Những công trình của trái tim

Trần Thanh Phương 07/02/2019 09:00

Bán đảo Cà Mau là nơi nhiều thế hệ người Việt đi mở đất. Cũng chính tại đây, hàng triệu người chỉ nghe mà chưa một lần gặp mặt Bác Hồ. Ấy vậy mà sau khi Bác nằm xuống, đã có hơn 20 đền thờ được dựng lên từ những trái tim. Có lẽ nơi này là vùng đất có nhiều đền thờ Bác nhất trong cả nước.

Những công trình của trái tim

Dòng người đến viếng đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Cà Mau (2013).

Có câu chuyện cảm động: Hồi kháng chiến “chín năm”, tại xóm Rạch Tàu cũng nơi chót mũi Cà Mau, trong rừng đước, có một bàn thờ nhỏ. Dưới mái che bàn thờ là bức hoành cũng nhỏ ghi hai chữ nho lớn: NHẬT - NGUYỆT. Được hỏi bàn thờ này có từ bao giờ, một cán bộ huyện Ngọc Hiển nói:

- Tôi có người bác ruột tên là Tư Minh đã tham gia khởi nghĩa Nam Kỳ năm 1940, nhưng sau bị giặc truy lùng ráo riết, nên trốn về đây. Cuối năm 1946, giặc Pháp đến chiếm vùng này. Bác tôi làm nghề bắt sò, đánh cá, đốt than đước để dò la tin tức địch, báo cho cách mạng. Bác tôi dựng lên cái am nhỏ này. Không có lư hương, chỉ viết hai chữ NHẬT- NGUYỆT nằm ngang. Nghĩa là có hoành phi, không có câu đối. Giữa năm 1948, có một sĩ quan ngụy, tóc đã hoa râm, hỏi bác tôi về hai chữ này. Bác nói, đại ý: Khắp nước Việt Nam, mặt trời, mặt trăng mọc ở phương Đông rồi lặn ở phương Tây, nhưng nơi bị cây che, nơi bị núi lấp, không ai thấy được cả mặt trời lặn và mọc. Riêng ở đây- cũng chỉ ở đây thôi, thì thấy cả mặt trời lặn với mặt trăng mọc từ chân trời bên này qua chân trời bên kia thong dong thảnh thơi, rõ ràng nên tôi để NHẬT- NGUYỆT cho vui cảnh, đó mà! Người sĩ quan nhíu mày, ngẫm nghĩ, rồi mỉm cười nói:

Ý nghĩa sâu xa chắc là khác. Có thấy được mặt trời, mặt trăng như bác vừa nói, cũng phải có tấm lòng kẻ sĩ hay sĩ phu, chứ không phải là sĩ quan ngụy như tôi, phải không bác?
Nghe xong, bác tôi giật mình nhìn người sĩ quan không chớp: Chẳng là NHẬT - NGUYỆT ghép lại thành chữ Minh, tên Bác Hồ của chúng ta. Mặt trước am lại hướng ra Bắc đó, anh thấy không. Còn người sĩ quan khi nói chỉ có tấm lòng kẻ sĩ hay sĩ phu mới hiểu được NHẬT- NGUYỆT, tức là muốn nói hai chữ Sĩ, Tâm ghép lại thành chữ Chí bên cạnh chữ Minh để tỏ ý đã hiểu thấu tim đỏ của bác tôi.

Người sĩ quan này vốn tốt, cho nên đã về hàng ngũ ta cuối năm 1949. Đó là đại úy Nguyễn Thành Niêm, tức anh Hai Niêm, sau này là cán bộ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam tỉnh Sa Đéc.

Cho đến giữa tháng 9/1969, bác tôi mới đặt lên giữa tấm ván một bát hương bằng đất nung, bác thắp và cắm nhang xong, lấy ra trong túi xách hai vuông khăn trắng. Bác tôi quấn khăn lên đầu để tang và bảo tôi làm theo. Bác tôi nhìn lên bàn thờ rồi nói giọng nghẹn ngào: Bác Hồ qua đời rồi, cháu ơi. Nhưng Bác Hồ đã ở nơi sơn cùng thủy tận này từ lâu và mãi mãi còn ở trong lòng con cháu miền cực Nam, trong lòng bác cháu mình.

Cũng ở mũi Cà Mau, cách đây 64 năm do nhà văn Đoàn Giỏi thuật lại. Chuyện không phải kể về đền thờ Bác Hồ mà chuyện nói về lòng dân với Bác, với Thủ đô Hà Nội. Sau ngày ký kết Hiệp định Giơ ne vơ năm 1954, nhà văn cùng một vài chiến sĩ về thăm Năm Căn. Bà má Năm Căn luộc một rổ tôm, ăn với bánh tráng Rạch Giá, một món ăn dân dã khá hấp dẫn . Ngẫm nghĩ một lúc, má nói:

- Chừng nào các con tập kết ra Bắc? Bộ đội định đi hết hay sao?

- Các con cũng chưa biết chừng nào đi, má à. Một chiến sĩ trả lời.

- Chúng mày giấu tao làm gì. Tao hỏi như vậy là để biết chừng nào các con đi để tao gửi mắm và than đước ra biếu Cụ Hồ và các con ngoài đó.

Ngừng một lát, má nói tiếp:

- À, tao nghe nói ở Hà Nội có hồ Hoàn Kiếm, giữa hồ có cái Tháp Rùa, tao muốn gửi tụi bay một cây đước ra trồng ngoài đó để tỏ tấm lòng bà con tận mũi Cà Mau luôn luôn nằm trong trái tim của Tổ quốc, gần gũi Cụ Hồ.

Thế là cây đước theo đoàn quân xuống tàu ra Bắc và được trồng ở đảo nhỏ bên cạnh Tháp Rùa ở Hồ Gươm. Nhưng do thổ nhưỡng không hợp với loại cây ở vùng nước mặn có thủy triều lên xuống, cây đước này không phát triển được.

Tục thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tỉnh Cà Mau là một loại hình tín ngưỡng thờ cúng ông bà tổ tiên vừa là tín ngưỡng thờ các anh hùng dân tộc, vừa là tín ngưỡng dân gian, lại cũng vừa mang màu sắc hiện đại, tất cả chứa đựng những giá trị văn hóa hết sức phong phú và đa dạng. Đối với người Việt, việc thờ cúng như trở thành một thứ tôn giáo, ngay cả những gia đình không tin thần thánh cũng đặt bàn thờ tổ tiên trong nhà. Người miền Nam gọi là Đạo Ông Bà. Sau khi Bác Hồ mất, đền thờ được xây dựng đầu tiên ở Cà Mau là tại ấp Trại Lưới, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển.

Người vào rừng tìm những cây đước đẹp nhất mang về làm cột, người đi mua lá dừa nước về làm tấm lợp, người làm thợ mộc tìm cưa, bào, đục… làm khung nhà. Đền thờ chỉ vuông vức mỗi cạnh 4 m, kê táng trên sàn cao, ván lót gỗ đước, vách đóng bằng ván cây mắm, một loại cây tiêu biểu cho rừng ngập mặn vùng này. Một cán bộ ấp Trại Lưới hồi ấy- ông Hai Khá, chở bộ tranh thờ ông bà ở nhà đến và mua một chiếc lọ bằng sành làm lư hương. Ông mang một con gà luộc chéo cánh đúng theo nghi lễ, bình trà, nhang, đèn trân trọng đặt trên bàn thờ. Khó nhất là tìm đâu cho có tấm hình Bác Hồ. Cuối cùng thì cũng thỉnh được hình Bác. Cho đến bây giờ, hỏi nhiều người tại sao lại có ảnh Bác giữa rừng sâu hẻo lánh này? Chưa ai trả lời, mà chỉ đặt tay lên ngực, nơi có trái tim.

Một đền thờ khác mà bà con ở đây gọi là Phủ thờ Bác Hồ. Nhân dịp Kỷ niệm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, ngày 26/3/1973, Huyện Đoàn Thới Bình quyết định xây dựng Phủ thờ Bác tại ngã tư Kênh Bảy, ấp 6, xã Trí Phải, nay là xã Trí Lực. Người nghĩ ra công trình trái tim này là ông Huỳnh Đảm - nguyên Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam. Mà lúc bấy giờ ông là Bí thư Huyện Đoàn Thới Bình. Phủ thờ xây dựng trong điều kiện hết sức cam go. Đồn địch giăng ba phía. Nhiều bậc phụ lão kể lại: Từ năm 1969 đến năm 1972, huyện Thới Bình có 35 đồn bốt, trong đó có căn cứ pháo binh Tám Ngàn rất kiên cố. Bọn sư đoàn 21 và sư đoàn 9 liên tục càn quét, đánh phá ác liệt. Công việc cất Phủ thờ không giấu giếm, không phải lén lút. Một cuộc vận động lớn, công khai. Cho nên Phủ thờ coi như thách thức, bẹo gan giặc. Trên bản đồ quân sự địch, chúng đã đánh dấu những chấm đỏ nơi đây có “nhiều nóc gia là cộng sản nòi”. Cuối năm 1954, một bà má ở xã Trí Phải, má Lê Thị sảnh (1903-1986) đã bứng một cây vú sữa nhỏ kính gửi biếu Cụ Hồ và Bác đã trồng bên cạnh nhà sàn Bác ở trong Phủ Chủ tịch. Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Tây Nam Bộ ra đời cũng tại xã Trí Phải. Và còn bao chuyện khác chạm đến trái tim.

Cho nên nếu không nhắc lại một chuỗi dài những sự tích anh hùng, những tấm lòng cao đẹp kia, không ít người trong chúng ta tự hỏi không hiểu làm sao chúng ta chứ không ai khác làm nên nhiều kỳ tích đến như vậy.

* Ở nơi mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc ta trên đất liền chồm ra đại dương mênh mông này, còn có biết bao đền thờ mãi mãi trường tồn. Đó là lòng dân. Trong nhiều gia đình tự lập bàn thờ Bác bên cạnh bàn thờ ông bà, cha mẹ. Ngày giỗ Bác không ít gia đình sửa soạn mâm cơm, thắp nén nhang thơm mời Bác về nếm ly rượu, chén trà… Nửa thế kỷ nay, như một tập tục truyền thống đẹp, không ai bảo ai, con tim luôn nhắc bảo hãy làm nghĩa cử của người con trung hiếu. Thật khó mà nói, ai là người đầu tiên nảy ra việc lập nên những đền thờ Bác Hồ nơi vùng đất xa xôi này?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Những công trình của trái tim

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO