Văn hóa trong thương hiệu du lịch

Ngọc Mai 23/03/2023 07:43

Mới đây, Sở văn hóa-Thông tin tỉnh Khánh Hòa đã xử phạt hành chính 20 triệu đồng đối với 2 khách sạn tại thành phố Nha Trang có hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp thông tin, quảng cáo sai sự thật. Cụ thể là 2 khách sạn này đã tự “thăng hạng” cho mình lên 4 sao.

Đồi cát đỏ Mũi Né (Bình Thuận).

Từ câu chuyện này lại nghĩ đến yếu tố văn hóa trong du lịch, khi văn hóa vẫn được coi là sức mạnh mềm trong kinh doanh nói chung và du lịch nói riêng, chứ không “bật dậy” chỉ qua những lời quảng cáo.

Việt Nam là điểm đến của du khách quốc tế với nhiều hoạt động du lịch, như du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch mạo hiểm, du lịch khám phá... cũng là nhờ vào cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp và con người thân thiện, một đất nước với những bản sắc văn hóa độc đáo. Vì thế, dù là nhiều loại hình du lịch đi nữa thì nền tảng vẫn do yếu tố văn hóa quyết định.

Ngày 25/3 này, Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2023 sẽ diễn ra ở Bình Thuận, một địa phương có bờ biển với những cồn cát đẹp bậc nhất đất nước, có bề dày lịch sử và văn hóa đa màu sắc. Ban tổ chức cho biết, khi tổ chức Năm Du lịch, Bình Thuận muốn du khách ấn tượng khi đến đây không chỉ được đắm mình trong làn nước biển trong xanh, thưởng thức đặc sản biển mà còn được tìm hiểu cuộc sống ngư dân và diêm dân, được lạc bước trong những cánh đồng thanh long, hít thở không khí mát lành dưới những dàn nho và ghé thăm những lò gốm thủ công hàng bao đời nay vẫn đỏ lửa.

Cũng trong dịp này, tối 24/3, tại Quảng Ngãi sẽ diễn ra Lễ công bố và đón nhận Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh. Di sản Văn hóa Sa Huỳnh được coi là kho báu vô giá. Nói như lãnh đạo địa phương thì Di tích này sẽ tạo nên sức hút du lịch riêng của tỉnh Quảng Ngãi, mở ra nhiều cơ hội để kết nối tạo thành điểm đến hấp dẫn, đặc biệt.

Theo TS Đoàn Ngọc Khôi - Phó Giám đốc Bảo tàng tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, văn hóa Sa Huỳnh được nhà khảo cổ học người Pháp M.Vinet phát hiện năm 1909 tại Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1936, một nhà khảo cổ học người Pháp khác, ông M.Colani, đã lấy địa danh Sa Huỳnh đặt tên cho nền văn hóa khảo cổ này là “Văn hóa Sa Huỳnh”. Di tích khảo cổ học này phân bố chủ yếu ở phường Phổ Thạnh và xã Phổ Khánh, thị xã Đức Phổ.

Lấy văn hóa làm nền tảng để phát triển du lịch, hiện phường Phổ Thạnh đã thành lập 2 hợp tác xã du lịch cộng đồng là Gò Cỏ và Gò Ma Vương. Người dân đã xây dựng các homestay, dịch vụ ăn uống, tham quan và trải nghiệm các hoạt động đan lưới, hát hố, bài chòi… Đồng thời có những chiếc thuyền đưa du khách ngắm cảnh đầm An Khê.

Có thể thấy, Di sản muốn bảo tồn và phát triển phải gắn liền với cộng đồng, không tách rời khỏi cộng đồng và cộng đồng hưởng thụ từ di sản. Đặc biệt, chính quyền địa phương khi phát triển du lịch phải có cái nhìn thấu đáo, sâu sắc về những gì tiền nhân để lại, phải biết gìn giữ chứ không phải là “bóc lột” di sản.

Nhân chuyện này lại nghĩ tới không ít địa chỉ du lịch đã và đang dần bị phôi phai cũng chỉ vì thương mại hóa. Di tích bị làm mới đến độ biến dạng, mất hết hồn cốt. Lễ hội thì bị sân khấu hóa. Cơ sở lưu trú, nhà hàng thì tranh thủ “chặt chém”.

Cần nhớ rằng du lịch là ngành kinh tế quan trọng để phát triển đất nước, đưa hình ảnh quốc gia đến với thế giới. Du lịch của một đất nước, nếu bắt đầu từ phát huy di sản văn hóa và được nuôi dưỡng bằng văn hóa thì sẽ tạo ra giá trị khác biệt. Mà đó mới là điều cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Văn hóa trong thương hiệu du lịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO