Nhà thơ

Lê Tây Côn 28/12/2015 13:35

Trong sự biến chuyển của ngôn ngữ mà loài người chưa bao giờ đủ khả năng tiên liệu hoặc dự tính, thơ hiện hữu.

Nhà thơ

Ảnh minh họa.

Đích xác, thơ là đỉnh cao của vạn sự liên quan đến ký tự, đến sự giao tiếp thông qua cảm xúc, đến tiếng kêu đau thương bật từ tâm hồn miên man nhạy cảm.

1. Bất cứ gã đàn ông nào khi yêu đều muốn làm thơ, nếu không muốn làm thơ thì chắc cũng cố bật ra thứ gì đó từa tựa thơ. Khi cảm xúc được đẩy lên đến đỉnh điểm thì chỉ có sự chú giải bằng chữ mới có thể khiến người ta cảm thấy như được giải thoát.

Đàn ông tán gái, không gì lợi hại hơn thơ. Tất nhiên, nếu không biết làm thơ vẫn có thể hồn nhiên tán gái.

Kiểu như năm xưa bên Trung Hoa, có gã đàn ông tên là Vĩ Sinh. Gã này yêu một cô, nói khô cuống họng khản cả giọng thì mới hẹn hò được. Điểm hẹn hò là dưới chân cầu nước chảy lơ thơ. Vĩ Sinh tâm tưởng thôi thúc, đến điểm hẹn sớm mấy chục phút. Chọn một gốc cây đứng chờ người đẹp. Run rủi phận người, hôm ấy nước dâng.

Bởi khó khăn quá mới dụ dỗ được người đẹp chấp nhận lời hẹn, Vĩ Sinh tiếc công cưa cẩm nên mặc nước dâng vẫn ôm cây chờ đợi. Cuối cùng, Vĩ Sinh tử vong do ngạt nước, hai tay vẫn không rời thân cây. Hận nhất là không rõ về sau cô gái có chịu mò đến để cảm thấu mối tình si của Vĩ Sinh hay không. Thế kỷ hai mươi, vẫn ở Trung Hoa có gã nhà văn Dư Hoa đan tâm biến tấu điển cố diễm lệ này một chi tiết trong bộ Huynh Đệ, có điều gã đã để người đẹp xuất hiện trước khi gã trai chết đuối. Đúng là bi kịch thì không nên lặp lại.

Tán gái tầm Vĩ Sinh thì có thể gọi là vô tiền khoáng hậu rồi. Thế nhưng, giả như Vĩ Sinh biết làm thơ, chắc là đã không phải nhọc nhằn đến mức đó.

Đơn giản, người đẹp hay người không đẹp, người trẻ hay người không trẻ, đài các khuê phòng hay thôn nữ đoan trang đều không thể thoát khỏi ma lực của thơ.

Ông Nguyễn Huy Thiệp năm nào đó uống rượu say mèm, nửa dại nửa tỉnh về viết truyện ngắn Đưa Sáo Sang Sông đã biến nhà thơ thành người giời đúng nghĩa. Thiếu phụ bao nhiêu năm e ấp bên chồng vẫn không thể nào quên gã thi sĩ lãng du vô định, vẫn rấm rức khóc khi vô tình thắc thỏm nhận được câu tỏ tình không thể trơ trẽn hơn, “Em bỏ chồng về ở với tôi không?”.

Ở bất cứ quốc gia nào, người ta cũng dễ dàng tìm thấy nhiều vị tướng lĩnh khét tiếng trăm trận trăm thắng, mưu kế thăm thẳm sâu xa, binh bất yếm trá. Vậy nhưng, năm tháng dâu bể lũ hậu sinh chỉ nhớ đến cái tên của họ với những câu chuyện mơ mơ hồ hồ, ảo ảo thật thật. Một vài gã tự xưng là sử gia rồi được tán tụng là người chép sử, vì chút danh tiếng còm cỏi mà cất công ngồi kiểm tra trên trang google khả dĩ có thể nói sai lệch chút xíu về những chiến công lừng lẫy mà bậc đại tướng đã trải qua.

Còn nhà thơ có thể bị quên lãng năm sinh năm mất, nhưng chắc chắn nhắc đến họ người ta vẫn ngẫu nhiên đọc được vài câu hơ.

Kiểu như ném ông Nguyễn Du vào bất cứ mê lộ hay tuyệt vọng nào, người biết chữ vẫn có thể hồ đồ thiển cận đọc vài câu lấp lửng, “Đầu lòng hai ả Tố Nga / Nếu không là chị thì là cô em”.

2. Vẫn ở bên Trung Hoa mấy trăm mấy nghìn năm trước, dân chơi đầy đường. Đến gã phàm phu là Tấn Huệ Đế vẫn đủ sức để bật một câu vô cùng trứ danh, “Bọn họ không có gạo ăn, sao không đi ăn yến sào. Lại để chết đói thế này, nhỉ?”. Tấn Huệ Đế nói câu này khi chứng kiến thần dân nước Tấn chết rũ xương ngoài đường, hàng trăm dặm vuông không có khói bay lên, tịnh không có tiếng chó sủa.

Thời của Tấn Huệ Đế lại có gã thô tục khác tên chữ là Quý Luân, hiệu Tề Nô, người đời quen mồm gọi Thạch Sùng. (Gã Thạch Sùng này qua nước mình phút chốc bị tài hoa Nguyễn Đổng Chi biến thành ăn mày, mưu hiểm kế độc mà trở nên giàu có. Về sau trời phạt hiển linh xui ông giáo làng mang cái mẻ kho sứt để biến gã thành con vật tặc lưỡi suốt canh thâu).

Thạch Sùng vốn dĩ là quan, nhân cơ hội mà tư thông với giặc trở nên giàu có. Giàu có, ngay lập tức học thói chém gió của đại gia, rất kinh. Một dạng như mấy tay đại gia của nước mình bây giờ vậy, nhìn cực ngạo mạn và mông muội, không hiểu sinh vào giờ nào, mồ mả tổ tiên táng vào đâu mà số phận viên mãn đến vậy.

Cùng thời với Thạch Sùng có tay Vương Khải, tay này dựa vào thế là em của Hoàng hậu – đương kim chánh cung của vua Tấn mà mặc sức vơ vét. Trong rừng hai cọp không ưa nhau, ở đồng bằng hai chó cũng vậy.

Thạch Sùng cùng Vương Khải bèn nổi cơn trọc phú so đọ của cải. Thạch Sùng giàu đến mức Vương Khải vào cung cầu cứu anh rể, anh rể cho cây san hô cao 2 thước đem đọ với Thạch Sùng. Thạch Sùng gõ phát gẫy luôn san hô, Vương Khải thẹn quá hóa giận hai tay hai đao đòi chơi trò thây đổ hai con, máu loang ba thước. Thạch Sùng mỉm cười đem biếu cây san hô cao bốn thước để cầu hòa.

Loại Thạch Sùng hay Vương Khải bây giờ ở nước ta đầy rẫy ngoài đường. Có điều bọn này vĩnh viễn chỉ có thể hít phấn son thay da thịt, yêu mấy em showbiz thay vì thiếu nữ ngoan hiền.

Cứ tưởng sống vậy là khoái hoạt, biết đâu khoái hoạt nhất vẫn là có thể đi cạnh một nhan sắc mà không cần phải suy tính trong túi còn bao nhiêu tiền, chỉ cần biết trong não đã bật ra vài câu thơ nỉ non như sương sớm ra sao.

Yêu mà toan tính còn gì là yêu.

Tất nhiên, nhà thơ cũng có một vài điểm tủi thân so với bọn có tiền. Nhưng xét toàn diện thì bọn có tiền vẫn không đủ level để so với nhà thơ.

Lý Bạch chỉ lấy thơ mà khiến Dương Quý Phi của Đường Minh Hoàng thổn thức rung ngực đầy trắng muốt. Trong lúc từ gã rợ An Lộc Cho cho đến Đường vương phải quỵ lụy khẩn cầu.

Thôi Hộ đề mấy câu thơ vu vơ hoa đào hoa mai mà khiến thiếu nữ ở Đào hoa trang nhập tâm sinh bệnh.

Đỗ Phủ ở nhà rách nát mà thê thiếp không người nào oán trách, vẫn yêu như yêu lần đầu, nhất mực cung kính.

Điều này, bọn đại gia không thể nào so bì được. Đại gia vừa vào tù phát là ngay lập tức mỹ nữ quay lưng. Thậm chí, vừa có tin đồn giá cổ phiếu sụt giảm thì người đêm qua mặn nồng ân ái đã hẹn hò với gã đại gia khác.

Mỹ nhân chung tình lắm thì cũng chỉ áo sơ-mi trắng kính đen đến tòa dự, nói vài câu thương nhớ xong vội vã tót đi lấy chồng.

Ôi, tận cùng bi thương!

3. Có điều, nhà thơ cũng thuộc chủng loài đứng trên hai chân. Đã đứng trên hai chân thì đều phân chia thành giống đực và giống cái. Thế mới có nhà thơ nữ và nhà thơ nam.

Hồi xã hội còn hồ đồ, cứ cất miệng là nữ nhi thường tình để cả vú lấp miệng em, dìm hàng phụ nữ. So với hiện tại thì khác nhau đúng một trời một vực. Cứ nhìn facebook sẽ biết. Phụ nữ xinh post ảnh lập tức mấy trăm đến mấy nghìn like, chưa kể hàng đống comment với hàng tá inbox tán tỉnh. Còn mấy ông chơi facebook, vắt óc rị mọ biên biên chép chép được nhiều lắm 50 like là hết cỡ.

Nhà thơ nữ làm thơ không hiểu trời già có ghét ghen gì không mà ai cũng đầy bất hạnh. Không bất hạnh tình duyên thì bất hạnh tên tuổi, không bất hạnh tên tuổi thì gia cảnh khốn khó.

Nhà thơ nam buồn có thể tụ bàn bè hay người hâm mộ để uống rượu chùa, thậm chí may mắn có thể trải qua những trận nhất dạ đế vương. Nhà thơ nữ buồn chỉ biết trút hết vào con chữ. Thậm chí, có chép thơ lên facebook để giải tỏa nỗi niềm thì like cũng hết sức lèo tèo.

Đạo giáo xưa đã đúc kết, vạn vật có khuyết có đầy, tương sinh tương trợ. Người được cho nhúm chữ sẽ bị cướp thứ khác, chứ ai cũng vừa có chữ lại vừa viên mãn thì những người còn lại biết bấu víu vào đâu để tồn tại.

Lại thêm cơn run rủi của thân phận sáng tác không phải không có chuyện bị nhập tâm ám ảnh mà lấy nhầm một vài câu hoặc một vài chữ của người khác thành của mình. Hẳn, chép nhầm sáng tác của người khác là việc không nên.

Thế nhưng, lấy đẳng cấp nhà thơ lấy luôn cay nghiệt thân phận mà yêu thương, châm chế cho nhau một chút cũng không có gì là quá đáng.

Nhà thơ mà không khoan dung rộng lượng thì hy vọng vào sự khoan dung rộng lượng từ đâu.

Cao hơn cả nhà thơ một bậc, ấy chính là người thơ.

Phải là người thơ thì thơ mới chính là thơ. Phải là người thơ thì bị ai đó chép nhầm vào câu của mình cũng đủ sức bình thản, “Chuyện vặt, chép câu này thì tôi viết lại câu khác. Câu sau bao giờ chẳng hay hơn câu trước, miễn là tôi còn sống”.

Ông Nguyễn Huy Thiệp năm nào đó uống rượu say mèm, nửa dại nửa tỉnh về viết truyện ngắn Đưa Sáo Sang Sông đã biến nhà thơ thành người giời đúng nghĩa. Thiếu phụ bao nhiêu năm e ấp bên chồng vẫn không thể nào quên gã thi sĩ lãng du vô định, vẫn rấm rức khóc khi vô tình thắc thỏm nhận được câu tỏ tình không thể trơ trẽn hơn, “Em bỏ chồng về ở với tôi không?” (Thơ Đồng Đức Bốn)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Nhà thơ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO