Văn hóa đọc trước cơn sóng cả

HẠNH NHÂN - TRUNG HIẾU 03/05/2022 08:16

“Sóng cả” là một cách nói có phần hình ảnh, song điều cốt yếu, để muốn nhấn mạnh đến văn hóa đọc của người Việt hôm nay đang đối diện những khó khăn, thách thức khi công nghệ nghe nhìn và các nền tảng mạng xã hội phát triển. Đồng nghĩa, văn hóa đọc đã và đang có nhiều thay đổi, đặt ra vấn đề ngành xuất bản, hệ thống thư viện trong kỷ nguyên số cũng cần có sự xoay trục để phụng sự bạn đọc thay vì thuần túy nêu ra những con số thống kê về số phút đọc sách còn khiêm tốn của người Việt, hay về số sách ít ỏi mà người Việt đọc trong năm.

Độc giả tìm mua sách tại hội sách truyền thống. Ảnh: Thư Hoàng.

Làm sao để ngày càng có nhiều người đọc sách hơn?

Cùng với chuyển đổi số của các NXB, kinh doanh, mua bán xuất bản bằng hình thức thương mại điện tử vài năm trở lại đây đã phát triển khá tốt. Không ít người mê đọc sách đã hình thành thói quen mua sách qua các ứng dụng thương mại điện tử, hoặc đặt mua ngay trên trang web của các đơn vị xuất bản thay vì phải đến các nhà sách, hiệu sách. Văn hóa đọc trong thời 4.0 hiện nay cũng rất đa dạng, như các diễn đàn đọc sách, giới thiệu, review (bình luận) sách trên nền tảng các mạng xã hội như Facebook, YouTube, Instagram… Nhiều diễn đàn đọc sách rất thu hút công chúng như: Docsachonline.vn; bookhunterclub.com; sachvui.com; tramdoc.vn… và những nhóm đọc, chia sẻ việc đọc như: Trạm review sách; Xóm mọt sách; Nghệ thuật và sách... có đến hàng triệu người tham gia.

Hội Xuất bản Việt Nam vừa phát động phong trào đọc sách trong cộng đồng trên phạm vi toàn quốc. Ông Hoàng Vĩnh Bảo - Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam cho biết: Việc lấy ngày 21/4 hàng năm là Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam khẳng định sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với sách và sự phát triển của văn hóa đọc trong đời sống cộng đồng.

Thông qua phát động phong trào đọc sách trong cộng đồng trên phạm vi toàn quốc, Hội Xuất bản Việt Nam mong muốn nâng cao nhận thức xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi, hình thành thói quen đọc sách trong gia đình.

Trong Ngày Sách và Văn hóa đọc lần thứ nhất vừa qua, Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Hoàng Vĩnh Bảo nhắc tới vai trò của sách trong đời sống. “Thời nào, nơi nào, sách đều giữ vai trò quan trọng, là chìa khóa giúp mở cánh cửa đến kho tàng tri thức; ngọn hải đăng rọi sáng để mỗi người làm giàu có đời sống tinh thần, làm đẹp tâm hồn, nuôi dưỡng nhân cách, đến với chân, thiện, mỹ; là con đường đưa quốc gia đến phồn vinh, thịnh vượng”, ông Bảo nhấn mạnh.

Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam đề nghị các nhà xuất bản, doanh nghiệp phát hành làm nhiều sách hay, xây dựng các không gian sách hiện đại, chuyên nghiệp trên thực địa cũng như trên không gian mạng. Đồng thời, Hội Xuất bản Việt Nam kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp chung tay, đầu tư cùng ngành xuất bản, thư viện đẩy mạnh phát triển văn hóa đọc. Các trường học, gia đình, cấp, ngành, cơ quan chức năng và tổ chức tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để khơi dậy và phát triển mạnh mẽ phong trào đọc sách trong mọi tầng lớp nhân dân, hình thành thói quen đọc sách của từng cá nhân.

Dịp này, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam chia sẻ: Tôi không nghĩ văn hóa đọc của chúng ta có vấn đề, mà vấn đề là làm sao để ngày càng có nhiều người đọc sách hơn. Hội Xuất bản Việt Nam phát động phong trào đọc sách trong cộng đồng có ý nghĩa lớn, để không chỉ 21/4 mà mọi ngày đều là ngày đọc sách.

Cách nào thúc đẩy văn hóa đọc thời 4.0?

Văn hóa đọc đang mai một dần, mà nói như nhà văn Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, chúng ta đã đánh mất văn hóa đọc trong một vài thế hệ. Đến khi chúng ta nhận ra điều ấy thì cũng là lúc công nghệ truyền thông của thời đại mới ùa vào và mang theo sự đe dọa với văn hóa đọc. Trước kia chạm vào cuốn sách là tràn ngập cảm hứng. Còn bây giờ cầm một cuốn sách lên cảm hứng đó còn lại rất ít, thậm chí vô cảm.

Nhà văn Phong Điệp cũng cho rằng, một lý do khiến nhiều bạn trẻ chưa mặn mà với việc đọc sách đó là do thị trường chưa có nhiều sách đủ hay, đủ hấp dẫn họ. Nhiều cuốn sách được xuất bản có nội dung chưa thực sự là sách. Bên cạnh đó chương trình học trong nhà trường còn nặng, chiếm quá nhiều thời gian, tâm sức của các em. Một nguyên nhân quan trọng nữa đó là từ nếp sống gia đình.

Và lý do chính còn là công nghệ thông tin, giải trí phát triển, văn hoá nghe - nhìn đã lấn át văn hóa đọc, khiến nhiều người hiện nay xa dần với thói quen đọc sách.

Theo một khảo sát gần đây, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc. Thời gian dành cho việc đọc sách của người Việt cũng thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới (trung bình đọc chưa tới 1 giờ/tuần). Bên cạnh đó, theo số liệu khảo sát của Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường, khi được hỏi dùng thời gian rảnh để làm việc gì thì chỉ có 15% bạn trẻ đưa ra đáp án là dành để đọc sách. Vậy cần phải làm gì để giới trẻ hứng thú với đọc sách là vấn đề đặt ra.

Với góc nhìn của người đứng đầu Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đề nghị: Để tạo ra văn hóa đọc trong thời đại hiện nay, một trong những biện pháp đó là yêu cầu đọc sách với học sinh các cấp phải coi như một chiến lược và có chế tài đối với nhà trường. Chúng ta phải bắt đầu từ những đứa trẻ. Nếu không có quan niệm đúng của thế hệ người lớn về sách và văn hóa đọc, chúng ta không thể có một chiến lược đúng đắn về vấn đề hệ trọng này.

Tại tọa đàm “Sách nói với phát triển văn hóa đọc cộng đồng” mới đây, ông Trần Đại Chính - Chủ tịch Hội liên hiệp Thư viện miền Đông Nam Bộ nhìn nhận: Thói quen đọc, văn hóa đọc đã hình thành ở bộ phận sách giấy truyền thống. Ngày nay, chúng ta bắt gặp hình ảnh cụ già sử dụng smartphone để đọc tin tức. Chính hình ảnh này đặt ra yêu cầu đổi mới cho ngành in ấn - xuất bản, thư viện, rộng hơn là lĩnh vực thông tin.

Đề cao việc đọc sách là đúng đắn, nhưng trong thời đại công nghệ, cần tạo ra những sản phẩm trong hệ sinh thái công nghệ. Cụ thể, trong ngành xuất bản, sẽ có thêm nhiều xuất bản phẩm như sách điện tử, sách nói, sách tương tác... Sách số có phong phú thì mới đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc thế hệ mới, giúp ngành xuất bản có vai trò và chỗ đứng hơn trong nền kinh tế tri thức. “Nghĩ rộng hơn, đây là nền kinh tế tuần hoàn và chia sẻ thông qua công nghệ. Chúng ta cần làm tốt hiện tại và làm mới thói quen người đọc với sự kết hợp của công nghệ”, ông Chính nói.

Chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết

Những ngày vừa qua, nhiều ý kiến cũng đã nhấn mạnh vấn đề chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết, là "mệnh lệnh" cho sự phát triển của hoạt động xuất bản. Chuyển đổi số sẽ đa dạng hóa hình thức xuất bản phẩm, hiện nay có sách số nhưng chưa nhiều. Chuyển đổi cũng tạo ra sự đa dạng hóa mô thức xuất bản (tự xuất bản, phát hành, tương tác với người đọc, có nhà xuất bản số…). Thị trường xuất bản mở, không biên giới hoặc mờ biên giới (xuất bản số trên nền tảng xuyên quốc gia).

Để xuất bản chuyển đổi số, cần thay đổi nhận thức; có hành lang pháp lý thuận lợi; trang bị máy móc, nền tảng; chuẩn bị nhân lực cho chuyển đổi. Bà Nguyễn Minh Huệ - Giám đốc NXB Công Thương cho biết: Trong quá trình chuyển đổi số, đào tạo con người trong xuất bản, vận hành quy trình xuất bản là vấn đề mà các nhà xuất bản cần hướng tới. “Nhận diện các thách thức của chuyển đổi số rất quan trọng, mỗi nhà xuất bản cần xây dựng quy trình, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm để phục vụ đối tượng mà mình hướng tới”, bà Huệ nhận định.

Từ làm sách số đến chuyển đổi số là một hành trình. Đại diện các NXB, công ty đang làm sách điện tử đều có cái nhìn tích cực về xuất bản số. Ông Nguyễn Anh Tú - Giám đốc NXB Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, đơn vị ông đã làm sách số từ hơn 10 năm trước. Năm 2009, đơn vị ông đã làm giáo trình điện tử đưa lên app. Lúc đó chưa có luật về xuất bản sách điện tử, nhưng chúng tôi cứ làm, với mong muốn số hóa để đưa sản phẩm của chúng tôi cho bạn đọc dễ tiếp cận hơn. Sau này, dự án sách điện tử không thành công. Theo ông Tú, một số dự án sách điện tử đình đám một thời thất bại. Nhưng đến nay, vẫn có đơn vị làm sách số thành công hoặc đang khởi nghiệp với những tín hiệu tích cực.

Là đơn vị đầu tiên thành công trong hoạt động xuất bản số, ông Đinh Quang Hoàng- Giám đốc Waka chia sẻ: Mỗi đơn vị xuất bản khác nhau sẽ có mục tiêu chuyển đổi số khác nhau. Kho dữ liệu về sách, tác giả, khách hàng cũng cần phải số hóa đồng bộ.

“Ngoài ra, nhu cầu đọc nói chung và đọc sách nói riêng luôn luôn tồn tại và có xu hướng ngày càng phát triển hơn với sự giúp sức của công nghệ, chỉ thay đổi về phương thức tiếp cận, cách thức tương tác với người dùng, do đó, các nền tảng xuất bản điện tử là những yếu tố không thể thiếu trong một ngành xuất bản phát triển và năng động. Ngành Xuất bản ở Việt Nam chắc chắn sẽ không đứng ngoài xu thế này”, ông Đinh Quang Hoàng nhận định.

Ông Nguyễn Nguyên - Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông): Chuyển đổi số kích thích văn hóa đọc

Ông Nguyễn Nguyên.

Có đến 70% người dân hiện nay sử dụng internet, văn hóa đọc chưa cao nhưng năng lực xuất bản ở Việt Nam không yếu. Chuyển đổi số sẽ giúp thu hẹp khoảng cách này và kích thích văn hóa đọc.

Những năm gần đây, nhiều hoạt động, nhiều chương trình được tổ chức nhằm thúc đẩy văn hóa đọc. Văn hóa đọc trong thời đại số là vấn đề mới.

Vấn đề quan trọng của phát triển văn hóa đọc trong thời đại số là thay đổi nhận thức, bắt đầu từ các bạn trẻ đam mê và yêu sách. Bên cạnh đó, thói quen đọc sách phải bắt nguồn từ gia đình và nhà trường. Phải cho các bạn nhỏ có không gian đọc sách, thời gian đọc sách để rồi hình thành thói quen đọc sách, từ đó mới có tình yêu đối với sách.

Chuyển đổi số đang là câu chuyện thời đại, trong điều kiện bùng nổ của thiết bị thông minh như hiện nay, việc sử dụng ebook, audio book… sẽ ngày càng phổ biến. Chuyển đổi số trở thành điều kiện bắt buộc trong ngành xuất bản. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chuyển đổi số đã trở thành “cú hích”, là cơ hội lớn mở ra giai đoạn mới cho hoạt động xuất bản.

Ông Nguyễn Cảnh Bình - Giám đốc Công ty CP sách Alpha: Phát huy hết hiệu quả vai trò của thư viện trường học

Ông Nguyễn Cảnh Bình.

Theo quy định của Luật Giáo dục thì mỗi trường học có một thư viện, nhưng hoạt động thì chưa hẳn trường nào cũng hiệu quả. Bởi vậy, cần phát huy hết hiệu quả vai trò của thư viện trường học.

Có người đã kêu gọi xây dựng nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng trong khu dân cư phải trở thành một thư viện. Nhưng theo tôi, nếu chúng ta có những biện pháp chính sách cụ thể hơn kể cả về tiền bạc hoặc quy định thì nó sẽ mạnh mẽ và có hiệu quả hơn nhiều so với quy định chung là kêu gọi về văn hóa đọc. Tôi cho rằng tất cả mọi người, hay các doanh nghiệp ở Việt Nam đều tôn trọng văn hóa đọc, nhưng nếu không dành thời gian và tiền bạc cho việc đó thì sẽ không biến thành hiện thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Văn hóa đọc trước cơn sóng cả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO