Đào tạo mỹ thuật thời 4.0

Minh Quân (ghi) 27/07/2019 08:00

Ứng dụng công nghệ mới đã và đang tạo ra xu thế mới trong sáng tạo nghệ thuật đương đại và các sản phẩm mỹ thuật ứng dụng trong đời sống. Nhưng PGS.TS Nguyễn Nghĩa Phương - Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, để chuẩn bị cho những thích ứng với xu thế phát triển của các ngành sáng tác mỹ thuật thì cần khẩn trương nhận diện những khía cạnh khác nhau của đào tạo mỹ thuật dưới sự tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Đào tạo mỹ thuật thời 4.0

Đào tạo mỹ thuật đang gặp nhiều thách thức trược sự phát triển của công nghệ.

Tụt hậu với công nghệ

Đến nay, có thể thấy hầu hết các công nghệ đương đại trên thế giới đều ít nhiều liên quan tới cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Tuy nhiên với nền tảng đào tạo mỹ thuật của chúng ta hầu như chưa phản ứng gì với xu thế phát triển chung đó. Không những chương trình đào tạo lạc hậu, bị giới hạn và trở nên cứng nhắc bởi các nguyên tắc và quy trình quản lý ở các cấp, mà hệ thống cơ sở vật chất hiện có và nhận thức về đầu tư cơ sở vật chất đang ở khoảng cách xa so với sự phát triển của mỹ thuật hiện nay và đòi hỏi của thế hệ người học thiên niên kỷ mới - những con người được gọi là “công dân kỹ thuật số”. Các ngành sáng tác mỹ thuật tạo hình như hội họa, đồ họa, điêu khắc vẫn ở tình trạng của nhiều năm về trước, thậm chí là rất xa tiêu chuẩn chung của ngành cũng như của các nước về chương trình, phương pháp và hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ hiện đại. Trong đó, ngành hội họa có thể rất ít cần đến các phương tiện kỹ thuật, công nghệ cao hay kỹ thuật số. Nhưng qua kinh nghiệm của thế giới cho thấy, ngành điêu khắc và đồ họa tạo hình đã và đang được triển khai có nhiều gắn kết với kỹ thuật số, công nghệ đương đại hơn. Do vậy, cần có những nghiên cứu kỹ lưỡng về các mặt liên quan đến đào tạo các ngành này để đưa ra giải pháp căn cơ nhằm đưa chúng gần hơn với thực tế xã hội và nhu cầu phát triển hội nhập của nghệ thuật thị giác nước ta.

Cùng với đó, trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng, các ngành thiết kế ở Việt Nam hầu như chưa có động thái đáng kể trong tiếp cận các công nghệ, quan niệm thiết kế mới và thiếu hẳn sự chia sẻ, liên kết với thế giới. Trong thiết kế sản phẩm và thiết kế thời trang, nội thất, công nghệ 3D chủ yếu được áp dụng ở khâu phác thảo và trình bày. Với thiết kế không gian, chủ yếu là không gian hội trợ triển lãm, một số công nghệ mới được ứng dụng như chiếu sáng kỹ thuật số, video tương tác, thực tế ảo… đã đem lại sự thay đổi về cái nhìn và cách đánh giá thẩm mỹ không gian trưng bày triển lãm thương mại và đưa thể loại thiết kế mỹ thuật này tiếp cận gần hơn với mặt bằng quốc tế.

Ngoài ra, mảng thiết kế đồ họa và phim hoạt hình, mỹ thuật sân khấu, điện ảnh đang thực sự bị chi phối mạnh bởi công nghệ hình ảnh kỹ thuật số, các nền tảng chia sẻ trực tuyến mang tính tương tác phi không gian và thời gian ngày càng trở nên phổ biến khắp thế giới. Thực tế ở nước ta cho thấy các ngành hay chuyên ngành này đang còn nhiều hạn chế, mặc dù ở lĩnh vực mỹ thuật sân khấu điện ảnh đã có những thay đổi tích cực về đầu tư nội dung đào tạo, cơ sở vật chất. Hầu hết các chương trình thiết kế đồ họa vẫn chủ yếu tập trung vào thiết kế in ấn. Phần thiết kế tương tác dựa trên nền tảng kỹ thuật số và truyền thông mới còn quá ít được quan tâm. Một số mảng thiết kế liên quan đến quản trị hành chính công điện tử, ứng dụng trong môi trường mạng còn đang bị bỏ ngỏ ở nước ta, trong khi đó chúng đã trở thành nội dung học tập, nghiên cứu ở nhiều cơ sở đào tạo mỹ thuật trên thế giới và mở ra địa hạt rất rộng cho thực hành và sáng tạo đồ họa với nguồn cầu và lợi nhuận không nhỏ.

Tìm hướng phát triển

Có thể thấy những hạn chế của các ngành, chuyên ngành thuộc nhóm ngành mỹ thuật, nhất là mỹ thuật ứng dụng ở Việt Nam nằm ngay ở quy định về danh mục ngành đào tạo được phép thực hiện do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, quản lý. Danh mục này thực chất đã lạc hậu và không còn phù hợp với sự phát triển của những lĩnh vực thuộc mỹ thuật ứng dụng ngày nay luôn phải linh hoạt và thích ứng với nhu cầu xã hội và sự chuyển biến nhanh của công nghệ.

Đào tạo mỹ thuật đang đối mặt với tình hình mà sự thay đổi các khía cạnh đời sống đang diễn ra rất nhanh. Tuy nhiên, hệ thống đào tạo mỹ thuật ở Việt Nam không thể nào thích ứng được hay phải đáp ứng với tất cả những thay đổi mới đó. Song, có một điều thấy rõ rằng, kiến thức và kỹ năng được cung cấp cho người học bằng các phương pháp, phương tiện thông thường trước kia đã trở nên khá xa với đòi hỏi của xã hội ngày nay. Thế hệ sinh viên thiên niên kỷ mới là thế hệ sinh ra trong hoàn cảnh mà mỗi cá nhân là một người học độc lập. Họ rất linh hoạt và dễ thích ứng...

Nhìn chung, các cơ sở đào tạo mỹ thuật cần nhìn rõ những thay đổi từ Cách mạng Công nghiệp 4.0 như những tín hiệu tích cực, có lợi trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo. Các cơ sở đào tạo mỹ thuật cần cởi mở và thích ứng hơn, có trách nhiệm hơn với những thay đổi do Cách mạng Công nghiệp 4.0 đem lại. Đó không chỉ là thay đổi quan niệm về xây dựng chương trình, đầu tư cơ sở vật chất và phương pháp đào tạo, mà cần cả nâng cao chất lượng đội ngũ quản lý và giảng viên. Tuy nhiên cần nhận thức vai trò của giảng viên không chỉ là cung cấp kiến thức như trước khi mà internet đã có thể giúp sinh viên khai thác tài nguyên học liệu mở, mà là người định hướng, tư vấn và phát triển người học theo hướng xây dựng một cá tính sáng tạo và có trách nhiệm trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đào tạo mỹ thuật thời 4.0

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO