Vai trò truyền thông thay đổi hủ tục

M.Quân 15/11/2022 08:01

Thời gian qua, bằng nhiều hình thức sinh động, các địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã đẩy mạnh truyền thông trong tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Từ đó thu được nhiều kết quả tích cực.

Truyền thông “Tảo hôn và hôn nhân cận huyết” do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Cư M’gar (tỉnh Kon Tum) tổ chức.

Thực hiện chỉ đạo của Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai, các xã trên địa bàn huyện Bát Xát (Lào Cai) đã đồng loạt tổ chức Lễ phát động Chiến dịch truyền thông về phòng, chống tảo hôn. Hình thức tuyên truyền tại các buổi Lễ phát động được xây dựng đa dạng, phong phú, như tiểu phẩm sân khấu hóa; trình chiếu clip; chuyên mục hỏi - đáp. Chia sẻ của cá nhân đã từng tuyên truyền, vận động, ngăn chăn thành công về phòng, chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong gia đình, dòng họ, thôn bản… Cùng với đó, tại các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các xã tổ chức treo băng rôn, pano, khẩu hiệu tuyên truyền về phòng, chống tảo hôn… Tăng cường ứng dụng công nghệ, hệ thống mạng xã hội (Zalo, Facebook...), trang thông tin điện tử, nền tảng di động trong công tác tuyên truyền, vận động. Qua đó, góp phần tạo sự đồng thuận và tham gia hưởng ứng của người dân cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương ngăn chặn có hiệu quả tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Cùng trong hoạt động này, Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang vừa tổ chức Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” giai đoạn 2021-2022 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giai đoạn 2021-2022, Kiên Giang có 36.000 cặp đôi kết hôn, nhưng chỉ còn 1 trường hợp tảo hôn. Trên cơ sở kết quả đạt được, Ban Dân tộc tỉnh Kiên Giang xây dựng kế hoạch trong triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục, ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Trong đó, quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền, như tổ chức vận động, giải thích trực tiếp đến người dân, trong học sinh từ cấp THCS; truyền thông qua báo chí, tận dụng tiện ích mạng xã hội để lồng ghép tuyên truyền đến giới trẻ, gắn với tuyên truyền người dân xóa bỏ các hủ tục…

Còn tại tỉnh Thái Nguyên, Trung tâm Trợ giúp pháp lý (Sở Tư pháp) phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên và các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi năm 2022 cho hơn 100 đại biểu là Bí thư chi bộ, Trưởng xóm, Trưởng các đoàn thể ở xóm, người có uy tín tiêu biểu trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã được phổ biến một số quy định của pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết, tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đến sức khỏe và đời sống của con người; những quy định của pháp luật về xử phạt đối với hành vi tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống đã giảm rất nhiều. Mặc dù, số lượng đã giảm dần theo từng năm, song hậu quả của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn đeo bám, ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, Hội nghị được tổ chức với ý nghĩa mỗi đại biểu tham dự là sẽ hạt nhân tích cực trong việc tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn. Đây là một trong những hoạt động nằm trong Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên 2021-2025, giai đoạn 2.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vai trò truyền thông thay đổi hủ tục

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO