Vaccine ngừa cúm A khan hiếm do người dân đổ xô đi tiêm

An Thái 12/08/2022 08:03

Tại Hà Nội trong vòng khoảng 2 tuần trở lại đây, lượng người dân đến tiêm vaccine phòng cúm mùa tại Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC tăng cao, tăng 300-400% so với tháng trước. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cúm có vaccine phòng bệnh, nhưng hiện nay, do người dân đổ xô đi tiêm vaccine phòng cúm khiến nhiều trung tâm tiêm chủng thiếu vaccine.

Tiêm vaccine phòng cúm cho trẻ em tại Bệnh viện đa khoa Đồng Nai. Ảnh: Gia Huy

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận gần 3.000 trường hợp mắc cúm, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Nếu như giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 4, số ca mắc dưới 400 trường hợp/tháng, đến tháng 5 số mắc tăng lên 556 trường hợp, thì tháng 6 tăng vọt lên 887 trường hợp.

Trước thực trạng số ca mắc cúm A không ngừng gia tăng, lại trước thềm năm học mới, do vậy nhu cầu tiêm chủng loại vaccine này cho trẻ em đang tăng cao. Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, 1 tháng trở lại đây, số người đến tiêm vaccine phòng bệnh cúm tăng cao. Nếu như tháng 6, số người đến tiêm chỉ khoảng gần 200 người thì trong tháng 7, lượng người đến tiêm là gần 300.

Tại các Trung tâm tiêm chủng trên địa bàn một số quận Nam Từ Liêm, quận Hà Đông, Trung tâm tiêm chủng - xét nghiệm 131 Lò Đúc của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương… nhiều người có nhu cầu tiêm vaccine cúm A, nhưng đại điện các Trung tâm cho biết đã hết loại vaccine này. Được biết, giá tiêm vaccine phòng cúm là 360.000 đồng/mũi, nhưng vaccine đang tạm hết, chưa biết khi nào có. Nhiều người đến hỏi tiêm vaccine phòng cúm ở những địa điểm nói trên đã phải ra về.

Ghi nhận ở các trạm y tế phường các quận nội thành, các cơ sở cho biết đây là vaccine dịch vụ, muốn tiêm phải đăng ký từ trước. Tuy nhiên, bây giờ đăng ký cũng không biết có còn vaccine không, vì hiện nay số người có nhu cầu tiêm cao nhưng Trạm y tế phường cũng chưa lấy được vaccine để tiêm cho người dân.

Tình trạng khan hiếm vaccine cúm A không chỉ diễn ra tại các cơ sở y tế tuyến dưới mà một số Trung tâm tiêm chủng lớn của thành phố cũng khan hiếm. Tại điểm tiêm chủng vaccine của Bệnh viện đa khoa Hà Đông, nhiều người dân đến tiêm nhưng phải ra về vì cơ sở này hết vaccine.

Cùng với đó, theo Cục Y tế dự phòng, trong 2 tháng qua có hơn 100 đơn vị, doanh nghiệp, cơ quan đăng ký tiêm vaccine phòng cúm cho người lao động với số lượng 200-2.000 người mỗi đơn vị.

Trước tình trạng người dân đổ xô đi tiêm vaccine phòng cúm, các chuyên gia y tế lý giải, ngoài yếu tố bất thường của virus cúm thì di chứng hậu Covid-19 cũng khiến những người từng mắc Covid-19 lo lắng, do hệ hô hấp người từng mắc bệnh đã bị tổn thương trước đó, nay lại thêm nguy cơ cúm mùa, cúm A và vô số nguy cơ bệnh dịch khác. Đây cũng là lý do tỷ lệ tiêm chủng cúm ở người lớn, đặc biệt là “cựu” F0 tăng cao thời gian qua.

Hiện nay giá vaccine cúm không tăng so với thời điểm chưa “sốt”, tuy nhiên nguồn cung khan hiếm nên nhiều người phải đi tới 3-4 nơi mới tiêm được. Đại diện Hệ thống Trung tâm Tiêm chủng VNVC khẳng định, VNVC bảo đảm cung ứng đủ vaccine, đặc biệt là vaccine phòng cúm A khi tình hình dịch cúm A gia tăng đột biến. Không chỉ đảm bảo nguồn vaccine và quy trình tiêm chủng an toàn, VNVC áp dụng chính sách bình ổn giá toàn quốc, cam kết không tăng giá trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp và khan hiếm vaccine, đồng thời hỗ trợ nhiều chương trình ưu đãi giá, hỗ trợ trả góp không lãi suất… với mục tiêu để tất cả trẻ em và người lớn đều có cơ hội tiêm chủng phòng bệnh.

Việt Nam hiện có 5 loại vaccine phòng cúm gồm: Quadrivalent phòng cúm mùa 4 chủng bất hoạt (2 chủng cúm A và 2 chủng cúm B), sử dụng cho mọi đối tượng từ 6 tháng tuổi, an toàn cho phụ nữ có thai; Vaxigrip Tetra (Pháp) 4 chủng, tiêm cho trẻ từ 6 tháng tuổi; Influvac Tetra (Hà Lan) 4 chủng, tiêm cho trẻ từ 3 tuổi; GC Flu Quadrivalent (Hàn Quốc) 4 chủng, tiêm cho trẻ từ 6 tháng và loại Ivacflu-S (Việt Nam) 3 chủng, tiêm cho người từ 18 - 60 tuổi.

Theo khuyến cáo từ các chuyên gia y tế, cúm mùa cần được tiêm phòng hàng năm vì sau một năm tiêm, kháng thể sẽ dần ít đi. Tuy nhiên, vaccine vào cơ thể cần có thời gian để sản sinh miễn dịch. Vì vậy, người dân cần tiêm phòng cúm sớm, không nên đợi tới khi dịch bùng phát mới đổ xô đi tiêm chủng dẫn tới khan hiếm vaccine. Những trường hợp mắc cúm sau khi bình phục 1-2 tuần, sức khỏe bình thường có thể đi tiêm. Tiêm vaccine ngừa cúm giúp giảm tỷ lệ mắc cúm hoặc nếu mắc thì giảm tỷ lệ nhập viện và các biến chứng nặng như viêm phổi, viêm màng não.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vaccine ngừa cúm A khan hiếm do người dân đổ xô đi tiêm

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO