Nhân kỷ niệm 165 năm ngày sinh nhà văn Ngô Tất Tố, ngày 25/6, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Nhà văn Ngô Tất Tố trong tiến trình văn học Việt Nam”. Mặc dù đã đi xa, nhưng các tác phẩm của nhà văn, nhà báo Ngô Tất Tố đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự và cả những thông điệp ý nghĩa gửi đến thế hệ mai sau.
Nhà văn Ngô Tất Tố.
Phát biểu tại hội thảo, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam khẳng định: Ngô Tất Tố là một tên tuổi lớn, một ngôi sao sáng thuộc thế hệ lớp đầu của nền văn hoá quốc ngữ. Nhà văn đã có những đóng góp to lớn đặt nền móng cho tiến trình văn học Việt Nam hiện đại. Sự nghiệp của Ngô Tất Tố thật đa dạng phong phú và đạt đến tầm xuất sắc trên 5 lĩnh vực: Văn học, báo chí, khảo cứu, dịch thuật, dịch lý.
Tại Hội thảo các đại biểu đã nghe 7 tham luận của các nhà văn, nhà nghiên cứu Vũ Quần Phương, Lại Nguyên Ân, Hồng Diệu, GS Phong Lê… Đây là những bài viết không chỉ làm rõ hơn những nhận định về tài năng, đóng góp của nhà văn Ngô Tất Tố đối với văn học Việt Nam nói riêng, sự nghiệp giải phóng dân tộc nói chung mà còn góp phần khẳng định tư cách nhà văn hoá, tư cách một nhân vật lịch sử Ngô Tất Tố trong tiến trình hiện đại hoá nền văn học, nền báo chí và nền văn hoá Việt Nam.
Về sự nghiệp văn chương của Ngô Tất Tố, GS Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học nhìn nhận: “Nghiệp văn của Ngô Tất Tố là nằm trọn nửa đầu thế kỷ 20, thế nhưng người đọc vẫn không một chút e dè khi đặt ông vào hàng những đại văn gia của thế kỷ”.
Có thể thấy với kho tàng các tác phẩm văn chương, báo chí đồ sộ của mình Ngô Tất Tố xứng đáng ở nhiều tư cách. Nhưng hơn cả là tư cách một nhà văn hóa. Ngô Tất Tố đứng cùng vị trí vinh danh của nhiều đồng nghiệp cùng thời như Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Hồng, Nam Cao… Đồng thời ông có một vị thế riêng, ở giai đoạn 1930 – 1945, và cho đến hôm nay. Nhưng đỉnh cao văn chương như ông có người đạt được, nhưng có những điều như về lịch sử, văn hóa, phong tục mà ông viết ra thì người khác không có.
Với nghề báo, Vũ Trọng Phụng nói Ngô Tất Tố là “một tay ngôn luận xuất sắc trong đám nhà Nho”. Ở đó, thông qua các tác phẩm ông bộc lộ sự quyết liệt, sâu sắc trong phê phán, phanh phui, lật trở các vấn đề của xã hội thuộc địa.