Tiếp tục tìm hướng nghiên cứu 'Sắc mệnh chi bảo'

Minh Quang- Minh Quân 27/05/2016 07:56

Ngày 25/5, Bộ VHTT&DL tổ chức họp Hội đồng giám định cổ vật để giám định hiện vật ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” phát hiện trong đợt khai quật khảo cổ học tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội.  

Ấn “ Sắc mệnh chi bảo”.

Năm 2014, trong đợt khai quật khu khảo cổ học Vườn Hồng (hố khai quật G18, khu G), ấn “Sắc mệnh chi bảo” được tìm thấy trong tầng văn hóa nguyên vẹn, không bị xáo trộn thời Trần (thế kỷ 13-14), cùng phát hiện còn có nhiều hiện vật gỗ, gốm sứ… cùng niên đại. Ngay sau đó, chiếc ấn gỗ này được các nhà khảo cổ học dành sự quan tâm đặc biệt bởi tính độc đáo.

Từ tháng 10/2014 đến tháng 12/2015, ấn được nghiên cứu chỉnh lý và trưng bày sơ bộ tại phòng trưng bày của Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long. Chiếc ấn trở nên nổi tiếng và tạo nhiều luồng dư luận bắt đầu từ ngày mùng 9 Tết âm lịch (16/2/2016) khi Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long- Hà Nội tiến hành thử khai ấn tại khu vực điện Kính Thiên.

Dù chỉ là thử nghiệm, song cũng gây ra một cuộc tranh luận về nguồn gốc, chất liệu của ấn cùng như sự hoài nghi về niên đại và cả những lo lắng, phải chăng Hoàng thành Thăng Long cũng sẽ có màn phát ấn như ở đền Trần Nam Định?

Nhằm lấy ý kiến đóng góp chia sẻ của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về hoạt động thể nghiệm lễ khai ấn tại khu vực Điện Kính Thiên (Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội), ngày 26/2, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã tổ chức tọa đàm khoa học về ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” phát hiện trong đợt khai quật khảo cổ học tại Hoàng thành Thăng Long năm 2012 - 2014. Tại đây, một lần nữa những giá trị và nguồn gốc của ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” được đưa ra bàn thảo kỹ càng.

Tại hội thảo đó, vẫn tồn tại ít nhất là hai luồng quan điểm khác nhau. PGS. TS Tống Trung Tín, nhà sử học Lê Văn Lan đưa ra nhiều luận cứ, luận điểm khoa học dựa trên các kết quả nghiên cứu khảo cổ học, lịch sử học để khẳng định rằng “Sắc mệnh chi bảo” là chiếc ấn thật, có thật.

Nhưng theo PGS.TS Nguyễn Công Việt, bây giờ rất cần phải định danh cho hiện vật. Trong đó, với ấn phải có 2 phần là đế ấn và núm ấn. Tuy nhiên với ấn gỗ “Sắc mệnh chi bảo” chỉ có phần đế ấn, núm đã bị mất. Trong đó, đế ấn bị chẻ đôi nhưng rất cân bằng cũng đang đặt ra câu hỏi nguyên trạng ấn là như vậy hay bị vỡ. Từ đó, cũng đặt ra một giả thiết đây cũng chỉ có thể chỉ là một khuôn đúc ấn...

Còn GS.TSKH Vũ Minh Giang cho rằng, việc tìm ra chiếc ấn gỗ đã tạo ra những bất ngờ và nghi ngờ. Giả sử nó không phải là ấn thật thì sao, tại sao chúng ta không nghiên cứu theo hướng đó. Đặc biệt, theo TS Phạm Quốc Quân, muốn tái hiện lễ khai ấn thì cần phải nghiên cứu kịch bản cụ thể, thời gian, đối tượng tham gia là ai? Bởi hiện nay có nhiều lễ hội khai ấn đang bị làm méo mó đi hình ảnh trang nghiêm, thành kính vốn có.

Khi ấy, mặc dù còn nhiều tranh cãi về hình khối, chữ viết, chất liệu và cả tầng văn hóa tìm thấy, song các nhà khoa học trong cuộc tọa đàm đã thống nhất được một điểm: Không phát ấn tại Hoàng thành Thăng Long. Phân tích của GS Phan Huy Lê được nhiều người đồng tình hơn cả: Tuy chưa đi đến kết luận cuối cùng về ấn “Sắc mệnh chi bảo”, nhưng với những gì chúng ta đã nhận thức được, thì đây là một di vật rất quý, cần phải phát huy giá trị. Có thể theo hai xu hướng, thứ nhất là tổ chức khai ấn, phát ấn; thứ hai là coi ấn như một cổ vật cần gìn giữ. Tuy nhiên, “Sắc mệnh chi bảo” phù hợp với giá trị của ấn, mang tính chất văn hóa, lịch sử. Phát huy như thế nào cần cân nhắc thêm nhưng có lẽ cách phát huy được mọi người ủng hộ nhất là có thể in ra trên các tấm lụa quý rồi làm viền đẹp thành những tặng phẩm để tặng cho khách du lịch và bạn bè quốc tế. Và tuyệt đối không tổ chức khai ấn rồi đóng ấn và phát ấn rộng rãi như ở đền Trần (Nam Định).

Trở lại với cuộc họp “kín” của Hội đồng giám định cổ vật tại Bộ VHTT&DL vừa rồi, đại diện Cục Di sản Văn hóa cho biết: Cuộc họp sáng 25-5 chỉ nhằm mục đích, xây dựng kế hoạch nghiên cứu về ấn “Sắc mệnh chi bảo” chứ không bàn đến niên đại hoặc có đúng là “Sắc mệnh chi bảo”, bởi nó đã được xác định là hiện vật rất quan trọng rồi. Bây giờ chỉ là nghiên cứu theo hướng nào thôi. Theo PGS.TS Tống Trung Tín, cuộc họp hôm rồi cũng là nhằm thăm dò xem có ý kiến gì khác và khác như thế nào. Bên cạnh đó, cần làm rõ, tại sao lại là chất liệu ấn gỗ, tại sao lại có hình dạng đó, núm ấn đi đâu…

Được biết, trong thời gian tới, “Sắc mệnh chi bảo” sẽ tiếp tục được các nhà nghiên cứu theo nhiều hướng như: khảo cổ, tài liệu (tài liệu liên quan đến ấn đời Trần, các tài liệu về “Sắc mệnh chi bảo”- lịch sử có gì liên quan đến “Sắc mệnh chi bảo” hay không, thư pháp cổ…). Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội cũng cho hay, sẽ có thông báo cụ thể về hướng nghiên cứu “Sắc mệnh chi bảo” trong thời gian sớm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tiếp tục tìm hướng nghiên cứu 'Sắc mệnh chi bảo'

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO