Văn Dung, một nhạc sĩ khác biệt

TRẦN THỊ TRƯỜNG 09/04/2022 11:11

Tôi biết nhạc sĩ Văn Dung từ khoảng những năm 90 thế kỷ trước. Ông đẹp trai với nụ cười luôn nở trên môi, nói chuyện hóm hỉnh, thông tuệ, dường như kim cổ đông tây cái gì ông cũng biết…

Nhạc sĩ Văn Dung.

Như đã nhiều lần tâm sự, tôi mê âm nhạc, có duyên với những người làm âm nhạc, là bạn cùng lứa, bạn vong niên với rất nhiều nhạc sĩ, ca sĩ. Và dường như những gì thuộc về âm nhạc đều có sức lôi cuốn cuộc đời tôi ghê gớm. Những ngày làm phóng viên văn nghệ hầu như tôi thuộc “con số” các bữa ăn trưa của… nhạc sĩ hay ca sĩ. Tôi biết nhạc sĩ Văn Dung từ dạo đó, khoảng những năm 90 thế kỷ trước.

Nhạc sĩ Văn Dung năng nổ đi thực tế sáng tác. Ông đã có mặt tại chiến trường ác liệt như Khe Sanh, đường Trường Sơn, đường 9 - Nam Lào. Những ca khúc đầu tiên của ông như “Giải phóng quân ra đi” (1965) và “Tiến về Khe Sanh” (1968) ra đời thời điểm đó. “Bài ca Đường 9 chiến thắng” và “Đường Trường Sơn xe anh qua” đã khẳng định tên tuổi của Văn Dung, khẳng định xứng đáng danh xưng nhạc sĩ.

Những ngày đó, mới thoát khỏi bao cấp, mọi thứ còn khó khăn, ai mời ai bữa ăn là cả một vấn đề. Dân làm báo đàn bà con gái chúng tôi không biết uống bia, cũng không ăn nhiều nhưng thích vui, thích hóng chuyện chính trị, thời sự, làng văn nghệ nên thường gọi để xin ông cho ngồi ké. Lần nào gọi ông cũng sẵn lòng: “sang đi, sang đi”. Có lần xin ông cho trả tiền bữa ăn, ông cười bảo: “Các em là hoa của đất, có các em thì đời mới vui, khi nào mỗi em ăn được 3 suất thì anh đồng ý”.

Có thể nói Văn Dung là kho tri thức. Hà Nội ngày đó cũng như cả nước đều nghèo nhưng các trường đều dạy văn thể mỹ song song với kiến thức. Văn Dung học nhạc ở trường phổ thông. Nhưng những trí thức Hà Nội tầm tuổi ông (ông sinh năm 1936) đều tự học rất nhiều. Họ đọc nhiều, hiểu nhiều, tinh thông nhiều lĩnh vực, nhất là triết học. Ông nói rất hay, rất uyên bác, dễ hiểu, và kết thúc bao giờ cũng có hậu. Chắc tại ông yêu đời, nụ cười với hàm răng đều và trắng của một người đẹp trai như ông đã kéo ông đến với những lý giải triết học rất đời, rất người nên dễ hiểu, và khiến người nghe được cười, nhận về năng lượng tích cực.

Đôi khi ông cũng nhăn nhó, ấy là lúc các phóng viên viết về âm nhạc mà dùng sai khái niệm, viết sai bản chất sự kiện, dùng văn vẻ câu chữ “làm màu”, “hù dọa” người đọc nhưng không hiểu gì về chuyên môn. Ông bảo: “Các cậu đừng ẩu thế. Tớ cũng dân báo chí đấy…”.

Ông được đào tạo chuyên ngành báo chí tại Trường Báo chí Trung ương, Phân hiệu II của Trường Nguyễn Ái Quốc. Công tác tại Ban Công nghiệp của Đài Tiếng nói Việt Nam trước khi làm biên tập viên âm nhạc. Điều đó càng khiến tôi nể trọng ông. Nghề gì cũng khó. Nhưng từ làm báo lĩnh vực công nghiệp sang biên tập âm nhạc rồi sáng tác là việc không đơn giản chút nào. Văn Dung phải là người có tài. Và sự nghiệp âm nhạc của ông thì thật đáng kính nể.

Làm báo ở Đài Tiếng nói Việt Nam một thời gian, có lẽ nhạc sĩ Cầm Phong thấy Văn Dung (văn hay chữ giỏi nhạc cảm tốt) liền đề nghị chuyển Văn Dung sang biên tập âm nhạc thuộc Ban Văn nghệ. Với vốn liếng âm nhạc tự học từ trước, trong nhiệm vụ mới Văn Dung có điều kiện để cảm xúc được chắp cánh bay lên.

Nhạc sĩ Văn Dung (bên trái) và nhạc sĩ Trần Quý. Ảnh: Thư Hoàng.

Làm ở Ban Văn nghệ, nhạc sĩ Văn Dung năng nổ đi thực tế sáng tác. Ông đã có mặt tại chiến trường ác liệt như Khe Sanh, đường Trường Sơn, đường 9 - Nam Lào. Những ca khúc đầu tiên của ông như “Giải phóng quân ra đi” (1965) và “Tiến về Khe Sanh” (1968) ra đời thời điểm đó. “Bài ca Đường 9 chiến thắng” và “Đường Trường Sơn xe anh qua” đã khẳng định tên tuổi của Văn Dung, khẳng định xứng đáng danh xưng nhạc sĩ.

Bài hát của ông được phát sóng nhiều lượt, các nữ văn nghệ sĩ nghiệp dư ở các cơ quan thường tập hát bài này trong các dịp liên hoan và tôi cũng không ít lần tham gia: “Em nghe tin vui bên Đông Trường Sơn/ Em nghe tin vui bên Tây Trường Sơn/ Nghe sấm dội cả non ngàn/ Nghe bão nổi cả đôi miền/... Trong muôn gian lao mưa bom bão lửa/ Anh bước trên đầu thù cùng xốc tới...” (Bài ca đường 9 chiến thắng). Bài “Đường Trường Sơn xe anh qua” cũng vậy, khác với sự nồng nhiệt sôi nổi mạnh mẽ của bài trước nhưng, giai điệu trìu mến, tình cảm với nhiều nốt luyến (tương đối khó hát nhưng rất hay nếu hát đúng) đã được đón nhận nồng hậu từ nghệ sĩ biểu diễn lẫn công chúng thưởng thức. Bài hát đã làm hình ảnh và giọng hát của 2 ca sĩ Trung Đức và Thu Hiền thêm tỏa sáng:

“Ơi cô gái Trường Sơn/ Bao đêm em đi mở đường/ Cho từng chuyến xe anh qua/ Vang giọng hát em ngân xa/ Tuổi thanh xuân đến với núi rừng/ Dù bom rơi mưa dông nắng lửa/ Vượt hiểm nguy em băng băng qua/ Mở đường xe anh ra tiền tuyến…”.

Những người ở lứa tuổi chúng tôi và trẻ hơn 20-30 năm không mấy ai là không thuộc bài: “Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh”.

Văn Dung là người nhanh nhẹn, tháo vát, con người của nhiệt tình và năng động nhưng có cách nghĩ nhàn, cái tâm nhàn. Việc được giao trong Ban ông luôn hoàn thành và chỉ tác động tích cực vào những ưu tư trăn trở sáng tạo tác phẩm của ông nên người ta thấy dường như ông là người an nhàn. Tự ông đặt cho ông nhiệm vụ của người viết sử bằng âm nhạc. Ông nói chuyện với chúng tôi: "Nhà báo thì phải viết phản ánh hiện thực cuộc sống kể cả giai đoạn chiến tranh lẫn hòa bình bằng các bài báo. Chúng tớ cũng thế, phải hòa mình vào để biết kháng chiến gian khổ và hy sinh, phải tìm được cái hay cái đẹp của hòa bình, của thiên nhiên, của xã hội con người để làm nên những giai điệu âm nhạc…”.

Có lẽ sẽ nhiều người như tôi đều thích: “Những bông hoa trong vườn Bác” được ông viết vào mùa xuân năm 1977: “…Mỗi mùa hoa một mùa quê hương/ Mỗi màu hoa một màu yêu thương/ Gợi nhớ về bao nhiêu kỷ niệm/ Em ơi nghe chăng mùa xuân đến/ Trong muôn tươi xanh hay trong cánh chim/ Trong muôn tiếng ca ngọt ngào tình quê hương/ Say muôn sắc hoa dịu dàng trong nắng xuân...”.

Vợ ông là ca sĩ Tuyết Nhung – một giọng ca trong tốp nữ nổi tiếng một thời của sóng phát thanh Đài Tiếng nói Việt Nam, người bạn đời chia sẻ với ông mọi vui buồn, nhưng cũng là khán giả đầu tiên nghe tác phẩm của ông để góp ý hoặc khích lệ ông.

Năm 1998, nhạc sĩ Văn Dung được bầu làm Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội. Là một Chủ tịch Hội có trách nhiệm, nhạc sĩ Văn Dung đem lại nhiều lợi ích cho hội viên bởi những ý kiến có tâm, có tầm và vô tư trước những vấn đề của cuộc sống. Ông là người hào hoa phong nhã, hóm hỉnh và nhiều bao dung.

Thông thường người ta thấy ông dí dỏm, bông đùa, có khả năng biến những mâu thuẫn cá nhân thành chuyện vui, và mâu thuẫn nghề nghiệp là chuyện dĩ nhiên có, thậm chí là đáng có thì môi trường sáng tác mới sinh động, tác phẩm mới xuất hiện nhiều hơn. Nhưng ông cũng có khả năng xử lý những vụ việc có tính nguyên tắc và kiên quyết giữ nguyên tắc đó. Sinh thời, những góp ý của nhạc sĩ Văn Dung về quyền tác giả âm nhạc đã được nhạc sĩ Phó Đức Phương lắng nghe với sự cầu thị nghiêm túc.

Trong sự nghiệp sáng tác của mình nhạc sĩ Văn Dung đã có các ca khúc như: "Giải phóng quân ta ra đi"; "Tiến về Khe Sanh"; "Đường Trường Sơn xe anh qua"; "Bài ca Đường 9 chiến thắng"; "Những bông hoa trong vườn Bác"; "Hành khúc thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh"; "Vinh quang công nhân Việt Nam"; "Trở về Bỉm Sơn"; "Hương lúa chiêm xuân"; "Nông trường ta yêu"; "Tình ca đất mỏ"; "Vì một hành tinh xanh"; "Em với rừng Hoàng Liên"; "Chiều xa thành phố cảng"; "Em đố mẹ em"; "Chim chích bông"…

Với những đóng góp cho âm nhạc Việt Nam, cho đời sống xã hội, cho công chúng yêu nhạc, nhạc sĩ Văn Dung đã ghi danh tên tuổi của mình một cách xứng đáng trong lịch sử âm nhạc Việt Nam.

Ông được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật đợt I năm 2001. Ông đã qua đời ngày 8/3 tại Hà Nội, hưởng thọ 87 tuổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Văn Dung, một nhạc sĩ khác biệt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO