Để văn hóa đọc lan toả

Minh Quân 04/05/2020 08:00

Trong thời đại công nghiệp 4.0, văn hóa đọc đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa tri thức, gắn kết cộng đồng. Tuy nhiên, trong một thị trường xuất bản ngày càng phát triển như Việt Nam thì lựa chọn các sản phẩm sách hay, sách chất lượng lại đang là thách thức cho chính người đọc.

Để văn hóa đọc lan toả

Để nâng tầm văn hóa đọc cần có thêm nhiều sản phẩm sách chất lượng.

Vấn nạn sách lậu, sách “rác”

Theo số liệu thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành, trong năm 2019, các nhà xuất bản (NXB) đã thực hiện xuất bản và nộp lưu chiểu 37.100 xuất bản phẩm với 441 triệu bản (tăng 1,6 % so với năm 2018), tổng doanh thu toàn ngành đạt hơn 2,7 tỷ đồng. Trong đó, chất lượng nội dung xuất bản phẩm có nhiều chuyển biến tích cực. Các loại sách về các lĩnh vực pháp luật, văn hóa, văn học, thiếu niên, nhi đồng, khoa học, công nghệ, kinh tế, giáo dục, tôn giáo, môi trường... ngày càng phong phú và có chất lượng tốt. Đặc biệt, mới đây mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, tuy nhiên thị trường sách online, thị trường sách điện tử đã có “vượt khó” với những bước tăng trưởng đáng ghi nhận.

Bên cạnh những ghi nhận thì ngành xuất bản vẫn đang đối mặt với những khó khăn và đang làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của văn hóa đọc. Hiện nay, có tình trạng sách in lậu, sách “rác” trôi nổi trên thị trường khó kiểm soát. Đơn cử như mới đây, Cục Xuất bản, In và Phát hành đã phải có văn bản gửi tới các Sở TTTT, cũng như các cơ quan chức năng liên quan để phối hợp làm rõ nghi vấn về việc sao in, phát tán qua mạng 2 cuốn sách có tên “Bí kíp kinh doanh online” và “Đệ nhất kiếm tiền” của “Huấn Hoa Hồng”. Điều đáng nói cả 2 cuốn sách trên không trong danh mục sách lưu chiểu cũng như danh mục kế hoạch đăng ký xuất bản được xác nhận. Đặc biệt, đơn vị xuất bản 2 cuốn sách là Nhà xuất bản SG cũng không có trong hệ thống các NXB của Việt Nam.

Trao đổi với báo chí, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết: Đây không phải là sách mà là một tài liệu phát tán trái phép. Trong thời gian tới, Cục sẽ phối hợp với Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử xem xét phương án xử lý những vụ việc lợi dụng Facebook, mạng xã hội để giới thiệu các loại sách, tài liệu vi phạm pháp luật. “Nếu 2 cuốn sách trên của “Huấn Hoa Hồng” được thẩm định có nội dung vi phạm với một số nội dung của Luật hình sự liên quan đến nội dung cấm thì sẽ bị xử lý hình sự”- ông Nguyên nhấn mạnh.

Không chỉ vấn nạn sách “rác” không rõ nguồn gốc, mới đây First News -Trí Việt và Alpha Books cũng đã công bố danh sách 33 fanpage chuyên trưng bày quảng cáo sách thật của 2 đơn vị này cũng như NXB ở Việt Nam nhưng lại bán sách giả. Trong đó, hàng trăm ngàn bản sách bị làm giả, bị in lậu đang được bày bán công khai ở các nhà sách tại Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước. Những cuốn này còn được đưa lên tiêu thụ số lượng lớn trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Sendo...

Ngoài ra, sách giả còn được rao bán, chạy quảng cáo thường xuyên trên các fanpage và các nhóm cộng đồng của Facebook. Thống kê mới nhất, Công ty sách First News có hơn 480 đầu sách bị in lậu, làm giả dưới mọi hình thức và có những đầu sách bị hàng chục nơi in lậu làm giả, cạnh tranh đua nhau giảm giá.

Cần định hướng cụ thể

Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Lê Hoàng cho rằng: Để ngăn chặn sách lậu, sách giả cũng như để phát triển văn hóa đọc cần tạo những không gian sách tin cậy cho độc giả. Trong đó, việc tạo ra các phố sách, đường sách đang là một xu hướng phát triển hiện nay. Nhưng theo ông Lê Hoàng, để phát triển những không gian đọc này cần phải đáp ứng đủ 2 điều kiện. Đó là, xác định đúng mục tiêu khi đi vào xây dựng đường sách. Đường sách không chỉ là nơi bán sách mà còn là không gian đầy sức sống, không gian trí tuệ đầy văn minh bởi nơi đó diễn ra thường xuyên các hoạt động liên quan tới văn hoá đọc. Hoạt động này thu hút đông đảo công chúng từ đó lan toả tình yêu đọc sách. Bên cạnh đó, phố sách cũng phải là nơi lưu hành nhiều sách đáp ứng nhu cầu đa dạng của bạn đọc bởi các NXB, công ty sách có bề dày thương hiệu, uy tín lâu năm với bạn đọc. Tại đây cần thường xuyên diễn ra các hoạt động thu hút bạn đọc; không gian có cây xanh bóng mát, môi trường phải yên tĩnh trong lành, xanh sạch, thân thiện với mọi người.

Cùng với việc làm “sạch” môi trường sách, một vấn đề then chốt khác đó chính là tạo ra thói quen đọc sách. Đơn cử, một thực trạng đáng báo động hiện nay, đó là trẻ nhỏ ngày càng có xu hướng sống phụ thuộc vào các thiết bị điện tử như tivi, máy tính, smartphone, iPad... Để tránh được thực trạng trẻ quá phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ, theo nhiều chuyên gia cho rằng mỗi người lớn chúng ta cần chung tay để tìm ra những biện pháp nhằm giúp trẻ. Cùng với việc cho trẻ tham gia các hoạt động xã hội, thì đọc sách chính là một cách đem lại nhiều hiệu quả nhất. Bởi thực tế khi đọc sách trẻ có thể học được kiến thức, được giải trí và khơi gợi khả năng sáng tạo tiềm ẩn của trẻ.

Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: Tôi đã từng đến Nhật, Mỹ, Pháp... và thấy rằng, hầu như trong tay, trong túi xách của họ đều có một cuốn sách. Muốn đẩy mạnh văn hoá đọc, không phải ông nhà văn viết ra sách là có thể truyền tải được hết, phải cùng chung tay của cả một hệ thống từ Chính phủ cho tới nhà trường, gia đình, cơ quan...

“Nếu bạn sống trong môi trường toàn tiếng Việt Nam, bạn sẽ nói tiếng Việt. Nếu bạn sống trong môi trường nói toàn tiếng Pháp, tất nhiên bạn cũng nói tiếng đó. Nói thế để thấy rằng, một đứa trẻ lớn lên trong một cộng đồng chia sẻ, có ý tưởng khát vọng sống, nó sẽ thế. Tất nhiên có trường hợp hi hữu. Câu hỏi này là một thách thức mà tất cả cộng đồng cùng phải chịu trách nhiệm” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bày tỏ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để văn hóa đọc lan toả

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO