Làn gió mới cho phim Việt

Minh Sơn 25/09/2017 08:25

Sau những thất bại về chất lượng và doanh thu, từ đầu năm 2017 đến nay các nhà sản xuất trong nước có những thay đổi tư duy cũng như phương thức làm phim. Đây quả là một tín hiệu vui chứng tỏ điện ảnh nước nhà đã bắt đầu chuyển mình.


Một cảnh trong phim Lời nguyền gia tộc.

Thông điệp cuộc sống

Sau một thời gian dài chạy theo trào lưu, nếm trải những thất bại, giờ đây các nhà sản xuất phim Việt đã nhận ra rằng, điện ảnh chỉ là những câu chuyện đời được kể bằng hình ảnh khiến người ta cười được và khóc được. Khi một bộ phim chạm được đến cảm xúc của khán giả, bộ phim ấy kéo được người xem đến rạp.

Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 8 tháng đầu năm 2017 đã có khoảng 60 bộ phim ra rạp, một con số ấn tượng. Có thể thấy các nhà làm phim đã không còn đặt nặng yếu tố ngôi sao, hay cố tình tạo chiêu trò để câu khách mà tập trung vào chất lượng và thông điệp của bộ phim với việc hình thành lối đi mới. Đơn cử là dòng phim thuộc đề tài tâm lý, xã hội, tình cảm (Bao giờ có yêu nhau; Sài Gòn, anh yêu em; Có căn nhà nằm nghe nắng mưa; Lô tô...); phim ngôn tình (4 năm 2 chàng 1 tình yêu; Sứ mệnh trái tim; Chờ em đến ngày mai; Em chưa 18...) hay phim chuyển thể (Dạ cổ hoài lang; Bạn gái tôi là sếp...) hoặc còn có dòng phim thể loại dòng phim kinh dị gồm có: Lời nguyền gia tộc của đạo diễn Đặng Thái Huyền… đã trở thành những lối rẽ tiềm năng cho các đơn vị sản xuất, phát hành. Đó là lý do dù còn khá kén khán giả, kinh phí đầu tư cao, thành công hoặc chưa về mặt doanh thu..., nhưng nhiều ê kíp vẫn quyết tâm thực hiện với mong muốn mang đến cho người xem những bộ phim điện ảnh đúng nghĩa bởi “cái khó ló cái khôn”.

“Đảo của dân ngụ cư” khiến nhiều người ngỡ ngàng với loạt thành tích ấn tượng tại AIFFA 2017 (giành chiến thắng ở 3 hạng mục quan trọng, trong đó Phạm Hồng Phước giành giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất). “Em chưa 18” gây sốc khi đã cán mốc doanh thu hơn 170 tỷ, vượt mặt “bom tấn” Hollywood Kong: Skull Island. Nhiều nhà sản xuất nước ngoài ngỏ ý muốn mua bản quyền kịch bản để làm lại (remake).

Dấu hiệu tích cực

Lật dở lại quá khứ có thể thấy điện ảnh Việt đã có khoảng thời gian dài chìm đắm trong những bộ phim hài nhảm, hành động nửa mùa hay ngôn từ sến. Chỉ cần vài ba ngôi sao, mấy tình huống gây cười lồng ghép vào một thông điệp hời hợt là đã thành một bộ phim đem đi công chiếu. Làm phim từ đó cảm thấy dễ thế dẫn đến phong trào người người làm phim, nhà nhà làm phim thậm chí có cả ca sỹ lấn sân sang làm đạo diễn và nhà sản xuất phim. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong năm 2016, đã có gần 50 bộ phim ra rạp.

Qua số lượng trên, thấy phim Việt sản xuất được năm qua rất hùng hậu về số lượng nhưng về chất lượng những bộ phim gọi là tạm xem được chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đã có lần, ngồi trên ghế hội đồng duyệt phim, biên kịch Trịnh Thanh Nhã đã phải thốt lên rằng: “Không hiểu sao lại bỏ tiền ra làm những bộ phim như thế. Có thể nó vẫn có thể thu hồi được vốn nhưng nó không đóng góp gì cho nền điện ảnh nước nhà cả. Việc làm của họ chỉ hướng đến tiền, nếu họ không nghĩ sâu, không thận trọng thì sẽ mất rất nhiều khán giả”.

Nhận xét này thật chính xác vì phim Việt đã thất bại ngay trên sân nhà, khán giả quay lưng. Không chỉ các đạo diễn trẻ mà cả những ê kíp triệu đô cũng đều đã ngã ngựa. Các diễn viên hài như: Trấn Thành, Việt Hương, Trường Giang, Thu Trang… không còn là những cái tên bảo chứng cho thành công của một bộ phim, thậm chí cả những ông vua phòng vé như: Thái Hòa, Hoài Linh cũng đã “hết thời”, “hết phép”.

Tới nay, thị trường điện ảnh trong nước có dấu hiệu thay đổi, hệ thống rạp đang tăng lên. Thời gian trước, một bộ phim chỉ chiếu hơn 20 rạp nhưng nay đã lên đến 110 rạp và tương lai tiếp tục tăng. Điều cần nhất hiện nay là những bộ phim thực sự chất lượng để lấy niềm tin, kéo khán giả đến rạp với việc cần sự đột phá.

Mỗi giai đoạn điện ảnh sẽ có một bước chuyển mình tăng tốc, một xu hướng để bắt kịp với nhu cầu và thị hiếu của khán giả. Đạo diễn Đặng Thái Huyền tâm sự rằng “khán giả ngày nay thích xem những bộ phim có thông điệp rõ ràng, dù là dòng phim nào khi xem xong phải có đủ độ đậm, sâu lắng để người ta lắng lại, suy ngẫm và liên tưởng tới cuộc sống và các mối quan hệ hiện tại. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng, khiến các nhà làm phim phải suy nghĩ nghiêm túc đầu tư chất xám để có được những kịch bản không chỉ hay hấp dẫn mà còn cài cắm được thông điệp sống tích cực”.

Và điều đó cũng chứng tỏ phim Việt không chỉ thành công về mặt doanh thu mà còn nhận được nhiều lời tán dương của giới phê bình trong nước lẫn quốc tế. Nếu nhìn lại những bộ phim đã ghi dấu tại rạp trong thời gian qua, chúng ta đều dễ dàng nhận thấy, yếu tố làm nên thành công không chỉ nằm ở dàn diễn viên trẻ mà là ở cốt truyện có chiều sâu. Đây là sự chuyển hướng về tư duy của những nhà làm phim, đạo diễn. Họ đã đầu tư đúng nơi, đúng chỗ, chọn đúng người từ khâu kịch bản đến diễn xuất.

Thành hay bại của mỗi bộ phim luôn là một ẩn số và thực tế không có nhà sản xuất nào dám tự tin tuyên bố số phận đứa con tinh thần của mình. Trong bối cảnh hiện nay, nếu không mạo hiểm thay đổi và tự làm mới chính mình, phim Việt sẽ khó thoát khỏi vòng tròn quẩn quanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Làn gió mới cho phim Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO