Văn chương Việt & giấc mơ Nobel

Hoàng Thu Phố (thực hiện) 01/05/2022 05:56

Không phải tới nay câu hỏi bao giờ giải Nobel văn chương gọi tên một tác giả Việt Nam mới được đặt ra. Từ lâu, đây đã là khát vọng, hoặc nằm trong suy nghĩ của nhiều người cầm bút, và là chủ đề thường được đem ra bàn luận ở nơi này, nơi khác. Cũng có những lúc cao hứng, có người mạnh mẽ bảo cuốn này, tác giả kia xứng đáng đề cử giải Nobel! Thế nhưng, tất cả chỉ là những ý kiến... nói cho vui.

Nhà văn Đỗ Phấn.

Chỉ tới gần đây, câu chuyện văn chương Việt “lỡ hẹn” với giải Nobel danh giá mới chính thức được thảo luận. Bởi Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, đã nhận được bức thư từ Ủy ban Nobel thuộc Viện Hàn lâm Thụy Điển với nội dung đề cử một ứng viên Việt Nam tham dự xét giải Nobel Văn chương năm 2022. Tuy nhiên, bức thư đã đến muộn. Và Hội Nhà văn Việt Nam đã không kịp đề cử ứng viên nào.

Nhiều người tỏ ra tiếc nuối. Nhiều người bình tĩnh hơn. Trong số những người bình tĩnh này, có nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, người trực tiếp nhận được bức thư trên. “Tôi không tiếc nuối về chuyện vuột mất cơ hội đề cử lần này. Nếu nhận đúng ngày, đúng giờ, Hội chưa chắc chọn được đề cử xứng đáng để giới thiệu. Cần nhìn thẳng vào thực tế rằng nền văn chương Việt Nam, các tác phẩm, tác giả chưa hội tụ các yếu tố để đáp ứng với yêu cầu, tiêu chí của giải thưởng, việc chọn lựa càng khó khăn. Điều quan trọng là phải ý thức được nền văn học đang ở đâu, mang tầm cỡ nào để củng cố, xây dựng, phát triển”, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.

Chuyên đề Tinh hoa Việt kỳ này đã gặp gỡ, trò chuyện thêm với một số nhà văn, nhà phê bình văn học, để có cái nhìn đa chiều hơn về vị trí của văn chương Việt Nam.

Nhà văn Đỗ Phấn: Cái thiếu của văn chương Việt nằm ở cả hai phía

PV: Vừa rồi, câu chuyện văn chương Việt Nam lỡ cơ hội đề cử tác phẩm dự giải Nobel Văn chương 2022 nhận được sự quan tâm, bàn luận của nhiều người, cả trong và ngoài giới viết. Thưa nhà văn Đỗ Phấn, ông nhìn nhận câu chuyện này như thế nào?

Nhà văn ĐỖ PHẤN: - Tôi thấy chuyện này hết sức bình thường. Bởi vì chúng ta đã từng bỏ lỡ 121 lần như thế kể từ khi giải Nobel đầu tiên được trao vào năm 1901. Đây chỉ là lần đặc biệt duy nhất những người có trách nhiệm cho ta biết chuyện ấy.

Tuy nhiên, nếu cho rằng đây là một cơ hội bị bỏ lỡ tôi e rằng ta hơi lạc quan tếu. Giống anh chàng đi câu cá về khoe rằng hôm nay để vuột mất một con trắm 20kg. Bạn bè đi hỏi chủ hồ câu thì ông ấy nói rằng chưa bao giờ ông thả cá trắm ở hồ. Và lớn đến thế lại càng không có bởi năm nào ông cũng tát hồ vét cạn làm vệ sinh.

Riêng tôi tin rằng cơ hội ấy rồi thì nước mình cũng có. Nhưng không phải bây giờ. Giải thưởng danh giá này thường tặng cho những tác phẩm mang tầm nhân loại. Tác phẩm hầu như chạm được đến nỗi đau của loài người. Dù khác biệt về màu da, ngôn ngữ hay vị trí địa lí thì nỗi đau của nhân loại hầu như ở đâu cũng có. Ở ta cũng vậy. Nhưng phản ánh nó vào văn chương thì mới chỉ ngấp nghé nghe ngóng mà thôi. Một phần do hệ thống kiểm duyệt của chúng ta, phần khác, do tài năng và chiêm nghiệm của nhà văn chúng ta vẫn còn ở mức khiêm tốn.

Chúng ta chỉ đủ sức nói chuyện với vài ba nước quanh khu vực đại khái như Lào, Campuchia, Thái Lan… Chưa đủ sức nói lên nỗi đau đớn dằn vặt của mình với vài nền văn hóa lớn quanh ta như Ấn Độ, Trung Quốc. Tất nhiên nỗi đau là phổ quát. Nền văn hóa nào cũng có. Nhưng độ lớn nhỏ và đặc sắc mang tầm nhân loại thì hiếm hoi cũng là chuyện thường tình.

Ta từng biết đến nạn đói Ất Dậu 1945 hay cải cách ruộng đất 1953-1956 là những nỗi đau của đồng bào miền Bắc. Ta cũng biết độ tàn khốc của nó chưa thể sánh bằng nạn đói châu Phi hay Cách mạng văn hóa bên ngoài biên giới. Có cuốn tiểu thuyết của nhà văn Tô Hoài lúc sinh thời nói về cải cách ruộng đất cũng phải mất 15 năm sau mới có thể in được.

Nếu được đề cử một nhà văn Việt Nam tham dự xét Giải Nobel Văn chương năm 2022, nhà văn Đỗ Phấn sẽ chọn ai?

- Vì lí do như tôi vừa nói ở trên cho nên câu hỏi này đã có câu trả lời. Ta không nên hoang tưởng rằng ở một cái hồ câu cá cho thuê theo giờ lại có những quái ngư nặng hàng tạ. Tuy nhiên mong ước thì có quyền.

Cần có chiến lược quảng bá để thế giới biết đến văn chương Việt.

Trong góc nhìn của nhà văn Đỗ Phấn, văn chương Việt thiếu điều gì so với tầm vóc của giải Nobel văn học?

- Tất nhiên với tôi thì câu hỏi này hơi quá tầm. Người viết tay ngang như tôi hiện mới chỉ quan tâm được đến việc cuốn sách của một ai đó hay hoặc dở. Chẳng có gì là chính xác cả. Tuy nhiên theo quan sát của tôi thì vài cuốn sách hay dù được nghiên cứu phê bình kĩ lưỡng cũng không có nhiều độc giả trong nước. Ngược lại, những cuốn sách dở hình như gây ồn ào không dứt. Nhiều khi thành hẳn những phong trào đả kích nhau kịch liệt. Điều đó nói lên nhận thức của số đông trong chúng ta hình như có điều gì đó chưa ổn lắm. Anh sẵn sàng xả thân phê phán theo phong trào. Nhưng lại hoàn toàn thiếu vắng phong trào đề cao những giá trị thật sự.

Sở dĩ nói thế là bởi có những trào lưu đề cao nhau sặc mùi kinh tế thị trường. Những cuốn sách, những bài thơ của vài người có tiền bạc hoặc quyền lực đôi khi được đẩy lên thành những hiện tượng văn học nghệ thuật chói sáng. Nói đến đây lại không thể không nhớ đến một nhà thơ nào đó vài năm trước tin rằng thơ của mình là do tiền nhân mách bảo. Trong một đêm làm cả trăm bài. Tổ chức hội thảo rầm rộ. Các “nhà phê bình” xúm xít rối rít khen. In sách khổng lồ. Thậm chí gửi cả tuyển tập sang Thụy Điển tranh giải Nobel. Kết quả là cuốn sách chỉ đạt một kỉ lục trong nước. Là cuốn sách nặng nhất (150kg) có mặt trên đất nước tính đến lúc ấy.

Vậy nên theo tôi, cái thiếu của văn chương Việt nằm ở cả hai phía. Người viết và người đọc.

Gần đây, một số tác phẩm văn chương Việt Nam được dịch ở nước ngoài, điều đó có góp phần quảng bá được những tác phẩm xứng đáng của nền văn chương Việt Nam với bạn bè thế giới không? Hay chúng ta cần những kế hoạch, chiến lược bài bản, dài hơi hơn, thưa ông?

- Đương nhiên đó là một cách làm rất đáng khích lệ. Đáng khích lệ ở chỗ khi văn chương chúng ta cả hay lẫn dở có điều kiện cọ xát với thế giới. Điều đó làm chúng ta nhận thức đúng hơn tầm thước của mình. Sẽ chẳng còn nhiều ảo tưởng nhưng cũng manh nha mầm mống hi vọng.

Tuy nhiên, nếu nói rằng dịch thuật các tác phẩm văn chương ra tiếng nước ngoài là chiến lược lâu dài nhằm thu hẹp khoảng cách của văn chương Việt với văn chương thế giới tôi e rằng hơi vội vã. Chúng ta vẫn chỉ đang dừng lại ở chỗ biên dịch một vài truyện ngắn, vài cuốn tiểu thuyết lẻ tẻ. Lí do thật đơn giản là chính những văn bản được dịch ấy cũng chưa chắc đã thuyết phục nổi ngay chính cộng đồng dịch giả. Không chỉ vì kĩ thuật dịch thuật mà ngay cả nội dung cuốn sách ấy bằng tiếng Việt cũng không chắc đã hay. Ta đều biết mỗi khi có một cuốn sách hay thì ít nhiều đồng nghiệp cũng có những râm ran bàn tán. Câu hỏi ở đây là vì sao không dịch ngay những cuốn sách ấy? Trong khi ta đều biết Nobel là giải thưởng hàng năm.

Theo ông, bao lâu nữa Việt Nam sẽ có nhà văn đoạt giải Nobel?

- Tôi chắc là còn lâu. Thậm chí rất lâu nữa. Phải trông chờ vào lớp con cháu có học hành cọ xát với thế giới đủ để đua tài. Bao giờ chúng coi thế giới cũng như gia đình của chúng ta vậy.

Xin cảm ơn nhà văn!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Văn chương Việt & giấc mơ Nobel

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO