Hai nữ nhà báo, công tác tại 2 cơ quan, với cương vị và tuổi đời đều khác nhau nhưng đều có 1 điểm chung: Họ yêu nghề, dấn thân, không quản ngại khó khăn để đấu tranh chống tiêu cực, bảo vệ công lý.
Nhà báo Hàn Ni: Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng... gian khổ sẽ dành phần ai
Chia sẻ vì sao chị lại chọn nghề báo và không phải là mảng nào khác mà là mảng phóng sự, điều tra, nhà báo Hàn Ni, báo Sài Gòn Giải phóng cười và nói, ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?!
[Nhà báo Liên Liên: Mắc nợ với nghề]
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thanh Phong trao tặng bằng khen và thưởng nóng cho nhà báo Hàn Ni.
Khó khăn nhất với nữ nhà báo làm mảng điều tra không phải là nguy hiểm bên ngoài, mà là những vụ việc mình thấy sai, dân bị ức hiếp nhưng khi mình viết bài thì vì nhiều lý do bài không lên mặt báo được. Có thể vì tỷ lệ xấu-tốt trên mặt báo sao cho quân bình, có thể vì người đứng đầu sợ đụng chạm, có thể quyền lực đan xen… Khi đó mình cảm thấy ức lắm, tuy nhiên, đấu tranh có nhiều cách, nên phải uyển chuyển. Đôi khi là phải chọn con đường xử lý nội bộ, miễn bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho dân. Còn chuyện nguy hiểm đến tính mạng thì không đáng lo, vì các giải pháp phòng ngừa mình đã làm, đi đến nơi đoán thấy rủi ro thì lúc nào mình cũng nhờ các anh em công an thân tình rào sẵn. Còn gặp nguy hiểm, thì nhiều nghề cũng nguy hiểm và thậm chí không làm nghề thì ra đời cũng bao nhiêu rủi ro đấy thôi. Do vậy, sống là phải chiến đấu và biết tự bảo vệ mình.
Hẳn dư luận chưa quên loạt phóng sự liên quan đến quán cà phê Xin Chào cách đây vài năm. Vì sao tôi lại viết loạt bài này ư, đơn giản vì mình thấy dân bị oan nên phải viết. Thấy điều sai mà không lên tiếng, đấy cũng là tội ác. Mình không bị sức ép vì đơn giản mình bảo vệ người dân trước những quyết định sai trái, chứ không “đánh” ông A, ông B nào cả. Bản thân mình cũng không đi theo việc xử lý người làm sai, mà chỉ tập trung giải oan cho dân. Khi 2 người dân được thoát khỏi khởi tố oan thì mình xong nhiệm vụ. Còn việc xử lý người làm sai thế nào đó là chuyện của cơ quan nhà nước. Có lẽ người trong cuộc cũng hiểu vậy nên sau này ngay một anh trong số những người bị kỷ luật cũng kết nối nhậu với tôi để hoá giải.
Tôi làm báo không vì cơm gạo, mà vì đam mê, đặc biệt là được tiếp xúc nhiều người, những người giỏi đầu ngành, nên tôi học được nhiều. Làm báo thì đầu luôn luôn mở và luôn phải vận động, giúp cuộc sống mình rộng mở hơn, nên tôi thích. Tuy nhiên, khi nhiều người kỳ vọng mình thì trách nhiệm mình nặng nề hơn, thận trọng hơn, nói chung là cực hơn, buộc tôi phải trách nhiệm với bản thân và với người khác. Tôi vẫn theo đuổi nghề viết, ngoài viết báo, tôi viết sách. Những cuốn “Hãy sống như hạt đậu nhăn nheo”, “Muốn nghèo cũng khó lắm chứ bộ” là món ăn tinh thần cho các bạn trẻ. Bên cạnh đó, tiền bán sách tôi thành lập Quỹ học bổng Thắp sáng tương lai, bạn bè tôi chung tay ủng hộ, đã giúp cho các sinh viên vượt qua khó khăn cả về vật chất.
Nghề nào cũng có người này người khác, không ít phóng viên, nhà báo vì “lợi ích cá nhân” sẵn sàng “bán mình” để bẻ cong ngòi bút vậy thì làm thế nào để vượt qua những cám dỗ vật chất? Thực tế thì một cô gái bị người khác giễu cợt thì hẳn cô ấy phải hở hang, lúng liếng, gợi tình, chứ nếu nghiêm túc thì chẳng ai dám buông lời khiếm nhã. Trong cuộc sống tôi rất thân thiện, nhưng trong công việc tôi nghiêm túc và thậm chí thẳng thắn. Những người gặp tôi dấm dúi, tôi nói rõ quan điểm làm việc của mình, không muốn tiền tác động, không muốn bị ai dẫn dắt. Tôi dành mỗi sáng thứ 2 hàng tuần để tư vấn pháp luật cho bạn đọc, ai đến mà… ca bài ca ca ngợi tôi thì tôi cắt ngay nói rằng “tôi biết tôi là ai rồi”, cứ nói vấn đề của các anh/chị; nếu ai gặp tôi mà nói quen anh A, anh B giới thiệu, thì tôi nói “cứ nói vấn đề của các anh/chị”, vì có quen ai thì pháp luật vẫn là pháp luật. Đơn giản vì tôi không có nhiều thời gian, và không muốn bị tác động bởi… “ngoại cảnh”!
Với các bạn trẻ mới vào nghề, tôi chỉ chia sẻ một điều, các bạn đừng quá nôn nóng, chưa hy sinh đã muốn đền đáp, chưa ý thức xây dựng thương hiệu bản thân đã muốn kiếm tiền. Như vậy rất dễ bị sụp hầm! Nghề gì cũng vậy, không làm việc với thái độ nghiêm túc mà lo kiếm chác thì cuộc đời sẽ bó hẹp lại. Do vậy, tôi mong các bạn trẻ cứ học và làm việc thật tốt, đừng làm vì tiền, hãy làm vì cơ hội. Khi giỏi nghề thì muốn nghèo cũng khó lắm. Một người bán phở ngon nhất còn làm giàu được, thì mình là nhà báo giỏi sao nghèo được!