Rạp chiếu phim nhà nước: Bỏ thì thương, vương thì tội

Hoàng Minh 01/06/2016 11:05

Trang thiết bị lạc hậu, doanh thu thấp, nhiều rạp phim tại một số địa phương trong tình trạng báo động đã bị thu hồi hoặc có nguy cơ bị thu hồi để sử dụng vào mục đích khác, khán giả đến xem phim ngày càng ít vì rạp không đáp ứng được nhu cầu của người xem.

Rạp chiếu phim nhà nước: Bỏ thì thương, vương thì tội

Phát hành phim nhà nước hiện là câu chuyện buồn. (Ảnh minh họa).

Việc đi tìm lời giải cho công tác phát hành, phổ biến phim tại địa phương nói chung đến nay vẫn đang là bài toán khó chưa có lời giải… Những nội dung đó đã được đưa ra thảo luận tại hội thảo “Giải pháp đẩy mạnh công tác phát hành - phổ biến phim tại rạp của Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương khu vực phía Bắc” diễn ra sáng 31/5 tại Hà Nội.

Lạc hậu mọi bề

Hội thảo có sự tham gia của hầu hết các Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng khu vực phía Bắc. Ý kiến của đại đa số các đại biểu đều phân tích thực trạng “khó” và “rất khó” trong công tác phát hành phim hiện nay. Theo báo cáo của Cục Điện ảnh: hiện nay các trung tâm/công ty phát hành phim và chiếu bóng do nhà nước quản lý có 58 rạp đang hoạt động với 103 phòng chiếu. Trong đó, 10 rạp không hoạt động; 25 rạp đã chuyển đổi mục đích sử dụng; 18 trung tâm phát hành phim và chiếu bóng không có rạp chiếu phim. Bên cạnh đó, về nguồn phim và tỉ lệ chiếu phim Việt Nam, số liệu thống kê năm 2015 về phim chiếu rạp thì phim truyện Việt Nam sản xuất là 41; Phim truyện nước ngoài nhập khẩu là 199 phim nhưng đều do các công ty tư nhân công ty cổ phần, công ty liên doanh nắm giữ và điều tiết hoạt động phát hành - phổ biến phim tại rạp. Ngoài ra, theo bà Ngô Phương Lan – Cục trưởng Cục Điện ảnh, điều đáng buồn là ngay tại hệ thống rạp của các trung tâm (công ty) phát hành phim và chiếu bóng các tỉnh, thành phố hầu như chưa được trang bị hệ thống máy chiếu kỹ thuật số chuẩn 2K nên các bộ phim Việt Nam sản xuất và phim nước ngoài nhập khẩu theo công nghệ mới không tương thích nên không thể chiếu phim.

Hiện nay hệ thống rạp của các trung tâm phát hành phim và chiếu bóng nhà nước yếu là chiếu phim được đặt hàng, tài trợ thông qua hệ thống máy chiếu HD và do đơn vị tự khai thác… Nhưng đó chưa phải là tất cả, ông Trần Hồng Tuyến – Giám đốc Trung tâm phát hành và chiếu bóng Sơn La cho hay thực tế rạp chiếu phim tại địa phương vẫn chưa đáp ứng phục vụ các tầng lớp nhân dân. “Sơn La không có rạp chiếu phim. Người dân ở tỉnh chúng tôi chưa biết phim chiếu rạp là như thế nào”- ông Tuyến ngậm ngùi.


Ông Bùi Thế Lâm – Giám đốc Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Hải Phòng cho biết hiện địa phương có số lượng rạp chiếu phim thuộc loại nhiều nhất nước (3 rạp). Tuy nhiên dù có đầu tư trang thiết bị đến đâu thì rạp nhà nước vẫn hoàn toàn thất thế so với các đơn vị tư nhân. Đơn cử, hầu như các phòng chiếu từ có từ 300 đến 350 ghế, nhưng hàng ngày đều không mở được buổi chiếu và có chiếu thì cũng chỉ có đến 2 đến 4 người xem. Ông Lâm cũng thổ lộ: “Có nhà đầu tư đề nghị xã hội hóa, góp vốn cải tạo rạp, nhưng xin hết Sở nọ đến Sở kia mà vẫn không được duyệt”.

Xóa bỏ hay tồn tại?

Theo đại diện các hãng phim tư nhân thì không hẳn họ đang “đè” các hãng phim nhà nước. Bà Nguyễn Thị Bích Phượng - Phó Giám đốc Công ty Bình Hạnh Đan (BHD) bày tỏ: Bản thân BHD thấy nhu cầu khán giả Việt Nam thích phim Việt Nam, chúng tôi cũng đầu tư thêm các cụm rạp, môi trường tốt để biến khu chiếu phim, thành khu giao tiếp hoạt động cộng đồng, trao đổi văn hóa. Khó khăn là các rạp địa phương không có phim bom tấn chiếu, nếu có cơ hội BHD sẵn sàng chia sẻ với các tỉnh thành. Việc chia sẻ với các tỉnh thành đã được BHD thực hiện từ 10 năm nay, chưa kể công ty thường xuyên cung cấp cho các địa phương những bộ phim mà tiền vận chuyển có khi nhiều hơn tiền các trung tâm chiếu phim chuyển về lại. Theo bà Phượng, kỹ thuật của các rạp nhà nước hiện nay không phù hợp, các phim giờ dùng hệ thống kỹ thuật số, phải dùng khóa mở để bảo vệ bản quyền. Sau đó, việc phát hành phim không đơn giản là chỉ phát hành ở rạp mà còn phát hành nhiều phạm vi bản quyền khác. Vì vậy khi ký kết với các đối tác khác có chuyện ràng buộc, nên khi chuyển sang các định dạng khác HD, video… thì phải rất lâu sau mới có phim…

Được biết, trong ngày 2-6 tới, hội thảo Giải pháp đẩy mạnh công tác phát hành, phổ biến phim tại rạp của hệ thống trung tâm phát hành phim và chiếu bóng nhà nước tại khu vực phía Nam sẽ được tổ chức. Đây là nỗ lực của Cục Điện ảnh nhằm cùng với các địa phương vực dậy hệ thống phát hành, chiếu phim trên cả nước. Tuy nhiên, với thực tế phát hành và chiếu phim hiện tại dường như câu chuyện về rạp chiếu phim nhà nước vẫn chưa có hồi kết. Trong xu thế cạnh tranh hiện nay, nhiều người cho rằng hệ thống rạp nhà nước đã tồn tại bấy lâu bỏ thì thương mà vương thì tội…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Rạp chiếu phim nhà nước: Bỏ thì thương, vương thì tội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO