng chèo ngắm cảnh Sông Tô,

Trời xanh, nước biếc lơ thơ cảnh bèo.

Thuyền dừng cá vẫn bơi theo,

Sông in trời biếc trong veo một màu.

Xa trông xanh ngắt vườn rau,

Làng đây chài, lưới, buông câu mỗi chiều”.

Còn đây là ca dao:

“Sông Tô nước chảy trong ngần,

Con thuyền buồm trắng chạy gần chạy xa.

Thon thon hai mái chèo hoa,

Lướt đi lướt lại như là bướm bay”.

Dòng sông Tô thuở xưa là đường thủy huyết mạch giao thông buôn bán đi lại khắp nơi Kinh thành. Các chi lưu của dòng sông còn đi từ Chợ Gạo, Hàng Chiếu, Hàng Đường, Hàng Buồm, Ngõ Gạch, Hàng Cá, Hàng Rươi, Hàng Lược, Cống Chéo, Phùng Hưng…

Rồi lại có hai phân nhánh chạy lên Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Thụy Khuê. Sau đó, hợp với Sông Thiên Phù ở Bến Giang Tân (đầu Đường Hoàng Quốc Việt, xế cổng Làng Bái Ân bây giờ) và thông với Hồ Tây, Sông Cái (Sông Hồng). Bến Giang Tân, nơi hợp lưu của hai sông: Tô Lịch - Thiên Phù thuở “Hoàng kim” ấy là nơi đô hội trên bến dưới thuyền đi lại tấp nập, nhộn nhịp.

Sông Tô Lịch là con sông nằm trong tứ giác nước Thăng Long. Nó là điểm tựa, là vòng tay ôm ấp, bảo vệ Kinh thành Thăng Long, được ví như “người mẹ ôm con”. Nay nó đang bị ô nhiễm nặng nề.

Dự án thể hiện công viên lịch sử - văn hóa – tâm linh sẽ như thế nào, thưa tiến sĩ?

- Dự án thể hiện rất nhiều chi tiết. Với mỗi đoạn sông đều có những nội dung khác nhau. Đặc biệt, mở đầu cho toàn tuyến sông Tô Lịch được cải tạo là cụm tượng đài 9 Rồng vàng (thờ Thần Long Đỗ - Thần sông Tô Lịch) tại Bến Giang Tân (Hồng Tân cũ), nơi nhà Vua Lý Công Uẩn dừng thuyền để lên thành Đại La sau hành trình thiên đô. Tại bến này vua Lý Thái Tổ nhìn thấy Rồng vàng bay lên. Tại nơi đây, dân các làng Yên Thái, Bái Ân, Nghĩa Đô phủ phục hai bên đường tung hô “vạn tuế”, dâng lễ vật quý hiếm lên nhà Vua. Vua cảm động trước thiện tình của dân làng liền đặt tên cho hai làng là Nghĩa Đô và Bái Ân còn mãi đến bây giờ.

Cụm tượng 9 Rồng vàng được xây trên diện tích 1.000 m² (biểu tượng cho 1.000 năm đã trôi qua) bằng đá granite, xây giật cấp năm bậc (con số biểu tượng của trung tâm Trời - Đất). Việc xây giật cấp phải tính toán khi chạm mép của đường tròn nội tiếp có đường kính 90m. Từ đây, ta đặt một đĩa tròn có đĩa tròn bằng hợp kim. Vành mép đĩa là điểm tựa để 8 Rồng vàng dựa vào đó vươn lên độ cao 14m, tiếp xúc với đĩa kim loại thứ hai có đường kính 9m. Đĩa kim loại thứ hai đỡ Rồng vàng thứ 9 ở tư thế đang cất cánh bay lên.

Xuyên tâm qua hai đĩa kim loại là cột bạch kim có đường kính 360mm, dài 18m, chôn dưới âm 3m. Từ vị trí độ cao mét thứ tư (từ đáy lên) vươn tới độ cao 17m là chiều vươn của 8 Rồng vàng. Mét thứ 18, trên đỉnh, mạ bạch kim để thu sét. Tất cả số đo, kích thước, diện tích vành đĩa tròn (hai đĩa), chiều cao của công trình đều tuân thủ lấy con số 9 để quy tụ.

Bản thiết kế tượng đài 9 Rồng vàng phải đạt được ý tưởng: Mỗi tia sáng từ miệng rồng, vảy rồng phát ra là bảy sắc cầu vồng lung linh rực rỡ. Mỗi tia nước rồng phun ra là một nốt nhạc, tổng phổ là một bản nhạc giao hưởng. Cụm tượng đài 9 Rồng vàng thực hiện ý tưởng hai câu thơ dưới đây:

Cửu cửu Càn - Khôn dĩ định

Long Thành cẩm tú vạn thu ca.

Nghĩa là:

Trời, đất (hay tạo hóa) đã định chín lần chín là tám mốt, Thành Thăng Long đẹp mãi vạn mùa Thu để gửi những bản tình ca vào Thiên hà - Vũ trụ.

Câu thơ này nhằm ca ngợi Vương triều Lý đã tồn tại 215 năm giữ vững sơn hà xã tắc. Một vương triều vua sáng, tôi hiền đã chăm lo đời sống bách tính muôn dân ấm no, hòa bình, an lạc. Ca ngợi nhà vua Lý Thái Tổ đã có nhãn lực phi thường, nhìn thấu thị không gian, thời gian để chọn Kinh đô vạn năm muôn đời cho con cháu. Một Kinh đô tuyệt vời, tránh được nhiều tai họa của thiên nhiên.

Cụm tượng đài quan trọng thứ hai của toàn tuyến sông Tô Lịch là vua Lý Nam Đế và vua Lý Thái Tổ.

Nơi đặt 2 tượng đài tại góc giao lưu đầu đường Hoàng Quốc Việt - Lạc Long Quân - cuối Đường Hoàng Hoa Thám (nơi có cột đèn chiếu sáng cầu vượt, đoạn rẽ vào đường Võ Chí Công). Nơi đây là sự gặp gỡ kỳ diệu của hai vua về không gian. Bởi ngày xưa, vua Lý Nam Đế cho đắp đê từ Chợ Gạo đến cuối đường Hoàng Hoa Thám, Chợ Bưởi, phòng tuyến chống quân nhà Lương vào khoảng năm 539-543-544. Và 500 năm sau, Lý Thái Tổ dừng thuyền ở bến Giang Tân, gần Chợ Bưởi bây giờ. Những sự kiện lịch sử không hẹn mà gặp đã xảy ra ở một địa điểm thật kỳ diệu làm sao.

Ngoài ra, dọc theo hai bờ sông, dự án triển khai hệ thống phù điêu, tóm tắt niên biểu lịch các triều đại, thời đại; Các tượng, tượng đài, kỳ đài, cụm tượng đài về các triều vua Lý, Trần, Hồ, Lê, Mạc, Trịnh, Nguyễn… và các danh tướng, danh nhân văn hóa.

Các bia, nhà bia, văn bia, vườn tượng, nhà lưu niệm, hệ thống ghế đá cho du khách dừng chân; khu sân khấu hoạt động nghệ thuật; Hệ thống cầu kiều bắc qua sông theo phân đoạn, tỷ lệ của từng khu vực; Hệ thống tranh tường gốm sứ theo chủ đề chủ điểm, có nội dung lịch sử của từng thời đại; Khu ki ốt dành cho 63 tỉnh, thành phố để quảng bá du lịch, nông sản với du khách trong nước và quốc tế…

Dự án tính sao đến việc làm sạch nguồn nước ở sông Tô Lịch, thưa ông?

- Để làm sạch nước sông Tô Lịch, Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp. Trong đó, có giải pháp đang thi công thu gom nước thải về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Nước thải sau khi xử lý ở nhà máy Yên Xá được quay trở lại bổ cập cho sông Tô Lịch. Rồi từ sông Tô Lịch lưu thủy vào Hồ Tây và đổ ra sông Hồng.

Theo tôi, giải pháp này không tuân theo nguyên lý thuận tự nhiên của sông Tô Lịch tự nghìn xưa tới nay - chảy từ Bắc xuống Nam. Nguồn nước Hồ Tây sẽ cung cấp cho sông Tô Lịch chảy đi. Để Hồ Tây có đủ nguồn nước, ta cần xây dựng một bể nửa chìm nửa nổi ở khu vực Tứ Liên, thông với sông Hồng.

Bể chứa này có tác dụng khi mùa lũ có thể mở van cửa dẫn nước từ Sông Hồng vào lưu tích thủy để phù sa lắng đọng, sau đó dẫn vào Hồ Tây khi phù sa tạp chất đã kết tủa, lắng đọng. Về mùa cạn, dùng bơm thủy lực cao áp bơm nước vào lưu trữ trong bể lắng đọng rồi cấp tiếp cho Hồ Tây. Từ Hồ Tây, trên đường Lạc Long Quân có trạm bơm nước lọc cho toàn tuyến sông và dân cư hai ven bờ.

Vậy còn dự án hệ thống ngầm chống ngập kết hợp cao tốc ngầm dọc sông Tô Lịch là thế nào, thưa ông?

- Ý tưởng táo bạo này của JVE Group. Công ty đã thiết kế mô hình đồ họa 3D hầm ngầm kết hợp đường cao tốc ngầm để thoát nước chống ngập cho Hà Nội và giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông trên đường Láng. Riêng ông Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty JVE Group, đã có 15 năm sinh sống và học tập tại Nhật Bản. Dự án đề cập tới đường cao tốc ngầm 2 tầng, hoạt động 2 chiều riêng biệt kết nối từ cửa ngõ cầu Nhật Tân đến đường vành đai 3 và ngược lại. Còn đối với hệ thống chống ngập khồng lồ bao gồm các giếng thu nước, hầm ngầm thoát nước phía dưới tầng cao tốc ngầm. Hai hệ thống ngầm trên được bố trí trong một đường hầm khổng lồ dọc công viên Tô Lịch và được thi công bởi máy đào hầm TBM hiện đại nhất của Nhật Bản…

Ông có hy vọng vào dự án được chấp thuận và triển khai?

- Rất hy vọng. Trung tâm chúng tôi hay phía JVE Group đều yêu đất nước, yêu thủ đô và mong muốn cống hiến tài năng, sức lực của mình làm đẹp cho Thăng Long – Hà Nội.

Ngày 7/7, hai công ty chúng tôi đã phối hợp với UBND TP Hà Nội và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học về dự án này.

Hiện nay, theo trào lưu và xu hướng chung của nhiều nước trên thế giới đã bỏ ra nhiều tỷ USD nhằm khôi phục lại những dòng sông đã bị san lấp để làm đường cao tốc. Việc làm ấy đã giúp nâng cấp giá trị thành phố lên nhiều lần để phục vụ xã hội, cộng đồng và tạo không gian sinh thái, sinh hoạt văn hóa được mở rộng.

Thủ đô Seoul Hàn Quốc là một điển hình trên thế giới về việc khôi phục lại một dòng suối đã bị san lấp. Đó là dòng suối Cheong Gyecheon chảy qua trung tâm Thủ đô Seoul. Khi con suối được khôi phục đã làm cho thành phố này được “hồi sinh”, nhộn nhịp, tấp nập, sầm uất hơn.

Hay tại Paris - Pháp có dòng sông Seine được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa Thế giới. Nay người Pháp đã đưa thành phố đến sát hai bên bờ sông Seine. Họ đã thiết kế, cấu trúc lại bờ sông Seine được gọi là “Bãi biển Sông Sen”. Từ đó, tạo cho Thủ đô Paris hoa lệ của châu Âu một diện mạo mới, và dòng người khắp nơi trên thế giới đổ về khám phá, chiêm ngưỡng.

Rồi ở Thủ đô Madrid - Tây Ban Nha đã quy hoạch cải tạo dòng Sông Manzanares. Ở Nga cho tái sinh sông Moskva. Ở New York (Mỹ), cho chỉnh trang lại sông Đông, sông Hudson…

Nếu dự án được triển khai, hạ tầng Thủ đô sẽ được cải thiện, hiện tượng úng ngập giảm nhiều. Đặc biệt, nước ta sẽ có thêm điểm tham quan du lịch hấp dẫn, chất lượng cuộc sống người dân xung quanh được cải thiện…

Trân trọng cảm ơn ông!

TS Nguyễn Hoàng Điệp - Giám đốc Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ Văn hóa và Khoa học - Công nghệ (thuộc VUSTA). Ông vừa là tác giả, dịch giả, đồng tác giả, biên tập, đã cho ra mắt trên 300 công trình, tác phẩm. Trong đó, có một số công trình tiêu biểu: Almanach, những nền văn minh Thế giới (năm 1990), sách dày trên 3.000 trang khổ lớn, số lượng các lần xuất bản trên 3 triệu bản; Almanach, người mẹ và phái đẹp (trên 3.000 trang, nặng 7,5 kg), được trao Kỷ lục Việt Nam và Thế giới; Thông sử Thế giới vạn năm (3 tập trên 2.000 trang); Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long (dày 12.000 trang, 4 tập, nặng 25 kg của 1.200 tác giả, dịch giả, cộng tác viên); Lịch Thế kỷ Nhị bách niên thông dụng (200 năm, từ 1901 đến 2100), tra cứu 5 loại lịch song hành; Lịch nghệ thuật Truyện Kiều (9 năm, từ 2018-2026), được Hội Thiên văn học và lịch pháp Thế giới công nhận là cuốn lịch sáng tạo hay nhất thế giới…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ước mơ về công viên lịch sử văn hóa Tô Lịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO