Mặt trận

Ưu tiên phát triển vùng 'lõi nghèo'

Tấn Minh 2/11/2023 08:30

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719) đã và đang được tỉnh Thái Nguyên tích cực triển khai với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đảm bảo an sinh xã hội, phát triển nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Nâng cao đời sống nhân dân trong vùng đồng bào dân tộc luôn được huyện Đồng Hỷ (tỉnh Thái Nguyên) đặc biệt quan tâm. Ảnh: Thu Lan.

Để đạt được mục tiêu trên, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đưa thu nhập bình quân của đồng bào DTTS tăng trên 2 lần so với năm 2020, đồng thời giảm tỷ lệ hộ nghèo DTTS bình quân từ 2%/năm trên tổng số hộ DTTS toàn tỉnh. Tỉnh Thái Nguyên cũng đặt mục tiêu giảm 50% số xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh; giảm 50% số thôn, xóm ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn… Để hoàn thành mục tiêu, một định hướng quan trọng của tỉnh là quyết tâm triển khai thực hiện có hiệu quả các dự án thuộc Chương trình MTQG 1719.

Trong đó, tiêu biểu như tại Võ Nhai - huyện khó khăn nhất của tỉnh Thái Nguyên, hiện 100% xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã; 15/15 xã, thị trấn có đường nhựa, bê tông đến trung tâm xã được cứng hóa và trên 98% số hộ được sử dụng điện lưới quốc gia… Còn tại huyện Đồng Hỷ, toàn huyện cũng có trên 50% dân số là đồng bào các DTTS. Từ các chính sách của Trung ương và của tỉnh, hiện nay hệ thống hạ tầng cơ sở ở các bản, làng của huyện Đồng Hỷ ngày càng khang trang, đáp ứng nhu cầu đời sống và phát triển kinh tế của người dân.

Theo ông Hoàng Văn Chấn - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Võ Nhai, với đặc thù là địa bàn rộng, đối tượng thụ hưởng nhiều, nguồn vốn thực hiện lớn nên trong quá trình thực hiện Chương trình MTQG 1719, công tác giám sát được các cấp, các ngành, địa phương của huyện Võ Nhai đặc biệt chú trọng. Trong đó, để tuyên truyền, vận động người dân hiểu và chủ động tham gia thực hiện, huyện Võ Nhai đã tích cực phát huy vai trò của MTTQ các cấp, từ đó nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Chương trình MTQG 1719.

Bên cạnh đó, MTTQ từ huyện đến cơ sở đã tập trung đổi mới phương thức, nội dung vận động, tuyên truyền để nhân dân hiểu và hưởng ứng thực hiện. Trong đó, MTTQ các cấp đã thực hiện tuyên truyền trong đồng bào DTTS thông qua các buổi sinh hoạt xóm, bản, giúp đồng bào nhận thức rõ ý nghĩa của chương trình. Đồng thời, sử dụng Facebook, Zalo, trang thông tin điện tử của MTTQ và địa phương để tuyên truyền sâu rộng đến bà con. Bên cạnh đó, MTTQ còn phát huy hệ thống loa truyền thanh tại các xóm, bản để kịp thời đưa nội dung thông tin về triển khai chương trình đến đồng bào.

Còn tại huyện Phú Lương, để triển khai Chương trình MTQG 1719, năm 2023, huyện đã triển khai hiệu quả nhiều giải pháp tích cực. Bà Nguyễn Thúy Hằng - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lương cho biết, huyện đã tập trung tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền trong quản lý điều hành, thực hiện chương trình. Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn có đối tượng thụ hưởng cũng đã ban hành các văn bản về công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Định kỳ kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc tổ chức thực hiện. Trong đó, chú trọng gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện chương trình. Thực hiện tốt phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, thực hiện công khai, dân chủ từ cơ sở, phát huy quyền làm chủ và sự tham gia đầy đủ của nhân dân.

Theo ông Phan Đức Cường - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên, thời gian qua, các chương trình, chính sách dân tộc đã phát huy được hiệu quả, đảm bảo công khai, minh bạch đúng mục đích, đối tượng. Đối với Chương trình MTQG 1719, từ khi triển khai đến nay, các cơ quan làm công tác dân tộc trên địa bàn tỉnh đã kịp thời phối hợp với các ngành liên quan tham mưu cho UBND các cấp phân bổ nguồn kinh phí được giao, ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc đảm bảo hoàn thành kế hoạch.

Cùng với nguồn vốn của Chương trình MTQG 1719 từ ngân sách Trung ương, tỉnh Thái Nguyên cũng đã ưu tiên bố trí ngân sách và huy động lồng ghép các nguồn lực để thực hiện chương trình. Trong đó, đặc biệt ưu tiên nguồn vốn cho hạ tầng phục vụ sản xuất, tăng các tiêu chí nông thôn mới, tránh dàn trải, lãng phí trong sử dụng vốn... Trong quá trình triển khai, tỉnh chú trọng ưu tiên các địa bàn “lõi nghèo”, vùng đặc biệt khó khăn nhất để tập trung đầu tư, tạo nền tảng để thúc đẩy giảm nghèo bền vững cho địa bàn này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ưu tiên phát triển vùng 'lõi nghèo'