“Văn học trinh thám ở Việt Nam không phát triển. Lý do cũng dễ hiểu bởi trinh thám là một thể loại văn học giả tưởng, nó huy động gần như 100% trí tưởng tượng, mà trí tưởng tượng thì thật sự không phải là sở trường của người châu Á”, nhà văn Di Li nhìn nhận tại buổi tọa đàm “Văn học trinh thám hiện đại, giao thoa Đông và Tây” được tổ chức ngày 9/9 tại Hà Nội.
Nhen nhóm từ thập niên 30 của thế kỷ XX với sự xuất hiện của những nhà văn như Phạm Cao Củng, Thế Lữ... văn học trinh thám Việt Nam đã xuất hiện và giữ một vị trí nhất định trong dòng chảy văn học, tuy không phải lúc nào cũng gây được sự chú ý từ độc giả. Một số ý kiến cho rằng, trong truyền thống sáng tác truyện trinh thám Việt Nam, các nhà văn đều tiếp nhận chủ động ảnh hưởng từ văn học nước ngoài, bởi vậy các tác phẩm luôn có sự giao thoa giữa hai nền văn hóa Đông và Tây.
Ở thời kỳ đầu, các tác phẩm hầu hết được viết theo lối suy luận theo kiểu “thầy lang bắt mạch” mà không có sự can thiệp của các yếu tố công nghệ. Nặng về suy luận chính là điểm đặc trưng của văn học trinh thám truyền thống. Tuy nhiên, đối với văn học trinh thám hiện đại thì hiện tượng “thầy lang bắt mạch” không còn và thay vào đó là những suy luận dựa trên kết quả của công nghệ 4.0.
Nhà văn Di Li cho rằng, truyện trinh thám hiện đại nếu đi theo lối cũ chỉ có suy luận thì không còn phù hợp. “Nếu như cách đây 2 - 3 thập niên, các nhà văn trinh thám chỉ dụng đến kỹ thuật hình sự thì trong những năm trở lại đây, các nhà văn trinh thám thế kỷ 21 bắt đầu sử dụng biện pháp điều tra bằng công nghệ. Công nghệ 4.0 xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm trinh thám, đặc biệt là trinh thám Bắc Âu và trinh thám của Mỹ. Với nền trinh thám của Pháp, họ vẫn đưa những câu truyện mang tính văn hóa, tính nhân văn vào tác phẩm nhưng cơ bản thì kỹ thuật hình sự, giám định pháp y, công nghệ máy tính để điều tra các tội phạm công nghệ cao là điển hình của trinh thám hiện đại”, Di Li nói.
Chính bởi sự thay đổi đó nên để bắc nhịp từ trinh thám truyền thống sang trinh thám hiện đại các nhà văn cũng gặp phải không ít khó khăn khi viết. “Đứng trên phương diện cá nhân là một người viết truyện trinh thám, tôi cũng phải nghiên cứu rất nhiều về kỹ thuật hình sự, giám định pháp y và luật. Đặc biệt luật phải là luật mới nhất. Bên cạnh đó về phần công nghệ tôi cũng phải nghiên cứu rất nhiều. Vì thế nên để có thể ra mắt độc giả một tác phẩm trinh thám khoảng 500 - 600 trang, tôi đã phải viết trong nhiều năm”, nhà văn Di Li chia sẻ thêm.
Có thể thấy, để một tác phẩm truyện trinh thám ra đời, tác giả phải mất rất nhiều thời gian thai nghén, ngoài việc nghiên cứu cặn kẽ công nghệ để phù hợp với thời đại, người viết còn cần phải huy động 100% trí lực để tưởng tượng. Tuy thế, tưởng tượng lại là một điểm yếu của tác giả người châu Á nói chung khi viết truyện trinh thám. Theo nhà văn Di Li, lý do mà trí tưởng tượng không phải sở trường của người châu Á nói chung, người Việt Nam nói riêng, bắt nguồn từ việc giáo dục học đường. “Khi viết văn, chúng ta thường viết theo một kiểu văn mẫu và đương nhiên tất cả các thể loại giả tưởng theo đó đều bị triệt tiêu ngay lập tức. Khi trí tưởng tượng không được phát tác thì không chỉ trinh thám mà các thể loại giả tưởng khác như: khoa học viễn tưởng, phiêu lưu mạo hiểm, kinh dị, huyền ảo... đều không có cơ hội được phát triển”.
Cũng trong buổi tọa đàm, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều chỉ ra thêm một điểm yếu của các nhà văn Việt Nam khi viết truyện, đó là việc các tác giả đã nghiêm trọng hóa tính chất của văn chương, chính vì thế họ đặt ra các vấn đề đầy nghiêm trọng, phức tạp và cao siêu nhưng cũng đầy nặng nề trong tác phẩm của mình.
Để đánh giá chính xác cơ hội phát triển của dòng văn học trinh thám của Việt Nam, bên cạnh việc nhìn nhận những điểm mạnh và điểm yếu mang tính chủ quan thì cần phải quan sát thực tế dòng chảy của văn học trinh thám thế giới để chỉ ra những yếu tố khách quan còn hạn chế.
Trong khi đó, ông Oystein Torsrud (nhà văn người Na Uy) chia sẻ: “Các nhà xuất bản Na Uy thường sở hữu những mặt mạnh về thông tin, họ biết cách tạo sự hấp dẫn cho những cuốn sách mới ra, điều đó tạo động lực cho các nhà văn viết các tiểu thuyết mới”.
Một trong những nguyên do khiến dòng văn học trinh thám ở Việt Nam chưa phát triển, có ý kiến nêu rằng, hiện ít đơn vị xuất bản đầu tư cho dòng truyện này. Đây là điều cần phải khắc phục trong tương lai nếu muốn thể loại văn học trinh thám Việt Nam phát triển. Bên cạnh đó, việc chuyển thể các tác phẩm văn học trinh thám thành phim cũng là một cách khá hay để dòng văn học này tiếp cận gần hơn với độc giả. Hiện nay, đã có một số tác phẩm tiểu thuyết trinh thám của Việt Nam như tiểu thuyết “Trại hoa đỏ” hay “Câu lạc bộ số 7” của nhà văn Di Li được chuyển thể thành kịch bản phim, tuy nhiên số lượng đó vẫn là quá ít ỏi.
Nhận định tương lai của văn học trinh thám tại Việt Nam, nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng, văn học trinh thám sẽ phát triển hơn nhưng không thể trở thành một dòng văn học lớn trong nền văn học Việt Nam. Lý giải về điều này, ông Thiều cho rằng, sự phát triển cần được bắt nguồn từ văn hóa, nếu như các tác phẩm văn học trinh thám Việt Nam thế kỷ 21 tiếp tục chạy theo những gì mà văn học trinh thám phương Tây đã và đang làm thì sẽ không thể tiếp cận được với độc giả trong nước bởi văn hóa người Á Đông nói chung thường nghiêng về những câu chuyện tâm linh. Bởi vậy người viết cần phải cân bằng hài hoà giữa các yếu tố văn hoá truyền thống và hiện đại thì mới có thể dễ dàng tiếp cận với hệ tư duy của đối tượng độc giả mà mình hướng tới.