Những 'bông hồng thép' của làng báo

Nguyên Khánh (thực hiện) 21/06/2019 09:06

Hai nữ nhà báo, công tác tại 2 cơ quan, với cương vị và tuổi đời đều khác nhau nhưng đều có 1 điểm chung: Họ yêu nghề, dấn thân, không quản ngại khó khăn để đấu tranh chống tiêu cực, bảo vệ công lý.

Nhà báo Liên Liên: Mắc nợ với nghề

Làm phóng viên điều tra áp lực lắm, đặc biệt là với phụ nữ, đó là lý do khiến nhiều người chỉ làm một thời gian là chuyển mảng, đổi nghề thế mà tôi vẫn cứ say nghề. Mình có thể chọn đường dễ đi hơn thế mà vẫn cứ đâm đầu vào cái khó... Nghề báo với mình chắc đây là duyên nợ...” Nhà báo Liên Liên-Đài Truyền hình Việt Nam đã chia sẻ chuyện đời, chuyện nghề với Đại Đoàn Kết.

[Nhà báo Hàn Ni: Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng... gian khổ sẽ dành phần ai]

Những 'bông hồng thép' của làng báo

Nhà báo Liên Liên tác nghiệp tại chợ Long Biên.

Tôi từng mất ngủ triền miên vì... sợ

PV: Nghề báo vốn là nghề nguy hiểm, với mảng phóng sự, phóng sự điều tra vốn là mảng “xương” nhất của tờ báo, vì sao chị lại chọn nghề này và vì sao không phải là mảng khác mà lại là phóng sự điều tra thưa chị?

Nhà báo Liên Liên: Có thể là duyên nợ chăng khi mới bắt đầu vào nghề báo tôi được làm ở chuyên mục Chính sách Kinh tế và Cuộc sống. Qua quá trình làm việc, được tiếp xúc với những vấn đề từ thực tế cuộc sống của người dân, với mỗi vấn đề, tôi và ê-kíp phải xem chính sách có phù hợp thực tiễn không? Chính sách ấy vào cuộc sống nó sẽ tác động đến người dân thế nào, rồi đối chiếu quy định pháp luật có vướng mắc, chồng chéo, bất cập không…? Tôi nhập cuộc vào công việc nhanh chóng, mọi việc cứ cuốn mình vào và tôi đam mê, say nghề lúc nào không biết. Khác với các đồng nghiệp khác, họ có thể đã chuyển mảng còn tôi có cơ duyên với nghề báo và mảng điều tra như thế.

Hẳn trong quá trình tác nghiệp chị đã gặp rất nhiều khó khăn, vất vả kể cả những tình huống nguy hiểm đến tính mạng, xin chị có thể chia sẻ một vài kỷ niệm của một nữ phóng viên điều tra cho độc giả Đại Đoàn Kết?

- Trong quá trình làm nghề có rất nhiều tình huống gặp phải khiến tôi phải suy nghĩ, đặc biệt là khi mới bắt đầu vào nghề, kinh nghiệm ít, hiểu biết vừa phải, xử lý tình huống còn non nớt. Thời điểm đó tôi lo nghĩ rất nhiều dẫn đến mất ngủ triền miên vì…sợ và phải mua thuốc an thần để chữa bệnh mất ngủ. Thậm chí có những lúc tôi đã từng khóc và gọi điện cho những người anh chị trong nghề hỏi ý kiến…Cảm giác sợ sệt, bất an cũng giảm bớt dần đi theo năm tháng khi tôi quen dần với công việc của mình.

Sau này tôi nghiệm ra rằng, với mỗi một phóng sự của mình được phát sóng, nếu đảm bảo tính pháp lý, không sai sót gì thì không việc gì phải sợ. Người ta có kiện cáo dọa nạt hay làm gì đó mình cũng luôn sãn sàng đối diện. Đấy là sau này (cười) chứ lúc mới vào nghề dù bài viết của mình đúng nhưng mình chưa quen chịu áp lực, cho nên mình lo sợ, bất an.

Trong hơn 10 năm có rất nhiều kỷ niệm vui buồn của nghề báo. Tôi còn nhớ như in lần tôi thực hiện phóng sự những người vượt biên sang Campuchia đánh bạc. Chúng tôi mang rất nhiều máy quay đến sòng bạc nhưng ở đó kiểm tra an ninh nghiêm ngặt và toàn bộ máy quay của người quay phim bị tịch thu, chỉ duy nhất một mình tôi còn máy. Tôi giả bộ nghe điện thoại, tìm cách lách qua đám đông vào bên trong và thành công. Tôi hơi chủ quan vì nghĩ rằng người miền Nam, nhất là những người trốn sang Campuchia đánh bạc sẽ không biết mình là ai nên không hóa trang. Nhưng đến khi tôi tiến vào trong để chuẩn bị tác nghiệp, đi ngang qua một người đàn ông, người đó nhìn tôi chằm chằm sau đó anh ta dẫn một bảo vệ đến chỗ tôi. Nếu lúc đó tôi bị phát hiện đem theo máy quay, sẽ có rất nhiều tình huống xấu xảy ra. Đột nhiên người đàn ông kia chỉ vào tôi và nói: “Cô kia là phóng viên đấy”. Thời điểm nghe thấy hai từ “phóng viên”, tôi chỉ có một cách duy nhất là chạy khỏi đó thật nhanh và trở về Việt Nam ngay lập tức.

Câu chuyện thứ hai có phần gay cấn hơn. Đó là về vụ việc hoán cải vỏ bình gas. Địa điểm đó được bao vây bởi núi đồi cao rất khó tiếp cận, chỉ có một đường duy nhất đi vào là qua vườn cam. Khi chúng tôi đang di chuyển, đột nhiên xuất hiện một người đàn ông tay cầm hai con dao dài chặn lại. Chúng tôi hoảng hồn, chỉ sợ người đó làm gì mình nhưng vẫn phải cố bình tĩnh. Người đàn ông đó chính là chủ khu vườn và nghĩ chúng tôi vào ăn trộm cam. Sau một hồi giải thích, hỏi chuyện qua lại, chúng tôi biết được rằng ông chủ vườn cam không ưa gì nhà bên kia vì họ thường xuyên ném những mảnh kim loại từ vỏ bình gas sang vườn cam khiến ông dẫm vào và chảy máu nhiều lần. May mắn thay, sau khi biết việc chúng tôi định làm, ông đã nhiệt tình hỗ trợ để ê-kip có thể tiếp cận hiện trường một cách suôn sẻ. Đó là những kỉ niệm không bao giờ quên của tôi.

Người dân hiểu lầm trong tác nghiệp

Được biết khi loạt phóng sự về “bảo kê” ở chợ Long Biên của chị phát sóng, chị và gia đình chị đã từng bị đe dọa, xin chị chia sẻ tâm trạng, cảm xúc của chị lúc đó?

- Tôi nhận được tin nhắn đe dọa vào hoàn cảnh bất thường, là ban đêm sau khoảng 3 tháng phóng sự phát sóng. Tôi đã ngồi phân tích sao họ lại nhắn tin vào thời điểm này, rõ ràng khi mọi việc đang ở thời điểm lẽ ra họ im lặng sẽ có lợi hơn chứ không phải lên tiếng. Cá nhân tôi rất bất ngờ, bởi nếu họ dám nhắn tin vào thời điểm nhạy cảm như vậy là họ rất ngông cuồng, trong khi dư luận đang rất nóng lòng chờ đợi kết quả từ cơ quan công an, mọi sự chú ý đang tập trung vào chợ Long Biên mà họ dám làm như thế chứng tỏ họ đã thách thức dư luận, thách thức cơ quan thực thi pháp luật.

Được biết, có không ít phóng viên, nhà báo vì “lợi ích cá nhân” sẵn sàng “bán mình” để bẻ cong ngòi bút. Với một nhà báo có nhiều phóng sự điều tra chấn động dư luận như vậy hẳn đã không ít lần được đối tượng hẹn gặp, dàn xếp… chị đã vượt qua những cám dỗ ấy thế nào?

- Tôi có nguyên tắc, không nhận hồ sơ, thông tin trực tiếp và chỉ tiếp nhận hồ sơ thông tin thông qua email và đường bưu điện. Sau khi tôi đọc thông tin sẽ phản hồi cái nào làm, cái nào không làm, trả lời rõ lý do vì sao không làm. Tại sao tôi phải thận trọng như vậy là bởi không loại trừ trường hợp người ta cài bẫy mình, có đối tượng có thể là do bài từ trước rồi, mình đụng chạm tới, sau này họ tiếp cận bằng cách đưa thông tin cho mình để gài bẫy mình. Khi có thông tin ban đầu, cá nhân tôi sẽ tự tìm hiểu bằng nguồn độc lập, để loại trừ việc người ta làm hồ sơ giả mạo. Khi đảm bảo tính chính xác của thông tin tôi mới tiếp tục làm những bước tiếp theo. Yêu cầu tiên quyết trong thực hiện điều tra là bảo mật thông tin tới mức tối đa để hạn chế ít người biết về bài của mình. Có như thế bài báo sẽ ít bị can thiệp, hoặc ít có đối tượng tìm đến thỏa hiệp.

Đấy là trong quá trình tác nghiệp, nhưng có trường hợp sau khi phóng sự phát sóng có trường hợp người ta quay lại tìm cách tiếp cận, hoặc ngăn cản không cho mình làm tiếp hoặc gài bẫy mình. Nguyên tắc của tôi là thông tin của tôi đưa đúng hay không đúng, đề nghị các anh chị lên cơ quan chúng tôi tiếp, làm việc để tránh những tình huống xấu có thể xảy ra.

Vậy chị từng bị người dân hiểu lầm trong quá trình tác nghiệp chưa?

- Có chứ, chẳng hạn với vụ ở chợ Long Biên vừa mới xảy ra. Đó là khoảng thời gian phóng sự của mình chưa được lên sóng. Sở dĩ phóng sự của mình chưa được phát là bởi tôi muốn tìm thêm bằng chứng, đọc luật thật kỹ để chứng minh hành vi sai phạm của nhóm tội phạm.

Nói thật, không dễ để chứng minh hành vi phạm tội có tổ chức của các đối tượng. Khi mới bắt đầu, chúng tôi nhận được nhiều nguồn tin từ nhiều tiểu thương. Nhưng khi vào cuộc thì không phải ai cũng sẵn sàng ra mặt. Thực tế, trước đó nạn bảo kê ở chợ Long Biên đã được các tiểu thương phản ánh đến các cơ quan chức năng và báo chí. Tuy nhiên sự việc vẫn rơi vào im lặng khiến họ băn khoăn, lo lắng và mất dần niềm tin vào công cuộc đòi lại sự công bằng cho chính mình. Khi chưa thấy chúng tôi phát sóng, tiểu thương nghi ngờ nghĩ mình có thể bị mua chuộc nên trì hoãn. Thậm chí có nhiều người đã òa khóc làm chúng tôi rất bối rối. Nhưng chúng tôi cũng chỉ cố thuyết phục họ tin mình. Chúng tôi đã cố hoàn thiện bài viết để người dân có niềm tin vào cuộc sống, tin vào công lý. Sau khi phóng sự được phát sóng cá nhân tôi thấy tự hào vì đã góp phần đóng góp công sức nhỏ bé của mình lấy lại công bằng cho các tiểu thương ở chợ.

Những 'bông hồng thép' của làng báo - 1

Nhà báo Liên Liên trong một lần đi tác nghiệp.

Không phải lửa nghề lúc nào cũng cháy

Nghề báo khó nhọc, nguy hiểm là vậy, trong khi thu nhập từ nghề báo là tương đối thấp, chị đã từng có ý định bỏ nghề hay chưa? Vì duyên nợ, vì tình yêu hay vì lý do nào khác mà chị gắn với nghề báo?

- Với cá nhân tôi không mắc chuyện lương, thưởng. Chúng ta hoàn toàn có thể sống được bằng nghề nếu lao động nghiêm túc. Làm ở mảng điều tra, quan trọng nhất là chịu được áp lực. Cá nhân tôi từng gặp những chuyện rất áp lực làm sao phải vượt được qua nó đấy là điều không dễ. Mình bảo rằng lửa nghề lúc nào cũng cháy thì không phải, có những sự việc quả thực mình cố làm nhưng hiệu quả không được như mình mong muốn có đôi chút thất vọng, mệt mỏi.

Nhiều khi chính tôi cũng không lý giải được vì sao lại gắn bó với nghề báo. Bảo là đam mê thì sáo rỗng, không biết có phải là đam mê không nữa, có lúc công sức của mình bỏ ra không hiệu quả tôi đã rất buồn, nhưng khi có người dân cung cấp thông tin hay là mình cứ đắm đuối với nó, bị cuốn vào và quên mọi chuyện khác. Làm phóng viên điều tra áp lực lắm, đặc biệt là với phụ nữ, đó là lý do khiến nhiều người chỉ làm một thời gian là chuyển mảng, đổi nghề thế mà tôi vẫn cứ say nghề. Mình có thể chọn đường dễ đi hơn thế mà vẫn cứ đâm đầu vào cái khó…Nghề báo với mình chắc đây là duyên nợ.

Day dứt, áy náy với các con

Sự say nghề như chị nói có lẽ sẽ lấy đi rất nhiều thời gian trong quỹ thời gian của chị, liệu điều này có làm khó chị trong quá trình chăm sóc, nuôi dạy con cái?

- Đó là điều trăn trở không chỉ với cá nhân tôi mà còn với các nữ nhà báo, đặc biệt là phụ nữ làm mảng điều tra. Đôi lúc sự đam mê công việc đã cuốn mình đi khiến mình day dứt, áy náy với các con. Với những phóng sự phải quay vào đêm, tôi cố dỗ cho con ngủ rồi mới đi, vì công việc phải đi nhưng vẫn áy náy. Làm con của các nữ nhà báo thiệt thòi như vậy đấy, thương con, xót con nhưng tôi đành phải nghĩ một cách tích cực rằng: Để con độc lập sớm cũng tốt. Trong khoảng thời gian mình phải làm việc, không có mình bên cạnh, con mình sẽ cứng cáp hơn. Có thể đó là sự biện minh của người mẹ không đủ thời gian làm cho con mình, tôi luôn tự nhủ như vậy, nhưng mà (cười buồn) trong hoàn cảnh ấy mình cũng nghĩ theo chiều tích cực này sẽ tốt hơn cho cả hai.

Đừng ngồi phán đoán hãy nhanh chóng nhập cuộc

Nghề báo cho chị điều gì? Điều gì khiến chị trăn trở nhất hiện nay? Nếu có một lời khuyên, chị sẽ nói gì với những phóng viên làm điều tra, đặc biệt những bạn trẻ mới vào nghề?

- Cái được nhất là nhãn quan cuộc sống, để mình có thể đóng góp được điều gì đó cho xã hội. Tôi đi nhiều tiếp xúc nhiều mảnh đời, tầng lớp, biết nhiều hơn, từ đó góc nhìn của mình rộng hơn, những tác phẩm mình viết ra càng có chiều sâu hơn, có hiệu ứng tốt trong xã hội. Quan trọng của nghề báo là hiểu biết, mình càng đi nhiều thì hiểu nhiều điều hơn.

Còn điều trăn trở nhất với các nhà báo có lẽ là tính pháp lý trong bảo vệ nhà báo. Sau nhiều năm làm nghề, tôi có thể tạo dựng nhiều mối quan hệ cho mình như mình có nhiều bạn là luật sư, bạn trong lĩnh vực thực thi pháp luật, để khi mình gặp chuyện gì nhờ hỗ trợ. Nhưng với người trẻ, thì cảm thấy không phải lúc nào đi làm cũng nhận được những sự hỗ trợ. Mình viết 1 tác phẩm nếu đứng danh nghĩa 1 cơ quan nhờ hỗ trợ của cơ quan nọ, cơ quan kia chắc rất khó. Bởi cơ quan nào cũng có chức năng nhiệm vụ riêng của họ không phải lúc nào cũng có trách nhiệm đi bảo vệ mình được. Trong quá trình tác nghiệp phóng viên phải tự lên phương án, kế hoạch để tự bảo vệ chính mình trước. Đây là khó khăn nhất trong tác nghiệp của phóng viên điều tra.

Để nói điều gì đó với các bạn trẻ thì theo thôi các bạn cứ hãy làm, có làm mới biết điều mình làm có mang đến điều gì không chứ đừng ngồi phán đoán. Lần này thất bại có thể lần sau thành công vì mỗi tác phẩm mang đến cho độc giả sẽ có hiệu ứng, tác dụng rất cụ thể. Hãy đóng góp, hãy làm bằng hết nhiệt huyết của mình nếu muốn trụ lại với nghề.

Trân trọng cảm ơn chị!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những 'bông hồng thép' của làng báo

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO