Nhà báo - Tác giả Huỳnh Mai Liên: Từ trò chơi… sáng tác đến giải thưởng Đặc biệt của cô bé 9 tuổi

Việt Quỳnh (thực hiện) 11/08/2019 08:33

Những câu chuyện thơ ngây giữa mẹ và hai bé Ong, Sóc là nguồn cảm hứng để tác giả Huỳnh Mai Liên sáng tác thơ thiếu nhi. Thế giới trong trẻo, gần gũi, ấm áp của con trẻ hiện ra qua thơ đơn giản, dễ nhớ, mang dáng dấp đồng dao, vì thế các tập thơ của Huỳnh Mai Liên với các bức tranh minh họa của bé Ong (Bùi Mai Khuê, 9 tuổi, con gái chị) được nhiều độc giả nhí cùng các phụ huynh ưa thích.

Niềm vui bất ngờ khi truyện ngắn “Bướm lá” của bé Ong đã đạt giải Nhất hạng mục Tiểu học cùng giải Đặc biệt của cuộc thi Sáng tác truyện đồng thoại JXTG & MOGU “Đóa hoa đồng thoại” (lần thứ hai) và Ong đang chuẩn bị cho chuyến đi Nhật Bản vào tháng 11 tới.

Nhà báo - Tác giả Huỳnh Mai Liên: Từ trò chơi… sáng tác đến giải thưởng Đặc biệt của cô bé 9 tuổi

Tác giả Huỳnh Mai Liên và con gái.

Mai Khuê mới 9 tuổi đã đạt giải thưởng đặc biệt về sáng tác truyện ngắn trong cuộc thi đến từ Nhật Bản. Làm thế nào để con phát huy những khả năng tự nhiên và con cũng tự tin như chị đã làm?

- Từ lúc con còn nhỏ xíu, tôi đã để cho các bé tự do khám phá, rất ít khi đe nẹt con không được phép làm cái này, con không được phép như thế kia. Kết quả là hai bạn nhỏ đều siêu nghịch. Đổi lại, các bé đều bộc lộ thiên hướng từ nhỏ, cô chị rất thích vẽ và muốn trở thành một tác giả truyện tranh, cậu em đam mê nấu nướng, dự định sau này sẽ là đầu bếp.

Tháng 5 vừa rồi, khi con gái thi học kỳ II xong, tôi rủ con thử chơi trò... sáng tác truyện ngắn, tham gia giải thưởng Sáng tác truyện đồng thoại JXTG & MOGU “Đóa hoa đồng thoại”. “Chơi” nghĩa là mẹ cùng tham gia và bạn ấy cũng muốn như mẹ. Mai Khuê sáng tác truyện đầu tiên về cuộc phiêu lưu của chú cáo con tốt bụng. Đề tài thứ hai - “Bông hoa mùa hè” - đến từ một bông hoa bằng lăng rơi xuống trước mặt con. Đề tài thứ ba - “Bướm lá” - là những chiếc lá xà cừ bay trong nắng, trên đường con đi học về, đây là tác phẩm được BGK cuộc thi Sáng tác truyện đồng thoại JXTG & MOGU “Đóa hoa đồng thoại” trao giải Nhất hạng mục Tiểu học và giải Đặc biệt.

Đối với Ong và Sóc, dù để con được tự do khám phá thế giới xung quanh, nhưng chị hẳn vẫn sẽ khéo léo dạy dỗ chỉ bảo con để tránh những vấp váp?

- Tôi không phải là một hình mẫu bà mẹ hoàn hảo, theo đuổi những phương pháp dạy con tiên tiến. Tôi dạy con theo cảm nhận của mình, dạy con tình yêu thương, dạy con yêu văn học, coi sách như một người bạn. Đôi khi tôi bối rối khi để con phát triển tự nhiên để bé phát huy sáng tạo, trong khi phần uốn nắn sau đó chưa thực sự mạnh mẽ. Nhưng nhìn ra điều đó cũng là cách để tôi tự điều chỉnh mình khi đồng hành cùng con.

Nhà báo - Tác giả Huỳnh Mai Liên: Từ trò chơi… sáng tác đến giải thưởng Đặc biệt của cô bé 9 tuổi - 1

Huỳnh Mai Liên và các tác phẩm của chị.

Trong việc giáo dục con, với chị, điều gì là quan trọng nhất để con vẫn hiểu mẹ và gia đình luôn mở rộng cánh cửa đón con cùng những thương yêu vô hạn, nhưng không vì thế mà con thiếu đi sự độc lập nỗ lực, không bị ỉ lại?

- Theo góc nhìn của một người đã làm mẹ, tôi hiểu rằng tình yêu thương và quan tâm con cái là điều mà mỗi đứa trẻ đều mong muốn ở cha mẹ mình. Còn câu chuyện giáo dục con là chuyện của lâu dài và hàng ngày của từng gia đình. Đồng hành cùng con khôn lớn, học hỏi cách làm cha mẹ cả trong thực tế và sách vở, tự bố mẹ sẽ trang bị những kinh nghiệm, kiến thức cho mình.

Nếu con có lúc không được như ý mình mà có những sai lầm, chị đã cư xử với con ra sao?

- Ồ, tôi cũng từng xù lông như bất cứ bà mẹ nào. Nhưng sau đó, tôi cố gắng bình tĩnh và trò chuyện với con để tìm hiểu lý do. Tụi trẻ cũng có lý lẽ của mình, cô con gái nhỏ giải thích với tôi “Trẻ con là hay nói xin lỗi mẹ ạ!”.

Làm thế nào để gia đình luôn là nơi nương tựa tốt nhất với những người con, thưa chị?

- Tôi nghĩ không có một đáp án duy nhất nào cả. Có bố mẹ chuẩn bị cho con một ngôi nhà từ rất sớm. Có bố mẹ lựa chọn nghề nghiệp cho con từ nhỏ. Có bố mẹ nghiêm khắc. Lại có bố mẹ thả lỏng... Điều quan trọng nhất, có lẽ là tình yêu thương. Chính tình cảm đó là điểm tựa để những đứa con bay xa, đồng thời là nơi để chúng tìm về.

Nhìn khuôn mặt cũng còn nhiều nét ngây thơ, hồn nhiên, không thể nào đoán được chị đã sang tuổi 40. Việc chị luôn nhìn cuộc đời giản dị và nhẹ nhàng, với sự làm việc trách nhiệm, chỉn chu trong vai trò một biên tập viên của VTV, phải chăng bắt nguồn từ tuổi thơ của chị trong gia đình?

- Khi trở về với ký ức tuổi thơ, tôi luôn nhớ tới hình ảnh một cô bé cổ đeo chùm chìa khóa, háo hức khám phá mọi thứ xung quanh trong khu tập thể Bệnh viện K74. Cũng như bao gia đình ngày đó, ban ngày ba mẹ tôi đi làm; chiều tranh thủ kéo xe cải tiến chở xỉ than xin từ cơ quan, rồi kỳ cạch đóng gạch để xây nhà; tối có khi cả nhà rào rào bóc lạc thuê cho bên ngoại thương... Thế nên, những đứa trẻ thế hệ 7X đời đầu như tôi thường lê la bên ngoài cả ngày, trừ lúc đi học. Tôi cõng em cho mẹ từ lúc còn bé tí, khi đó mọi người vẫn trêu “con mèo tha con chuột”. Tôi học thổi cơm, nấu bếp từ khi còn nhỏ... Có lẽ do là chị cả trong nhà, nên hai từ “trách nhiệm” gắn với tôi từ lúc nào không rõ nữa.

Nhà báo - Tác giả Huỳnh Mai Liên: Từ trò chơi… sáng tác đến giải thưởng Đặc biệt của cô bé 9 tuổi - 2

Chị có thể chia sẻ chị đã được sống trong tình yêu thương của gia đình như thế nào?

- Lúc nhỏ, tôi chưa hiểu thấu đáo về tình yêu thương trong gia đình. Những niềm vui ít nhớ, lại hay “thù dai” những trận đánh hay những câu mắng mỏ cáu kỉnh của mẹ. Thậm chí, cả những câu cửa miệng của mẹ như “hợp với em hơn”, “yêu em nhiều hơn” cũng khiến tôi thổn thức bao lâu và giận cả ba, vì “tội” không quyết liệt bênh con nhiều hơn mỗi khi bị mẹ đánh. Nhưng sau này, khi cảm nhận rõ rệt hơn tình cảm của ba, mẹ, tôi lại ghim trong đầu hình ảnh mẹ đạp xe lóc cóc ngày đưa tôi đi thi Đại học, mẹ lo cho tôi hành lý lỉnh kỉnh từ cái chậu, cái chiếu nhỏ khi đưa con gái nhập học ở ký túc xá Mỹ Đình, ánh mắt mẹ lo lắng mỗi khi tôi về chơi mà nhà hết tiền, nước mắt bùi ngùi của mẹ mỗi lần tiễn tôi đi xa... Và khi trở thành mẹ, là một tác giả viết sách cho thiếu nhi, cuốn “Mẹ yêu ai nhất?” đồng thời mang tới cho tôi câu trả lời về tình yêu của mẹ. Nó không giống trong ước mơ lấp lánh hồi nhỏ của tôi về những cái ôm, vuốt ve hay lời nói dịu dàng. Mỗi ông bố, bà mẹ yêu con mình nhất theo cách của họ. Và ba mẹ tôi cũng thế.

Chị được bố mẹ dạy dỗ như thế nào để có được như ngày hôm nay?

- Bên cạnh một không gian mở, ba mẹ tôi để cho con mình phát triển tự nhiên, không gò ép. Tôi thích học văn từ nhỏ, được các thày cô phát hiện sớm, nhưng trong nhà cũng không có những cuốn sách mà tôi cần. Một địa chỉ mà tôi cực kỳ mãn nguyện đó là gác xép. Đó là nơi ba mẹ cất những đồ không dùng tới, trong đó có cả những cuốn sách cũ. Hồi về quê nội ở Quảng Ngãi, tôi cũng ngụp lặn trên gác xép của các anh chị, để kiếm những cuốn sách cũ cho mình. Nhưng bù lại, ba tôi là “nghệ sĩ” của gia đình. Tối tối, ba thường chơi ghita, vừa gảy đàn, vừa hát. Mẹ tôi là thuyết minh, hay cho tôi đi vào phòng chiếu phim. Chắc chắn những ký ức này theo hai chị em tôi, nên khi lớn lên, cả hai đều lựa chọn con đường liên quan tới nghệ thuật. Bộ phim hoạt hình đầu tiên của em tôi khi làm đạo diễn ở Hãng phim Giải phóng - “Thỏ và Rùa” nhận giải Bông sen vàng LHP Việt Nam lần thứ 16, giải đạo diễn xuất sắc, giải biên kịch xuất sắc, trong đó có phần tham gia của cả hai chị em ở vai trò biên kịch.

Ba mẹ tôi không định hướng quyết liệt cho con cái. Khi học xong cấp 3, ba mẹ muốn tôi học ĐH Tài chính cho gần nhà. Nhưng tôi lại thích khối C và thi 3 trường chả liên quan gì tới Tài chính. Tới lượt em trai thi Đại học, ba mẹ vẫn muốn con trai theo học Tài chính, lỡ xin việc khó, khi ba mẹ về hưu sẽ xin một suất ở cơ quan. Thế nhưng em tôi theo học ĐH Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội... Nhờ ba mẹ “thả lỏng”, chúng tôi được tự do lựa chọn những lối đi phù hợp với mình.

Tôi vẫn nhớ ba tôi dạy con lúc nào cũng nhẹ nhàng phân tích, kể cả khi tôi gân cổ cãi lại. Ba tôi rất ít khi đánh con, nhưng lúc phạt rất đau. Chỉ tới khi trưởng thành, rồi làm mẹ, tôi mới hiểu rằng cách ba dạy là đúng, chỉ tại mình bướng nên cứ suy diễn theo hướng này nọ không tích cực.

Dù gặp chuyện gì khó khăn, có phải gia đình mãi mãi là điểm tựa cuộc đời chị?

- Hầu hết chúng ta đều như vậy. Gia đình là ký ức tuổi thơ. Gia đình là xứ sở của yêu thương. Và chữ YÊU THƯƠNG ấy, lúc trưởng thành tôi mới hiểu. Nó không có một khuôn mẫu là ngọt ngào hay lấp lánh. Nó có thể nằm ở những điều thật giản dị, đời thường, mà nếu thật sự để ý, thật sự rung động, bạn mới cảm nhận được hạnh phúc ấm áp ấy ở ngay bên mình.

Xin cảm ơn chị!

* “Giải thưởng truyện đồng thoại JX-ENEOS là cuộc thi sáng tác hằng năm tại Nhật Bản kể từ năm 1970. Năm 2017, nhân dịp sáp nhập hai tập đoàn JX Group và Tonen General Group, tên của giải thưởng được đổi thành “Giải thưởng truyện đồng thoại JXTG”. Tại Việt Nam, giải thưởng truyện đồng thoại JXTG & MOGU “Đóa hoa đồng thoại” được Tập đoàn JXTG đề xướng, Công ty TNHH More Production Việt Nam tổ chức với sự bảo trợ của ĐSQ Nhật Bản tại Việt Nam và sự đồng hành của NXB Kim Đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà báo - Tác giả Huỳnh Mai Liên: Từ trò chơi… sáng tác đến giải thưởng Đặc biệt của cô bé 9 tuổi

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO