Họa sĩ Phạm Bình Chương: Vẽ hiện thực mới ra được ‘mùi’ Hà Nội

Việt Quỳnh (thực hiện) 01/12/2019 07:54

Triển lãm “Xuống phố 3” của họa sĩ Phạm Bình Chương tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hà Nội, từ ngày 25/11 đến 1/12/2019 thay lời tri ân của anh đối với Hà Nội và tiếp tục mở ra những sáng tạo, cảm xúc mới trong niềm gợi nhớ về không gian phố xưa cũ.

Họa sĩ Phạm Bình Chương: Vẽ hiện thực mới ra được ‘mùi’ Hà Nội

Họa sĩ Phạm Bình Chương.

Bức tranh đầu tiên anh vẽ về Hà Nội?

-Bức “Phố Hàng Đường”, vẽ năm 1999.

Hà Nội lại trở thành đề tài xuyên suốt của anh trong nhiều năm qua. Nguyên do nào anh chọn cách biểu đạt theo lối hiện thực?

-Tôi tìm được sự hứng thú và cảm xúc từ những thứ gần gũi quanh mình, vì tôi sinh ra ở phố Hàng Gà, sinh trưởng trong một gia đình sư phạm, có bố là giáo sư mỹ thuật. Sau tốt nghiệp đại học, tôi đã thể nghiệm nhiều phong cách như biểu hiện, trừu tượng, dân gian… Thậm chí tôi đã bày vài cuộc về trừu tượng và có giải thưởng của Hội Mỹ thuật năm 1997 với phong cách biểu hiện. Nhưng khi phải lòng phố Hà Nội, tôi thấy vẽ hiện thực là một lợi thế trong việc diễn đạt chất cảm, cảm xúc. Hình như phải vẽ đúng như thế nói mới ra được cái “mùi Hà Nội”. Hơn nữa, vẽ hiện thực đối với tôi không quá khó vì tôi vẽ hình họa và sơn dầu từ hồi học cấp 2.

Triển lãm “Xuống phố 3” lần này trưng bày 17 bức sơn dầu về đề tài phố. Vì sao Hà Nội luôn để lại trong anh nhiều cảm hứng đến thế?

-Không biết nữa, tôi chỉ biết phải chọn Hà Nội, chọn ở phố cổ để hít thở nó và để sống. Lấy vợ xong, ít ai lại đi mua một ngôi nhà cũ 100 tuổi ở trung tâm phố cổ để ở như tôi. Có hàng trăm thứ bất tiện nhưng có một thứ bảo vệ chân lý của mình: “Tôi thích thế”. Vậy tôi vẽ Hà Nội là sống trong nó vẽ ra chứ không phải kiểu đi vẽ thực tế.

Vẫn là những góc phố cũ, cây cầu cũ, chiếc xe cũ, cửa hàng sách cũ, con người nhẹ nhàng mang phong thái cũng xưa cũ, ánh nắng cũng chẳng đổi màu và mặt nước vẫn lênh loáng như thế… một Hà Nội xưa vẫn đẹp thế trong tranh của anh?

-Tôi xin bổ sung từ “nắng cũ”. Nghe thật buồn cười nhưng đúng là cái nắng Hà Nội nó khác, cả đến cái cây bàng nó cũng khác. Tôi đang nói về một Hà Nội như nó có chứ không hẳn là Hà Nội cũ. Hà Nội trong tranh tôi là một Hà Nội của đời sống. Tôi thậm chí cố tình đưa các chi tiết hiện đại vào như ghế nhựa, mái hiên di động… để thể hiện cuộc sống hiện tại.

Anh chọn những góc phố, mà họa sĩ khác cũng sẽ chọn, nhưng rõ ràng trong tranh anh, luôn có sự ấm áp. Và bố cục trong tranh vừa chặt, lại vừa mở rộng ra phóng khoáng. Còn những điểm nào nữa để tranh của anh luôn làm lay động người thưởng lãm không?

-Chất cảm là một thứ không thể thiếu trong tranh tôi, ví dụ người ta có thể cảm nhận được sự khô, bở bùng bục của bức tường cũ, cái sân ẩm thấp hay vệt nắng hanh hao, cái thứ trong văn học nói được thì họa sĩ cũng phải vẽ được. Nó khác xa cái lối vẽ tỉ mỉ chi tiết, vì chắc gì đã ra được chất. Lối vẽ của tôi là “vẽ đúng” chứ không phải “vẽ kỹ”. Việc người xem sởn gai ốc là điều bình thường vì có lẽ họ cảm được cái khô, cái ướt rất rõ ràng. Tuy nhiên đó vẫn chỉ là những yếu tố dẫn dụ người xem đến với thế giới của tôi, đó chính là cái tình. Tôi nghĩ mình vẽ bằng cả tình yêu thì nó chắc chắn sẽ níu chân được khán giả.

Họa sĩ Phạm Bình Chương: Vẽ hiện thực mới ra được ‘mùi’ Hà Nội - 1

Anh vẽ, như là để lưu giữ những hồn phố còn sót lại, khi mà Hà Nội đang thay đổi từng ngày, đến người Hà Nội xa quê trở về, chỉ một năm thôi cũng đã thấy khó còn nhận ra?

-Tôi không phải là một nhà Hà Nội học hay là nhà nghiên cứu lịch sử. Đó không phải là sứ mạng của người làm nghệ thuật. Tôi chỉ vẽ theo một quan điểm và sở thích cá nhân, đó là “đóng gói cảm xúc” chứ không “lưu trữ di tích”. Tôi thấy cái gì rung động tôi sẽ vẽ, và cũng không nhằm vẽ cái gì đã mất để cố gây ra một sự tiếc nuối. Có lẽ sự quản lý đô thị quá kém của thành phố đã làm cho tôi vô tình trở thành kẻ lưu trữ ký ức, và hãnh diện hơn là “người giữ hồn phố cổ”. Tuy nhiên nó không sai chút nào. Tôi nên vui hay nên buồn đây?

Một không gian sâu lắng, những mùi vị xưa cũ của từng con phố, anh có thể cảm nhận ra sao mỗi khi xuống phố?

-Phố cổ luôn có sự yên bình, lắng đọng và cái duyên thầm. Tôi thích được ăn sáng tại phố cổ, nơi có những hàng quà ngon nhất Việt Nam, hay đi dạo dưới hàng cây rợp bóng. Có một điều thú vị nhất là hãy đến với Hà Nội buổi sáng sớm, tầm 5 giờ sáng, chúng ta sẽ thấy cảnh vật và con người như thời bao cấp vậy. Nhưng cái mà tôi vẫn phải nhắc lại sự đặc biệt của phố cổ, đó là sự ấm áp. Đừng nói người dân phố cổ không muốn chuyển nhà chỉ vì sự tiện lợi hay phở ngon. Bây giờ các khu đô thị mới đã quá tiện lợi rồi hay phở cũng không dở như người ta nghĩ, mà ở đó không bao giờ có được sự ấm áp. Tôi muốn truyền cái hơi thở cuộc sống trong tranh chứ không đơn thuần vẽ đô thị cũ hay kiến trúc Pháp thuộc. Hà Nội của tôi luôn phải ấm áp.

Dường như với anh, mỗi bộ tranh khi triển lãm, anh muốn mang lại điều gì đó mới và hay đến đồng nghiệp và công chúng?

-Đúng vậy, lao động nghệ thuật như một sự tu luyện. Cuộc này là đã 7 năm sau “Golden Place” New York và 12 năm sau “Xuống phố 2”. Khác với những lần trước là khẳng định cái nhìn và phong cách Phạm Bình Chương, lần này tôi muốn gửi gắm vào “Xuống phố 3” một luồng gió mới. Vẫn là những “góc quen”, song thay vì cố miêu tả sự vật, tôi lùi xuống một bước để cho cảm xúc lấn át toàn bộ không gian. Tranh lần này nhuyễn hơn, quyện hơn và tình cảm hơn. Một điểm khác là những sự áp đặt bố cục hơi khó chịu và bất thường, ví dụ một cái cầu thang đi chéo bức tranh, một cái cột điện mọc thẳng từ đáy tranh lên. Tôi muốn người xem không còn phải trầm trồ thán phục về kỹ năng nữa mà là bị cuốn vào sự dẫn dắt vào cuộc chơi của tôi.

Theo đuổi dòng tranh hiện thực và đang là cực thực, với anh, có những khó khăn nào cần khắc phục để đi qua?

-Xin đính chính là tôi không phải là họa sĩ “cực thực”. Đành rằng tôi vẽ như thực, thực đến nỗi nhiều người nhận xét nó còn cho cảm giác thực hơn nhìn vào thực tế, ví dụ những vết hoen ố trên khung cầu Long Biên chẳng hạn (như bức “Lối về”), song đó không phải mục đích chính và khác xa cái gọi là chủ nghĩa cực thực (Hyperrealism) là cố gắng làm sao diễn tả sự vật thật kỹ, với chi tiết rất tinh xảo của ảnh có độ phân giải cao và càng giống một bức ảnh càng tốt. Tôi muốn đem cảm giác “thật” chứ không phải cảm giác “ảnh”. Khó khăn lớn nhất chính là làm sao không để bị nhầm lẫn giữa tranh và ảnh khi xem trên di động mà vẫn không thay đổi cách vẽ khúc chiết, chân thật của mình.

Một bức tranh anh vẽ trong bao lâu? Những bước thực hiện chung là như thế nào? Anh chuẩn bị bao nhiêu thời gian cho triển lãm lần này?

-Trung bình một bức của tôi vẽ trong một tháng cho khổ 80x110 cm. Với những bức to cỡ 2 m, việc vẽ hơn một năm là bình thường. Tôi đặc biệt không có một công thức cụ thể nào cho các bước tiến hành xây dựng một bức tranh. Mỗi bức sẽ có một chiến thuật riêng sao cho thuận lợi nhất. Có bức lót đơn sắc như cổ điển, thường dành cho vẽ trong tối, có bức tôi lót màu bổ túc (ví dụ vẽ bầu trời xanh thì lót màu hồng) cho những bức có nắng. Sau đó lên từng lớp, chỗ dùng thêm dầu pha, chỗ chỉ dùng sơn, tức là không có những bước cụ thể cho từng lớp màu mà còn tùy vào đối tượng mình muốn tả. Chuẩn bị cho “Xuống phố 3” mất 4 năm, nhưng thực tế là thể hiện trong hai năm 2018, 2019.

Trong một bức tranh của anh, điều gì anh cảm thấy quan trọng nhất?

-Đó là cái tứ trong tranh. Làm sao phải thể hiện thái độ người vẽ thực sự muốn nói điều gì.

Họa sĩ Phạm Bình Chương: Vẽ hiện thực mới ra được ‘mùi’ Hà Nội - 2

Tác phẩm trong triển lãm “Xuống phố 3”.

Cái khó của một bức tranh hiện thực là làm sao lưu được cảm xúc qua nét vẽ. Nhiều người vẽ mà như chụp ảnh, khó thấy những chuyển động tình cảm mà thường chỉ có hội họa mới biểu đạt tốt được. Anh làm thế nào để cân bằng được điều đó?

-Lợi thế của dòng tranh hiện thực là dễ hiểu cho phần lớn người xem, song mặt trái của nó là vẽ kỹ quá sẽ khô khan không còn cảm xúc. Có nhiều thủ pháp kiểu như “buông” những chi tiết phụ để nổi bật yếu tố chính, song chưa chắc đã hiệu quả, vì không cẩn thận, nó sẽ thành một bức tranh dang dở. Một điều chắc mà ảnh sẽ không bao giờ có, đấy là bút pháp. Bút pháp là những dấu vết để lại mà người xem nhìn thấy sự chuyển động của vệt bút, và nó thể hiện những xung động của trái tim ra tay, cái mà chúng ta thường gọi là cảm xúc. Bút pháp còn thể hiện được bút lực, tức là thể hiện tình trạng sức khỏe của người vẽ. Khi đi vào chỗ quyết định, tôi phải chờ khi mình thật khỏe mới dám vẽ. Người xưa có câu “bút to dễ giống thần, bút nhỏ dễ giống hình”. Vậy thì tại sao không dùng cả bút to lẫn bút nhỏ? Bút to vẽ những mảng lớn, bút nhỏ vẽ những chi tiết. Hãy vẽ thật thoải mái và linh hoạt với niềm hứng thú, tranh bạn sẽ không bao giờ bị chê giống ảnh, kể cả bạn chép lại một bức ảnh.

Triển lãm lần này, anh mong muốn điều gì, và dự định của anh sau triển lãm?

-Tôi mong hội họa hiện thực sẽ được khẳng định vị thế của mình, dù càng ngày càng nhiều phong cách cũng như loại hình đang nở rộ. Tôi cũng muốn chứng minh cho người xem tranh hiện thực của tôi nó khác ảnh thế nào, và phải xem trực tiếp mới cảm nhận được điều đó. Dự định tiếp theo sẽ là một triển lãm cá nhân hoàn toàn khác mà tôi vừa chợt nảy ra trước khi trả lời cuộc phỏng vấn này. Tuy nhiên đó là điều bí mật và xin mọi người hãy chờ đợi.

Xin cảm ơn anh và chúc hội họa hiện thực luôn khẳng định vị thế như anh mong muốn!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Họa sĩ Phạm Bình Chương: Vẽ hiện thực mới ra được ‘mùi’ Hà Nội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO