Vấn đề là hành động

Bắc Phong 02/06/2020 07:00

Chiều 30/5, tại Bà Rịa-Vũng Tàu, khi kết luận hội nghị với các tỉnh, thành phố Vùng kinh tế trọng điểm  phía Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, “Hội nghị này chỉ bàn tiến chứ không bàn lùi”. Điều này có ý nghĩa quan trọng khi đây là Vùng Kinh tế trọng điểm lớn nhất cả nước, đóng góp cho Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.

Trong tương lai gần, đây sẽ là vùng siêu đô thị, có quy mô hàng đầu khu vực Đông Nam Á và cả Đông Á. “Còn tương lai gần đó là 10 năm, 20 năm hay 30 năm nữa thì đó là ý chí, hành động, sáng tạo của chúng ta”- Thủ tướng nói.

Vấn đề là hành động

Công nhân khu Công nghiệp Bình Xuyên II, Vĩnh Phúc.

Tuy nhiên, để thành công, theo Thủ tướng, cả vùng phải đoàn kết, nhau nắm tay cùng phát triển trong một tầm nhìn mới, một ý chí, nghị lực, khát vọng của từng cá nhân lãnh đạo, cá nhân doanh nhân, từng địa phương, dám dấn thân, dám đổi mới sáng tạo, dám chịu trách.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Michael Kelly- Chủ tịch điều hành cấp cao, kiêm Tổng Giám đốc điều hành ACDL - chủ đầu tư Dự án The Grand Hồ Tràm Strip (Bà Rịa - Vũng Tàu)- dự án du lịch lớn nhất của Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam nhận được sự chú ý của toàn thế giới về thành công trong chống dịch Covid-19, là một trong những quốc gia đầu tiên mở cửa lại nền kinh tế. Việt Nam hiện có nhiều cơ hội để thu hút dòng vốn đầu tư mới. Các nhà đầu tư mong muốn Chính phủ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Còn theo một giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, nếu nền kinh tế như chiếc lò xo bị nén, đang bung ra hậu dịch Covid-19 thì Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam phải là lò xo bung ra mạnh nhất khi chiếm trên 45% GDP cả nước.

Trong một diễn biến khác, chiều ngày 29/5, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Anh đã phối hợp với Tổ chức Asia House (Anh) tổ chức Tọa đàm trực tuyến chủ đề “Việt Nam: Cơ hội đầu tư, kinh doanh sau đại dịch Covid-19”.

Phát biểu tại tọa đàm, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho rằng Việt Nam đang chuyển sang giai đoạn thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng dịch, vừa nỗ lực cao nhất để phục hồi và phát triển kinh tế, bảo đảm tăng trưởng kinh tế năm 2020, ổn định xã hội, đời sống nhân dân. Chính phủ Việt Nam đã quyết định nhiều giải pháp cấp bách về sản xuất kinh doanh và cải thiện môi trường thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa quyết định thành lập tổ công đặc biệt để xúc tiến đầu tư hậu Covid-19.

Cũng trong việc thúc đẩy kinh tế hậu Covid-19, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 84/NQ-CP về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hộ. Chính phủ đưa ra 3 nhiệm vụ, giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ, trong đó có nhiều điểm cụ thể rất đáng chú ý: Giảm 15% tiền thuê đất phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang được Nhà nước cho thuê đất trực tiếp theo Quyết định, Hợp đồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới hình thức trả tiền thuê đất hằng năm phải ngừng sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Miễn phí bảo lãnh phát sinh trong năm 2020 đối với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp hàng không còn dư nợ đến ngày 31/12/2019; giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, đến đối với các chuyến bay nội địa từ tháng 3 cho đến hết tháng 9/2020; áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá từ tháng 3 cho đến hết tháng 9/2020. Giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp, cho vay gián tiếp đối với DN nhỏ và vừa từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước…

Như vậy, có thể nói, Chính phủ đã làm hết sức để hồi phục, tăng trưởng kinh tế hậu đại dich Covid-19. Vấn đề là các bộ ngành, địa phương có thắng được “con virus trì trệ” hay không.

Chiến thắng đại dịch Covid-19 đã vô vàn khó khăn; thì chiến thắng sự trì trệ, sự ngán ngại để phục hồi và tăng trưởng kinh tế cũng vô cùng khó khăn. Quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ là rất mạnh mẽ. Vấn đề còn lại là hành động mà thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vấn đề là hành động

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO