Trưng gà đón Tết

Hữu Thái 15/01/2017 10:19

Xuân Đinh Dậu cận kề, nhiều họa sĩ đã và chuẩn bị ra mắt những triển lãm mỹ thuật lấy hình tượng con gà làm chủ đạo.

Tranh của Đỗ Dũng.

Sớm nhất phải kể đến triển lãm “Dậu Dome” vừa khai mạc chiều 13/1 tại Trung tâm Thương mại Hàng Da, Hà Nội. Lấy hình tượng gà- 1 trong 12 con giáp của “vòng tuần hoàn thập nhị địa chi” để khơi nguồn cảm hứng sáng tạo, các họa sĩ Nguyễn Quốc Thái, Đỗ Dũng, Nguyễn Quang Thiều, Ngô Thị Bình Nhi, Phạm Trần Quân, Hoàng Thị Phương Liên, Nguyễn Phan Bách… đã mang tới những tác phẩm thú vị ở nhiều chất liệu, cách thức thể hiện các tác phẩm.

Ngoài tranh vẽ (bằng sơn dầu, sơn mài, acrylic, bột màu, mực tàu trên toan, giấy báo, giấy dó, lụa), tranh xé dán, còn có các tác phẩm vẽ gốm là đĩa gốm, lọ gốm, tượng gốm được cách họa sĩ thực hiện tại chỗ tại hai làng nghề gốm là Bát Tràng (gốm có men) và Hương Canh (gốm không men).

Tranh của Thành Chương.

Biến hóa với những chú gà con, có tranh của họa sĩ Tào Linh, Phạm Long Quận; tinh tế với từng đường nét có tranh vẽ trống choai của họa sĩ Lê Thiết Cương, họa sĩ Lê Phạn Hiền. Mạnh mẽ, bứt phá có tạo hình gà chọi của họa sĩ Phạm Trần Quân, hạnh phúc sum vầy có gợi hình gà- phượng của họa sĩ Vũ Tuyên. Tươi sáng, thanh thân có tranh gà của họa sĩ Quốc Thái, Nguyễn Thanh Hải…

Trong khi đó, họa sĩ Thành Chương cũng đã hoàn thành gần 100 bức tranh gà. Họa sĩ đã chọn đúng 60 bức để ra mắt công chúng tại Hội chợ nghệ thuật (số 1 Lương Yên, Hai Bà Trưng, Hà Nội) vào ngày 20/1. Đây là những tác phẩm ưng ý nhất được họa sĩ Thành Chương vẽ trong hơn 1 tháng qua. Có những đêm ông thức trắng để hoàn thành hàng chục bức tranh gà.

Tranh của Nguyễn Đức Phương.

Lý giả vì sao chọn đúng 60 bức tranh gà, Thành Chương tiết lộ vì con số này cúng đúng một vòng hoa giáp (60 năm) kể từ bức tranh đầu tay ông vẽ gà (năm 1957). Thành Chương kể, 60 năm trước, ở cùng nhà tôi có ông quê ở tỉnh Hưng Yên, có nuôi một đôi gà Đông Cảo. Bấy giờ bố tôi (nhà văn Kim Lân) có giải thích với tôi: Đây là loài gà hiếm, vụng về, ngộc nghệch, khi ấp hay đạp vỡ trứng, nên hiếm có con. Thấy tạo hình của con gà đẹp, nên tôi vẽ và chính bố tôi đặt tên là “Đôi gà tồ” (gà Hồ). Rồi bức tranh này được giải vàng ở Anh, in vào tạp chí, và họa sĩ Thẩm Đức Tụ có mượn để ở phòng truyền thống đội vẽ Cung văn hóa Thiếu nhi (sau bức này cũng thất lạc). Về sau, tôi có vẽ vài con gà nhưng không vẽ nhiều…

60 bức tranh gà của họa sĩ Thành Chương được vẽ với 3 chất liệu: Bột màu, sơn dầu, sơn mài. Khổ bột màu: 30 x 42cm, sơn dầu 1m x 1m, sơn mài 1m x 1m. Đàn gà nghệ thuật của họa sĩ Thành Chương đa sắc, đa diện, thể hiện sinh động nhiều tích truyện như gà trống nuôi con, gà gáy sáng, gà nở, triết lý đời sống, nhân cách hóa con gà, thậm chí lồng ghép cả đời sống con người vào, thể hiện muôn mặt xã hội khi vẽ gà chọi, gà cảnh, gà rừng, gà yêu thương nhau, duy trì nòi giống...

Tranh của Phạm Trần Quân.

Cũng tại Hội chợ nghệ thuật tại số 1 Lương Yên (Hà Nội), họa sĩ trẻ Nguyễn Đức Phương (nghệ danh Phương “giò”) sẽ mang tới khoảng 100 bức tranh vẽ gà trên giấy dó truyền thống.

Nguyễn Đức Phương quê ở Ước Lễ (Hà Nội), tốt nghiệp Trường ĐH Mỹ thuật VN năm 2007, sau đó quyết định theo đuổi và tìm tòi về nghệ thuật dân gian. Anh dành nhiều thời gian đi các vùng núi tìm hiểu về nghệ thuật dân gian, rồi về các làng quê Bắc Bộ để tìm cái hay nét đẹp của dân gian trong các bức tượng, phù điêu ở đình làng. Đồng thời anh cũng tìm tòi các chất liệu tự nhiên từ cỏ cây hoa lá...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trưng gà đón Tết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO