Giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống - Quảng Trị đẩy lùi tảo hôn trong đồng bào dân tộc

Hoàng Minh 16/10/2023 08:30

Miền núi tỉnh Quảng Trị là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc thiểu số Vân Kiều, Pa Cô... Do thường xuyên bị thiên tai, nhiều bản làng vùng sâu, vùng xa vẫn tồn tại một số hủ tục, trong đó có nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Tình trạng tảo hôn trong đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị từng bước được đẩy lùi.

Tại các xã miền núi thuộc 2 huyện Hướng Hóa và Đakrông (tỉnh Quảng Trị) những năm trước đây tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra khá phổ biến. Trong đó, trẻ em gái vị thành niên chính là đối tượng phải chịu nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Bản thân các em sau khi lấy chồng sớm vừa phải làm mẹ, vừa phải giữ vai trò là lao động chính trong mỗi gia đình. Vì thế, dù đang mang thai, sắp đến kỳ sinh nở nhưng những bà mẹ trẻ hầu như rất ít được nghỉ ngơi.

Em Hồ Thị Liên (xã Lìa, huyện Hướng Hóa) cho biết, em lấy chồng từ năm 16 tuổi. Dù mới cưới được hơn 2 năm nhưng em đã chuẩn bị sinh đứa con thứ 2. Liên nhớ lại, khi ở với bố mẹ, em không phải lo lắng điều gì nhưng đến nay gánh nặng gia đình đã đè lên vai khi em chưa tròn 20 tuổi. Lấy chồng sớm, 2 vợ chồng không có công ăn việc làm nên rất khó khăn.

Xã Đakrông được biết đến là một trong những địa phương có nhiều trường hợp tảo hôn. Để chung tay đẩy lùi tình trạng tảo hôn, xã đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về những tác hại lâu dài đối với trẻ vị thành niên kết hôn sớm.

Bà Hồ Thị Đê - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Đakrông cho biết, đã tuyên truyền sâu rộng đến từng hội viên tại thôn, bản. Bằng việc tuyên truyền nhiều lần với nhiều hình thức khác nhau, đặc biệt trong các buổi sinh hoạt của hội viên hội phụ nữ để họ nhắc nhở con em mình, nhất là quan tâm đến các cháu đang đến tuổi vị thành niên, trẻ em hay bỏ học…

Theo số liệu báo cáo của 13 xã, thị trấn và qua điều tra, rà soát hàng năm của Trung tâm Y tế huyện Đakrông, tỷ lệ tảo hôn trên địa bàn huyện thường giao động trên dưới 16,3%. Từ năm 2018 đến năm 2021, tổng số cặp tảo hôn là 195 trường hợp.

Về phía chính quyền địa phương, huyện Đakrông đã phối hợp với cơ quan chức năng để tuyên truyền, vận động nhằm giảm dần tình trạng tảo hôn. Đồng thời, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tích cực tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng các nhóm giải pháp để nâng cao nhận thức cho người dân về Luật Hôn nhân và Gia đình, tư vấn về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; thực hiện các mô hình can thiệp để kịp thời ngăn ngừa nguy cơ kết hôn sớm. Qua đó, giảm thiểu và có thể sớm chấm dứt tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn. Vì thế, tới nay tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn huyện đã giảm hẳn.

Còn tại huyện miền núi Hướng Hóa, tuy đến nay không xảy ra tình trạng kết hôn cận huyết thống nhưng trước đó, giai đoạn 2016- 2020, tỷ lệ tảo hôn vẫn giao động từ 16,6%-21,36% với tổng số 692 cặp tảo hôn. Từ tháng 1/2021- 10/2021, toàn huyện có 122 cặp tảo hôn, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.

Thực hiện đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, trên địa bàn tỉnh Quảng trị nói chung, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với các sở, ban, ngành, các địa phương tổ chức triển khai 20 khóa tập huấn, 170 cuộc truyền thông tại thôn, bản với hơn 5.000 người tham gia. Hiện tại, toàn tỉnh Quảng Trị đã có 15 xã thực hiện Quy ước “thôn, bản không có tảo hôn”. Nhờ đó, người dân đã có sự thay đổi về nhận thức, hiểu rõ hơn tác hại của tảo hôn.

Ông Đinh Văn Nhân - Phó Trưởng phòng Chính sách - Tuyên truyền, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị cho biết, từ năm 2015 trở về trước, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống chủ yếu xuất phát từ hủ tục của đồng bào dân tộc thiểu số. Một bộ phận bà con không biết rằng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là vi phạm pháp luật. Vì thế, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, Quảng Trị đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức cộng đồng để bà con tự nhận thức, tự thay đổi hành vi.

Với sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các cấp, các ngành địa phương và các tổ chức xã hội, sự thay đổi nhận thức trong cộng đồng, nhất là từ trong mỗi gia đình, tình trạng tảo hôn trong đời sống của bà con dân tộc thiểu số khu vực miền núi ở Quảng Trị đã giảm dần và sớm chấm dứt trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Giảm thiểu tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống - Quảng Trị đẩy lùi tảo hôn trong đồng bào dân tộc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO