Hoạt động của nhà văn hóa tại TP Hồ Chí Minh: Vừa 'nghèo', vừa yếu

Thành Luân 18/03/2016 15:16

Đó là đánh giá chung của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu tại Hội thảo khoa học “Nâng cao hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa góp phần xây dựng TP HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình” do Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP HCM và Viện Nghiên cứu phát triển TP phối hợp tổ chức ngày 17/3.

Hoạt động của nhà văn hóa tại TP Hồ Chí Minh: Vừa 'nghèo', vừa yếu

Nhà văn hóa sinh viên TP HCM được đầu tư nhiều tỷ đồng
nhưng hoạt động chưa đạt hiệu quả mong muốn. (Ảnh: Hồng Phúc)

Tại hội thảo, bà Thi Thị Tuyết Nhung - Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND TP nhìn nhận, dù các thiết chế văn hóa ở thành phố hiện nay đã được đầu tư hoàn thiện, nhưng hoạt động chưa xứng tầm, chưa thể hiện tốt vai trò nền tảng tinh thần xã hội, đầu tư phát triển các thiết chế văn hóa còn yếu, chưa có chính sách ưu đãi cho loại hình nghệ thuật truyền thống,…

Hiện nay, ngoại trừ một số nhà văn hóa hoạt động mang lại hiệu quả như Nhà văn hóa Thanh niên, Nhà văn hóa Phụ nữ, Nhà văn hóa Q.6, thì hầu hết các thiết chế nhà văn hóa khác của thành phố vẫn chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Bà Đặng Hồng Linh, đại diện Sở VH-TT TP còn cho biết, các thiết chế văn hóa tại thành phố, chẳng hạn như nhà văn hóa xã, phường, thị trấn vừa yếu, lại nội dung nghèo nàn. Chưa kể, nhiều nhà văn hóa các cấp đang dần xuống cấp; Nhiều đơn vị nghệ thuật không có cơ sở vật chất đúng chuẩn để phát huy hiệu quả hoạt động, thiếu trang thiết bị hiện đại hỗ trợ chuyên ngành, thiếu đội ngũ cán bộ có năng lực. Do đó, bà Linh cho rằng, để khắc phục được những mặt hạn chế này rất cần quan tâm của các cấp, ngành.

Thạc sĩ Lê Văn Thành, cán bộ Viện Nghiên cứu phát triển TP cũng lưu ý, việc đầu tư chưa tương xứng là một góc độ, bên cạnh đó các thiết chế văn hóa từ thành phố đến phường, còn chưa có sự liên kết bổ trợ nhau để hoạt động có hiệu quả. PGS.TS Phan Xuân Biên- nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP thì chỉ ra việc, cần phải coi các thiết chế văn hóa là mắt xích, tác động nhiều chiều với các yếu tố văn hóa khác. Ông cho rằng cần điều chỉnh, xem xét lại quy hoạch định hướng xây dựng các thiết chế văn hóa phù hợp tình hình thực tế và nhu cầu của người dân. Nhất là, cần đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng các thiết chế văn hóa, nhưng phải có sự quản lý chặt chẽ và định hướng của Nhà nước.

Phát biểu ghi nhận tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm- Chủ tịch HĐND TP cho biết, hiện nay sự quan tâm đến hiệu quả của các thiết chế văn hóa đang là yêu cầu cấp thiết của thành phố để phát triển bền vững. Bà Tâm cũng đề nghị Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM tiếp tục nghiên cứu định hướng đầu tư, đặc biệt là ưu tiên các phương án xã hội hóa cho các thiết chế văn hóa sao cho hiệu quả phục vụ người dân, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hoạt động của nhà văn hóa tại TP Hồ Chí Minh: Vừa 'nghèo', vừa yếu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO