Du xuân qua những miền đất nhớ

Minh Duy-Hoài Dương 19/02/2018 09:00

Mùa Xuân đến, cảnh sắc đất trời như thay áo mới. Từ những đỉnh núi mù sương, cho tới những cánh đồng bát ngát, những làng chài ven biển, những hòn đảo xa xôi hay là mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ..., đâu đâu cũng ngời lên sức sống mới.

Du xuân qua những miền đất nhớ

Lễ hội đua ghe Ngo ở Trà Vinh.

1. Một lần lên Mù Cang Chải (Yên Bái), chúng tôi được anh Hồ A Lừ kể cho nghe về tập tục ăn Tết của người Mông. Anh Lừ nói nét đặc sắc trong Tết của người Mông là sự gắn kết cộng đồng.

Người ta nói rằng, ngắm nghía phía nào của thị trấn Mù Cang Chải cũng đẹp, tựa bức tranh lụa với cơ man mây trắng giăng mắc trên những đỉnh núi.

Trước hiên nhà, trẻ em chơi đùa khi cha mẹ chúng đi làm nương.

Người già thì ngồi khâu vá. Bên hàng rào đá, hoa mận, hoa mơ nở trắng xóa như được phủ lớp tuyết dày. Hoa đào đã lác đác khoe sắc hồng. Bí đỏ nằm như đàn lợn con trên mái rạ những ngôi nhà hai bên đường.

Ở chợ thị trấn, chúng tôi gặp Giàng Seo Mý. Cô mang bán những tấm thổ cẩm do chính tay mình làm ra.

Thấy bộ váy cô mặc rất đẹp, một người hỏi mua. Mý nói: -Giá của nó chỉ 1 triệu đồng thôi, nhưng 2 triệu đồng Mí cũng không bán đâu, để diện lúc xuống chợ với cả đi hội thôi.

Thấy chúng tôi chụp ảnh, Mý cũng lấy điện thoại ra: -Mình cũng biết chụp! Nói rồi cô giơ điện thoại chụp hình chúng tôi. Cô dí dỏm bảo: -Để giữ làm kỷ niệm…

Ghé quán cà phê nhỏ bên suối Nậm Kim, giữa thị trấn Mù Cang Chải, giờ thì dòng nước đã trở lại hiền hòa, nhưng từng tảng đá lớn vẫn ngổn ngang giữa dòng như nhắc nhớ trận lũ dữ đi qua từ đầu tháng 8 năm ngoái.

Nhớ lại trận lũ dữ, người già ở Mù Cang Chải vẫn chưa hết bàng hoàng, 40 năm rồi mới có lũ lớn như vậy. Lũ ào về cuốn trôi gần 40 ngôi nhà, hàng chục người chết, mất tích và thị trấn bỗng lâm vào cảnh hoang tàn chỉ sau vài giờ đồng hồ.

Chị Giàng Thị Ái- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Kim Nọi có trong danh sách hộ gia đình mất sạch nhà cửa do lũ dữ cuốn trôi. Nhưng như chị nói thì dẫu vậy, con người nơi đây không khuất phục.

Chiếm 90% dân số toàn huyện, người Mông ở Mù Cang Chải dựng nhà trên các sườn đồi núi cao, đoàn kết thành cộng đồng thôn bản.

Trở lại với Hồ A Lừ và câu chuyện Tết của người Mông, Lừ cho biết, trước đây do cách tính khác nhau nên Tết của người Mông diễn ra trước Tết Nguyên đán 1 tháng.

Nay thì đã “ăn Tết chung” rồi. Dẫu thế thì trước Tết Nguyên đán 1 tháng, các làng bản người Mông đã nhộn nhịp không khí mừng năm mới. “Bà con ăn uống, ca hát từ nhà này sang nhà khác, vui lắm”- anh Lừ nói.

Du xuân qua những miền đất nhớ - 1

Thác Trinh Nữ.

2. Ở Tây Nguyên, Đăk Nông là một điểm đến được ban tặng rất nhiều ngọn thác.

Tôi đã đến cụm thác Dray Nur, Dray Sáp và thác Trinh Nữ là sự kết hợp giữa 2 dòng sông, sông Krông Ana (sông cái) và sông Krông Nô (sông đực) hòa trộn quấn quýt bên nhau tạo thành dòng sông Serepôk huyền thoại.

Khi đổ xuống vách đá, dòng sông này tạo nên 3 thác nước lớn.

Ở đây, tôi đã được nghe nhiều huyền thoại, trong đó có những câu chuyện hư hư thực thực gắn với cụm thác. Chuyện nào cũng gắn với tình yêu đôi lứa, tấm lòng thơm thảo của cháu con.

Trong những ngọn thác ở đây, thác Trinh Nữ không thật hùng vĩ, thay vào đó là những ghềnh nước được tạo thành từ vô số tảng đá lớn nhỏ, xếp ngang dọc muôn hình muôn vẻ dưới lòng sông Krông Nô - một nhánh của “dòng sông chảy ngược” Sêrêpốk.

Vào mùa khô, dòng nước trong vắt uốn lượn qua những khe đá, chảy nhẹ nhàng như lời thì thầm của những nàng thiếu nữ. Mùa mưa, dòng nước lướt qua ghềnh đá, tạo ra những âm thanh trầm bổng, có lúc lại nghe như tiếng nỉ non.

Bên thác Trinh Nữ, có vô số tảng đá bazan cả triệu năm tuổi, có hình lăng trụ lớn nhỏ xếp tầng.

Tại những vết nứt, những cây dương xỉ chen nhau mọc giữa lớp rêu xanh ẩm ướt.

Khác với những ngọn thác khác, thác Liêng Nung nằm giữa núi rừng, nguồn cung cấp nước chủ yếu cho nó là hồ Đắk Nia bắt nguồn từ sông Đắk Tit, nhánh của sông Đồng Nai đổ đến.

Quanh thác là các buôn làng của đồng bào dân tộc M’nông và Mạ. Người ta nói rằng, thác bắt nguồn từ những khu rừng thiêng nên nước trong vắt, uống vào thì khỏe mạnh, chống lại được bệnh tật.

Theo tiếng địa phương Liêng là thác, còn Nung là nơi nghỉ ngơi. Bởi vì, nhờ uống nước, tắm, nghỉ ngơi ở đây nên người dân đều khỏe mạnh, yêu đời.

Xuyên qua những cánh rừng trên đoạn đường dài tới gần 20km, chúng tôi đến với thác Len Gun, còn gọi là thác 7 tầng.

Thác ẩn mình trong khu bảo tồn thiên nhiên Nam Nung, trải dài trên một bãi đá giữa rừng, nhìn từ cao xuống có cảm giác đang lạc vào một khung cảnh ở khu rừng châu Âu.

Thác Len Gun dàn thành 7 tầng trên chiều dài 1 cây số và chêch lệch độ cao từ đỉnh thác cả đến chân thác cuối cùng khoảng 350 mét.

Tới nay, dù dân phượt đến nhiều nhưng thác này vẫn giữ nguyên vẹn vẻ đẹp hoang sơ giữa đại ngàn Tây Nguyên.

3. May mắn được đến khá nhiều nơi trên đất nước mến yêu, nhưng với Trà Vinh, không hiểu sao tôi lại có ấn tượng khá đặc biệt.

Thành phố miền Tây Nam Bộ mang lại cảm giác hiền hòa từ những hàng cây sao, me, dầu....xanh miên man dọc các tuyến phố yên tĩnh trong nội ô. Chúng được đánh số thứ tự một cách rõ ràng trên thân cây.

Không ồn ã, xô bồ, Trà Vinh vẫn giữ được những nét riêng có.

Hầu hết các tuyến đường trong nội ô đều mướt một màu xanh của cây cối. Tôi rất nhớ những cây sao cổ thụ với đường kính lớn 2- 3 người ôm không xuể.

Những ngôi chùa ẩn hiện trong khuôn viên có nhiều cây xanh nên càng thêm phần cổ kính, bí ẩn. Từ sự đa dạng về văn hóa, Trà Vinh có rất nhiều lễ hội. Nổi bật nhất là lễ hội Ok Om-bok gắn với đua ghe Ngo của đồng bào Khmer, đã trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đặc biệt, Trà Vinh có 142 trên tổng số 600 ngôi chùa Khmer tại đồng bằng sông Cửu Long. Đối với người Khmer ở Trà Vinh, nhà cửa có thể đơn sơ nhưng chùa phải được xây dựng kiên cố, to đẹp.

Trong tổng số 142 ngôi chùa, chùa Hang giữ vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân, là nơi bảo tồn các giá trị văn hóa, nghệ thuật của cộng đồng người Khmer.

Tới Trà Vinh, chúng tôi còn được thưởng thức nhiều món ăn hết sức thú vị. Đó quả thực là một nền văn hóa ẩm thực. Nào là hủ tiếu mì, hoành thánh, bánh bao, xíu mại... R

ồi là bún bò, bún suông, cháo lòng, cháo gà, bánh cống, chả giò...

Đặc biệt là nem nướng, ai đã ăn một lần thì không bao giờ quên cái hương vị khác lạ của nó. Chúng tôi tìm đến quán ăn nổi tiếng với thương hiệu “bánh canh

Bến Có”, bởi tiếng thơm của nó đã lan khắp đồng bằng sông Cửu Long. Người từ Thành phố Hồ Chí Minh ai cũng muốn một lần được ăn bánh canh Bến Có.

Nhưng, dư vị đọng lại lâu nhất trong tôi lại là món bún nước lèo của người Khmer Trà Vinh. Nó chế biến đơn giản nhưng hình như ẩn phía sau là cả một nghệ thuật ẩm thực được truyền từ đời này sang đời khác.

Dễ nhận thấy, người Trà Vinh có nhiều tập quán, tiếng nói, chữ viết và món ăn khác nhau.

Nhưng bên cạnh những nét đặc thù của từng dân tộc, lại có những điểm chung, những đặc trưng văn hóa chung được hình thành do có sự cộng cư lâu đời của cộng đồng các dân tộc, nên sự hòa quyện về văn hóa từ nhiều thế kỷ qua đã tạo nên một vùng đất Trà Vinh lung linh trong nỗi nhớ...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Du xuân qua những miền đất nhớ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO