Văn hóa từ chức, vì sao khó?

Việt Thắng 06/12/2016 05:39

Rất khảng khái và rất cương quyết - thể hiện đúng tinh thần Chính phủ kiến tạo, liêm chính, nói đi đôi với làm. Đúng sau 5 ngày kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV kết thúc, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề: “Có văn hóa từ chức không? Có Nghị định về vấn đề này hay không? Ai làm việc đó?”. Và rồi người đứng đầu Chính phủ phân công ngay: Bộ Nội vụ phải làm việc đó, trình Chính phủ”.

Văn hóa từ chức, vì sao khó?

Tranh minh họa.

Vấn đề văn hóa từ chức ở các nước khác không phải là hiếm. Chính tại thời điểm này, Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye tuyên bố sẵn sàng từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ và sẽ để Quốc hội nước này quyết định số phận khi để xảy ra những bê bối liên quan đến bà trong thời gian qua.

Có thể nói, đây là một hành động dũng cảm đối với vị Tổng thống đương nhiệm xứ “kim chi”, mà thật ra là hành động sau khi lòng tin của người dân dành cho lãnh đạo đã giảm.

Trở lại vấn đề mà Thủ tướng Chính phủ đặt ra. Nghe có vẻ mới nhưng thực ra không mới và đã có tiền lệ. Thời nhà Trần, chính thầy giáo Chu Văn An sau khi dâng “Thất trảm sớ” lên Vua Trần Dụ Tông xin chém 7 người mà ông cho là nịnh thần làm rúng động triều đình nhưng Vua không chuẩn tấu nên ông đã lập tức xin “cáo lão về quê”, không đứng đầu Quốc Tử Giám. Sự liêm chính, chính trực của ông đã để lại cho hậu thế nhiều bài học đáng trân trọng về việc “làm quan” mà không màng danh lợi.

Cách đây đúng 12 năm, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Huy Ngọ là “tư lệnh ngành” đầu tiên đứng ra xin từ chức khi vụ án Lã Thị Kim Oanh gây chấn động xã hội ở thời điểm đó do “Tham ô”, “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng” gây thiệt hại tổng số tiền trên 70 tỷ đồng.

Hành động trên lúc bấy giờ của Bộ trưởng Ngọ được coi là một tấm gương sáng cho các vị chức sắc khác để tự nhìn nhận về trách nhiệm của mình trước Đảng, trước dân.

12 năm đã trôi qua, 2,5 nhiệm kỳ nhưng vì sao chuyện từ chức dễ dàng ở các nước, nhưng ở ta lại được coi là chuyện “xưa nay hiếm”? Đó cũng là bởi làm quan ở xứ ta lương tuy không nhiều những lắm bỏng lộc. Một người làm quan cả họ được nhờ. Hay nói cách khác người ta tận hưởng bổng lộc từ “cái ghế” đem lại chứ không phải là công bộc của dân, là những người được dân giao cho nhiệm vụ mà làm việc, mà một Nhà nước pháp quyền luôn đề cao hướng tới “vì dân phục vụ”.

Trong con đường quan lộ, phấn đấu để được làm quan đã khó, khi làm quan còn khó hơn nhiều và lúc từ quan còn khó gấp bội. Khó có thể “rời ghế” trước những cám dỗ mang lại: Tiền-tài-địa vị. Khó có thể chấp nhận những quyết định bổ nhiệm “trong chớp mắt” bởi những tư duy nhiệm kỳ mà dư luận đang đặt nhiều dấu hỏi với nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, và người kế nhiệm là Huỳnh Phong Tranh. Hay đối với nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, đối với Trịnh Xuân Thanh. Và hậu quả đến giờ, Bộ Công thương phải khắc phục khi xóa đi 8 đầu mối công việc.

Khi đề cập đến văn hóa từ chức, ĐBQH Lê Thanh Vân (Cà Mau) đã trải lòng thế này: Văn hóa từ chức không phải là một hiện tượng pháp lý mà đây là một hiện tượng xã hội.

Đã là hiện tượng xã hội thì phải do xã hội điều chỉnh. Văn hóa từ chức chưa diễn ra ở nước ta là vì mấy lẽ: Thứ nhất, đó là do lòng tự trọng của con người, do sự liêm sỉ ở trong mỗi cá nhân. Thứ hai, đó là do bản tính tham quyền cố vị. Họ không có lòng tự trọng, không có liêm sỉ cá nhân, vì sự tham quyền, tham lợi nên không buông bỏ được, dù không xứng đáng. Nhưng ông kết lại: Quan trọng nhất của vấn đề là giáo dục lòng tự trọng của con người.

Văn hóa từ chức diễn ra ở các nước phương Tây là bởi vì văn minh nghị viện, văn minh xã hội tiếp cận sớm hơn chúng ta. Họ sống trong áp lực xã hội với lòng tự trọng và sự liêm sỉ. Con người họ được đề cao trước hết là ở lòng tự trọng chứ không phải là chức tước, từ chức thể hiện sự tự trọng của con người.

Dẫu biết rằng, vấn đề văn hoá từ chức không phải mới, nhưng nguyên nhân nào khiến cho văn hoá này không đi vào đời sống trong khi tất cả định hướng của Đảng, của Chính phủ đều hướng tới xây dựng bộ máy chính quyền có hiệu quả, hiệu lực, có năng lực, có sự liêm chính?

Và vì lẽ đó, nhà sử học Dương Trung Quốc, người đã 2 lần đề cập đến văn hóa từ chức tại nghị trường Quốc hội cho rằng, nguyên nhân chính ở đây là hành lang pháp lý, khi chúng ta tạo ra được điều này thì người ta cũng có thể rút lui, thực hiện văn hóa từ chức trong danh dự, trong sự chia sẻ của xã hội.

Nếu tạo ra được một môi trường xã hội lành mạnh theo nghĩa thẳng thắn phê phán những việc làm sai trái, đồng thời ủng hộ những tấm gương, những người sống liêm chính thì sẽ tạo ra tiền lệ cho văn hóa từ chức.

Vì thế muốn có văn hóa từ chức, phải bắt đầu từ việc xây dựng một nền hành chính dịch vụ mà ở đó, người quản lý làm nhiệm vụ phục vụ người dân chứ không phải là sự quản lý cai trị “hành là chính”.

Đồng nghĩa với việc giáo dục ý thức công dân tức là ý thức làm chủ cho mỗi người dân để họ hiểu rằng họ phải có trách nhiệm đóng thuế để trả công cho những người đang phục vụ họ, coi công việc của mình là nhiệm vụ nên phải có bổn phận và trách nhiệm với công việc, với nhân dân.

Có lẽ, không phải vì lẽ ngẫu nhiên, trong bài viết nhân kỷ niệm này 2/9/2016, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đưa ra vấn đề đáng suy ngẫm: “Ai đó cảm thấy không đảm đương được công việc hãy tự nguyện trao lại mái chèo, hoặc Đảng buộc họ phải ra đi.Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, có tài, có liêm sỉ và có khát vọng cống hiến, đó là những phẩm chất mà nhân dân trông đợi vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước”.

Giờ đây Đảng đã có Nghị quyết Trung ương 4 đề cao vai trò của các lãnh đạo, Thủ tướng nêu cao thông điệp hướng tới xây dựng Chính phủ liêm chính đó là điều kiện rất thích hợp để một lần nữa đề cập đến vấn đề văn hoá từ chức.

Việc “cần làm ngay” vào lúc này chính là ngoài việc nghiêm khắc đấu tranh loại trừ những người có sai phạm, thì cũng nên tạo ra hành lang cho những người giữ được sự liêm chính và người ta cảm nhận được sự cần thiết phải rút lui được từ chức trong danh dự. Đây là điều Bộ Nội vụ ráo riết phải làm, có điều cũng cần tránh việc lợi dụng quy định từ chức để hạ cánh an toàn khi làm sai xong xin từ chức.

Điều rất cần vào lúc này chính là song song với Nghị định về văn hóa từ chức, Bộ Nội vụ cần những quy định bổ sung xử lý đối với những cán bộ đã nghỉ hưu khi chính Bộ này cũng đang phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn thiện thể chế quản lý cán bộ, công chức, viên chức, khắc phục những bất hợp lý trong công tác cán bộ.

Đó là tổng kết và đánh giá, sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, bổ sung quy định về việc xử lý nghiêm đối với cán bộ công chức, viên chức có vi phạm, kể cả khi đã thôi việc, nghỉ hưu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Văn hóa từ chức, vì sao khó?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO