Ra mắt Phòng tư liệu nhà báo Trần Thanh Phương

Thành Luân 07/03/2017 17:00

Ngày 7/3, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP HCM tổ chức trang trọng lễ ra mắt Phòng tư liệu nhà báo Trần Thanh Phương tại số 69 Lý Tự Trọng, phường Bến Thành, quận 1.

Phòng tư liệu Nhà báo Trần Thanh Phương thu hút đông đảo độc giả
ngay trong ngày ra mắt. (Ảnh: Hồng Phúc).

Ở tuổi 77, nhà báo Trần Thanh Phương, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Đại Đoàn Kết bày tỏ xúc động trong ngày trao tặng “kho tư liệu” của mình cho Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Ông cho biết, năm 2013 ông bắt đầu tổ chức triển lãm đầu tiên, với việc công bố tất cả gia sản “tài liệu” sưu tập trong 40 năm tại Thư viện Khoa học Tổng hợp TP HCM. Vào thời điểm đó, Bộ sưu tập “Nhà báo Trần Thanh Phương và những trang tư liệu” đã thu hút đông đảo bạn đọc đến thưởng lãm, giao lưu, đặc biệt là giới làm báo viết văn.

Lần này, khi sức khỏe đã yếu, ông có ý nguyện trao tặng lại trọn bộ sưu tập của mình cho Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, cùng với gần 3.000 cuốn sách và tư liệu (199 cuốn báo cắt dán; 650 ảnh, chân dung, bút tích các nhà văn, 2 đĩa CD) do chính ông viết và sưu tầm trong nhiều năm, với mong muốn giới thiệu đến rộng rãi công chúng về niềm say mê và miệt mài lao động trong việc đọc, chọn lọc và lưu giữ tư liệu của một nhà báo từ khi bước vào nghề cho đến tuổi lão thành.

Trong hơn 38 năm trực tiếp làm báo, nhà báo Trần Thanh Phương viết hơn 1.000 bài báo và xuất bản 33 cuốn sách về văn học nghệ thuật, khảo cứu, hồi ký và sưu tầm biên soạn. Đặc biệt, trong 50 năm từ khi bắt đầu bước chân vào nghề báo (1967), nghiên cứu và làm việc, nhà báo Trần Thanh Phương và phu nhân là bà Phan Thu Hương đã sưu tầm 150 hình ảnh, bút tích các nhà thơ, nhà văn, được trích chọn trong 700 chân dung và bút tích nhà văn nước ta, và cắt báo dán hơn 120 tập tư liệu báo chí.

Nhà báo Trần Thanh Phương cùng bạn bè, đồng nghiệp
trong ngày ra mắt phòng tư liệu. (Ảnh: Hồng Phúc).

Nhà báo Trần Thanh Phương cũng vinh dự được Trung tâm sách Kỷ lục Việt Nam (VietBooks) xác lập 3 kỷ lục, gồm “Người có bộ sưu tập bài báo nhiều nhất Việt Nam”; “Người có quyển sách sưu tập các bài báo có kích thước lớn nhất Việt Nam” và “Người có bộ sưu tập chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam nhiều nhất Việt Nam”.

Tại lễ ra mắt phòng tư liệu nhà báo Trần Thanh Phương, bà Phan Thu Hương xúc động khi nhắc đến công việc sưu tầm tư liệu của chồng mình: “Công việc của anh Phương có rất nhiều người đã làm, nhưng anh Phương hơn được một số người là anh ấy có đam mê và rất say mê, kiên trì trong sưu tầm, cắt dán tài liệu. Từ năm 1967 - 1975 khi còn ở miền Bắc thì anh ấy đã sưu tầm, sau đó trở vào miền Nam khi điều kiện đi lại khó khăn hơn nhưng được cái thuận lợi là “cái nôi” của báo chí nên chúng tôi đã tiếp tục dày công sưu tầm với nhiều lĩnh vực, chủ đề khác nhau”.

Những năm gần đây, nhà báo Trần Thanh Phương cùng vợ mình tiếp tục sưu tầm các bài báo (chủ yếu đăng tải trên các báo in) về các chủ đề “Formosa”; “chất độc da cam”,… là những chủ đề được dư luận xã hội quan tâm. Bản thân nhà báo Trần Thanh Phương, đến nay dù sức khỏe đã yếu, nhưng ông vẫn tự hào vì trong quá trình tìm kiếm tài liệu, nhất là khi đến gặp mặt từng nhà văn để xin chân dung và bút tích của họ thì nhiều người đã rất trân trọng công việc của ông.

Một góc trưng bày tại phòng Tư liệu nhà báo Trần Thanh Phương
sáng 7/3. (Ảnh: Hồng Phúc).

Đó là những kỷ niệm đối với nhà văn Sơn Nam khi nhà báo Trần Thanh Phương đến liên hệ thì được nhà văn Sơn Nam gửi luôn cho một bản thảo đầy rẫy những chỉnh sửa cùng dòng chữ “Sơn Nam dành cho đồng chí Trần Thanh Phương lưu trữ cho vui”. Có một số nhà văn “cho chữ” khi đang nằm trên giường bệnh, chẳng hạn như nhà thơ Chính Hữu, Nhà văn Nguyễn Minh Châu…

“Anh Chế Lan Viên là một trong những người giúp đỡ, động viên tôi hết mực. Ngoài cho tài liệu, anh còn tặng tôi một số danh thiếp quí hiếm của những cán bộ lãnh đạo cao cấp nước ta hoặc các nhà văn thế giới mà anh có dịp gặp gỡ tại các hội nghị quốc tế. Tôi nhớ nhất câu anh hay nói với tôi: Trên đời, mình thích nhất hai loại người: người có tài và người có tài liệu. Phương có tài hay không mình chưa biết, nhưng Phương có tài liệu”, nhà báo Trần Thanh Phương hồi tưởng lại.

Theo ông Bùi Xuân Đức, Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp TP HCM, những bộ sưu tập của nhà báo Trần Thanh Phương có giá trị trên nhiều lĩnh vực, mang nội dung về lịch sử oai hùng, đất nước tươi đẹp; con người Việt Nam cần cù, thông minh; về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu; các hoạt động cách mạng nổi tiếng của Việt Nam; những tấm gương sáng của đồng bào, chiến sĩ, cán bộ trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc; các loại hình nghệ thuật dân tộc, những ngành nghề truyền thống; những vụ thiên tai lớn ở nước ta và trên thế giới; những người làm công tác khoa học, văn học nghệ thuật nổi tiếng và cuộc sống của người Việt Nam ở nước ngoài…

Với việc tiếp nhận một kho tư liệu đồ sộ, ông Bùi Xuân Đức hy vọng Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh sẽ đưa đến cho đông đảo bạn đọc và công chúng thành phố góc nhìn đầy đủ hơn về một giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước, được vợ chồng nhà báo Trần Thanh Phương dày công sưu tầm, biên soạn….

Nhà báo Chu Ninh, Trưởng Ban Đại diện Báo Đại Đoàn Kết trao lẵng hoa của Báo chúc mừng nhà báo Trần Thanh Phương trong ngày ra mắt phòng tư liệu. (Ảnh: Hồng Phúc).

Nhà thơ Hồng Thanh Quang, TBT báo Đại Đoàn Kết trân trọng gửi đến nhà báo Trần Thanh Phương lẵng hoa chúc mừng. (Ảnh: Hồng Phúc).

Nhà báo Trần Thanh Phương ký tặng sách bạn đọc trong ngày ra mắt phòng tư liệu. (Ảnh: Hồng Phúc).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ra mắt Phòng tư liệu nhà báo Trần Thanh Phương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO