Nghệ sĩ trăn trở với thước đo bằng cấp

Minh Quân 05/07/2016 13:00

Sau một thời gian dài ngóng đợi, mới đây Thông tư liên tịch số 10/2015 của Bộ VHTT&DL “Qui định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh” đã chính thức ra đời. Tuy nhiên niềm vui chưa được “tày gang”, ngay sau khi triển khai vào thực tiễn văn bản mới đã vấp phải những phản ứng từ chính những nghệ sĩ, diễn viên bởi những bất cập trong qui định về bằng cấp. 

Thông tư liên tịch số 10/2015 đang làm khó các nghệ sĩ biểu diễn.

Bất cập

Theo Thông tư liên tịch số 10/2015 “Qui định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn và điện ảnh” thì nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu NSND sẽ được xét lên hạng 1, hưởng hệ số lương từ 6.2 đến 8; NSƯT sẽ được xét lên hạng 2, hưởng hệ số lương từ 4.4 đến 6.78 đối với đạo diễn và hệ số lương 4 đến 6.38 đối với diễn viên…

Thế nhưng, khi áp dụng vào thực tế hiện nay những bất cập đã nảy sinh.

Điều mà nhiều nghệ sĩ, diễn viên hiện nay thắc mắc là Thông tư 10 chỉ điều chỉnh chế độ cho NSƯT, NSND hay những người có trình độ đại học trở lên… trong khi nhiều đơn vị nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, xiếc, múa thường chỉ đào tạo bậc trung cấp, cao đẳng.

Ông Phạm Xuân Quang- Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho rằng: Nhiều ngành nghệ thuật như diễn viên xiếc, nghệ thuật truyền thống… có thời gian đào tạo dài 5 năm, dài hơn cả thời gian đào tạo đại học ở các lĩnh vực khác, nhưng khi ra trường cũng chỉ có bằng trung cấp, điều này thực sự thiệt thòi và bất cập đối với các diễn viên.

Theo ông Phạm Xuân Quang, Nhà nước nên có những qui định “mở” hơn cho các nghệ sĩ có bằng trung cấp, chẳng hạn, khi các nghệ sĩ đã tăng đến hết bậc (4.06), thì Nhà nước nên tạo điều kiện cho nghệ sĩ chuyển đổi, hoặc tổ chức thi nâng ngạch cho các nghệ sĩ, vì với các nghệ sĩ xiếc, việc biểu diễn trên sân khấu mới là chủ yếu, còn bằng cấp chỉ là thủ tục.

Đồng quan điểm, ở tư cách người quản lý đơn vị nghệ thuật biểu diễn, NSND Trương Nhuận – Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ phân tích: nhiều nghệ sĩ diễn viên trong suốt hàng chục năm vừa qua nhờ sự cống hiến liên tục đã được lên lương theo ngạch bậc cũ là 2 năm 1 lần, và có người đã lên đến bậc 6, bậc 7.

Nhưng trước đây họ phần lớn các nghệ sĩ chỉ học trung cấp, cao đẳng nhưng theo Thông tư mới này thì xếp chia hạng diễn viên thành 4 bậc, chứ không chỉ còn là 3 bậc. Trong đó, những người trung cấp cao đẳng dù cống hiến đến mười mấy năm thì cũng bị xếp vào hạng 4, còn hạng 3 là người có bằng đại học.

Đây là vấn đề mà rất đông nghệ sĩ đang vướng phải dẫn đến bức xúc trong suốt thời gian qua. Bởi với những ngành biểu diễn nghệ thuật đặc thù thì điều quan trọng nhất trong nghề nghiệp đó là tài năng, sự cống hiến.

Làm khó nghệ thuật truyền thống

Theo ông Phạm Ngọc Tuấn – Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam: Thông tư 10 mới được ban hành mới chỉ điều chỉnh ở mức độ động viên đối tượng NSƯT, NSND, trình độ đại học… Trong khi còn các đơn vị nghệ thuật truyền thống tuồng, xiếc, múa, đều đào tạo trung cấp và cao đẳng thì những danh hiệu tài năng trẻ không được điều chỉnh đang là điều mà chúng tôi vô cùng trăn trở.

Cũng theo ông Tuấn, Nhà hát Tuồng Việt Nam hiện có 5 NSND, 12 NSƯT và 4 nghệ sĩ có trình độ đại học chuyên ngành, như vậy họ sẽ trở thành diễn viên hạng 1, 2 và 3. Còn lại đều sẽ là diễn viên hạng 4.

Trong số đó, có rất nhiều nghệ sĩ đã cống hiến hàng chục năm cho nghề, nhưng chưa được phong tặng danh hiệu, cũng như chưa có bằng đại học thì đều bị “tụt hạng” từ diễn viên hạng 3, “xuống” thành diễn viên hạng 4. “Việc thay đổi này chưa động viên được nhiều đối với các loại hình nghệ thuật truyền thống, chưa thể thu hút được tài năng trẻ đến với nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là trong điều kiện mà nhiều ngành nghệ thuật truyền thống đang thiếu hụt trầm trọng đầu vào như hiện nay”- ông Tuấn cho hay.

Không chỉ các diễn viên, nghệ sĩ thiệt thòi, mà nhiều họa sĩ, nhạc công, quay phim… cũng không thuộc diện được điều chỉnh trong Thông tư này. Họa sĩ- NSƯT Doãn Bằng chia sẻ: Khi biết Thông tư được ban hành, chúng tôi những họa sĩ, quay phim vô cùng hụt hẫng và rất buồn. Thậm chí, NSƯT Doãn Bằng cũng thẳng thắn nhận định việc ban hành Thông tư mới dường như đã không tham khảo kĩ người làm nghề dẫn đến những thiệt thòi. Nếu chỉ đề cao vai trò của đạo diễn, diễn viên thì một tác phẩm sân khấu, điện ảnh mới chỉ đạt được phần thô…

Như vậy, từ bất cập trong Thông tư mới được ban hành nói trên, nhiều nghệ sĩ đang băn khoăn, trăn trở với thước đo bằng cấp, dẫn tới những thiệt thòi cho bản thân họ và những đồng nghiệp. Nhìn rộng hơn, những thiệt thòi này không chỉ khó cho các đơn vị nghệ thuật trong việc tìm kiếm, động viên lớp trẻ theo học nghệ thuật truyền thống, bởi chế độ đãi ngộ chưa hấp dẫn, mà còn có “nguy cơ” dẫn đến tình trạng “chạy” danh hiệu.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nghệ sĩ trăn trở với thước đo bằng cấp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO