Văn hóa giao thông: Từ đường phố đến học đường

Lê Anh 19/11/2015 08:33

Nếu nhìn vào đường phố Sài Gòn lúc kẹt xe, hình ảnh quen thuộc đập vào mắt là không ít người lớn lẫn học sinh đều vô tư luồn lách xe máy trên các vỉa hè để “thoát hiểm”. Điều gì đang khiến văn hóa của người tham gia giao thông trở nên đáng trách như vậy ngay tại thành phố đông dân nhất nước?

Văn hóa giao thông: Từ đường phố đến học đường

Các phương tiện tràn lên cả vỉa hè là hình ảnh quen thuộc
tại nhiều tuyến đường tại TP HCM.

Sống ở Sài Gòn nhiều năm nay, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên BCH Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật TP HCM nhận thấy trong văn hóa giao thông ở đô thị này không phải bắt nguồn từ việc người đi đường vi phạm luật do không am hiểu luật giao thông mà rất nhiều người hiểu luật vẫn vi phạm.

“Nhiều khi họ biết là sai luật đấy nhưng trước các áp lực về cơm áo gạo tiền hàng ngày thì vấn đề leo vỉa hè hay vượt đèn đỏ cũng chỉ là chuyện dễ dàng tặc lưỡi cho qua”, ông Ninh nói.

Chính vì vậy, theo chuyên gia này thì dường như lợi ích cá nhân hay “cái tôi” đang được nhiều người coi là trên hết và vì vậy tình trạng vi phạm luật giao thông vẫn diễn biến phức tạp dù thành phố bỏ nhiều tiền của cho các chiến dịch tuyên truyền, cũng như đưa Luật Giao thông vào giảng dạy từ cấp đầu phổ thông. Tuy nhiên, một hiểm họa mà không phải ai cũng ý thức được, đó chính là từ việc đặt lợi ích cá nhân lên trên hết chứ không phải là mạng sống của chính mình.

PGS.TS Nguyễn Lê Ninh nhớ có dịp tham dự một hội thảo nhằm hưởng ứng tháng an toàn giao thông thì GS Vũ Khiêu lúc đó có nhắc đến việc cần thiết phải đặt vấn đề giao thông trên cơ sở văn hóa, vì “giao thông ngày nay chẳng còn bao nhiêu tính chất văn hóa”. Vào thời điểm đó thì ông Ninh rất đồng tình với GS Vũ Khiêu ở quan điểm rằng việc ứng xử có tình, có lý từ lâu đã thể hiện rõ rệt trong văn hóa giao thông của ông cha. Nhưng, chưa bao giờ có tình trạng xảy ra như mấy thập niên gần đây khi xe cộ tranh nhau từng bước, phóng nhanh vượt ẩu thường xuyên gây ra những tai nạn đau lòng. Lên xe khách thì tranh chỗ của nhau, rất ít khi thấy nhường chỗ cho các cụ già, trẻ em, người tàn tật, phụ nữ có thai. Ngoài ra còn xuất hiện những cuộc đua xe bất chấp cảnh sát giao thông và tính mạng người đi đường,…

Nhiều chuyên gia văn hóa cũng cảnh báo “cái tôi” trong xã hội đang phát triển và thể hiện ra là sự yếu kém về văn hóa trong giao thông mà thực sự cần có giải pháp từ nhiều chiều để tạo sự chuyển biến trong xã hội. Mới đây, khi nói về các hành vi vi phạm luật giao thông phổ biến tại TP HCM, bà Trần Thị Hồng Nhung, Đội phó Đội Tuyên truyền – Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) cung cấp một danh sách dài các hành vi thiếu ý thức “muôn hình vạn trạng”. Hệ quả là chỉ trong vòng 2 tuần tổ chức ra quân đơn vị này đã lập biên bản đến hơn 4.700 các trường hợp vi phạm luật giao thông.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc xử phạt hành chính hiện nay đối với các trường hợp vi phạm luật giao thông chưa đem lại hiệu quả răn đe cao. Các ý kiến đề nghị cần có sự can thiệp của cả gia đình và nhà trường đối với lớp trẻ ngay từ đầu.

“Làm cha mẹ hãy cứu lấy con cái mình, đừng để chúng tự sát bằng “cái tôi” ích kỷ khi ra đường”, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh cảnh báo, đồng thời cho rằng trong thời gian tới việc xây dựng văn hóa giao thông phải được coi như một thước đó về danh dự nhân phẩm của người Việt để tạo thành nề nếp chung cho xã hội.

Vấn đề trên cũng nhiều lần được GS Hoàng Chương, nguyên Chủ nhiệm dự án Văn hóa giao thông nhấn mạnh, trong đó vai trò của gia đình, trường học ngay từ khi trẻ còn nhỏ là rất cần thiết. Bên cạnh đó thì vai trò của chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội cũng rất quan trọng để xác định nhiệm vụ xây dựng văn hóa giao thông với xây dựng nếp sống văn minh đô thị như là cái đích cuối cùng của một đô thị văn minh và xây dựng một xã hội công dân với ý thức trách nhiệm cao với cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Văn hóa giao thông: Từ đường phố đến học đường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO