Văn học Việt vượt khó trong đại dịch

Hoàng Minh 13/02/2021 10:00

Năm 2020 là quãng thời gian đặc biệt khó khăn đối với ngành VHNT nói chung và văn học nói riêng. Tuy nhiên, chính những khoảng thời gian “tĩnh” khi giãn cách xã hội đã tạo ra những “sức bật” cho các nhà văn, đặc biệt là những tác giả trẻ. Nhân dịp đầu Xuân mới, nhà thơ Lữ Mai đã có những chia sẻ với báo Đại Đoàn Kết về “bức tranh” của văn học Việt trong năm 2020.

Phóng viên: Nhìn lại một năm 2020 đầy biến động bởi dịch Covid-19, dưới góc nhìn của một tác giả, chị đánh giá sao về những công hiến về sáng tác của các nhà văn trẻ trong năm qua?

Nhà thơ Lữ Mai: Năm qua là một năm đầy khó khăn với toàn xã hội và bối cảnh ấy cũng tác động đáng kể tới đời sống văn học. Những đổi thay, biến động, bất an và câu chuyện về niềm tin, sự chia sẻ… được phản ánh sôi động trong các sáng tác văn học. Tôi tin rằng, nếu không có dịch Covid-19, có lẽ nhà thơ Nguyễn Quang Hưng sẽ không có tác phẩm “Mùa biến động” rất ấn tượng được xuất bản trong năm 2020.

Một gương mặt trẻ nổi bật khác là tác giả Đức Anh (sinh năm 1993) đã xuất bản tiểu thuyết “Đảo Bạo Bệnh” đoạt giải C cuộc thi sáng tác tiểu thuyết, truyện và ký về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” lần thứ 4, giai đoạn 2017 - 2020 của ngành Công an. “Đảo Bạo Bệnh” lấy cảm hứng từ đại dịch xảy ra ở không gian một huyện đảo và những vụ án hết sức kì lạ được theo dõi bởi một chiến sĩ công an trẻ. Cuộc đua giữa phá án và cơn hoảng loạn của dịch bệnh tạo nên sức hấp dẫn, bất ngờ cho người đọc. Riêng những đề tài đặc biệt về biên giới, biển đảo, chiến tranh cách mạng, đời sống đương đại… đã để lại dấu ấn khá lấp lánh trong năm qua.

Đầu năm 2020, Tạp chí Văn nghệ Quân đội trao giải Cuộc thi truyện ngắn Lửa Mới (2018-2019), và trong 10 tác giả đoạt giải cao, hầu hết đều là tác giả trẻ, thể hệ 7x, 8x, 9x và là nữ: Vũ Thanh Lịch (giải Nhất), Phạm Thu Hà, Bảo Thương (giải Nhì), Trần Thị Tú Ngọc (Giải Ba), Nguyệt Chu (giải Tư).

Cuối năm 2020, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức trao Giải thưởng Sáng tác về biên giới, biển đảo giai đoạn từ 1975 đến nay, bên cạnh các tên tuổi văn chương gạo cội, còn có những tác giả trẻ thế hệ 8x được ghi nhận, như: Đoàn Văn Mật (giải Tôn vinh), Nguyễn Quang Hưng (giải Nhì), Lữ Mai (giải Ba). Cả ba tác phẩm của ba tác giả đều là những trường ca về biển đảo, được Bộ Quốc phòng đầu tư sáng tác.

Ở phía Nam, văn học cũng phát triển khá sôi động. Nhà thơ Nguyễn Phong Việt ra mắt tản văn “Chúng ta sống có vui không” và tập thơ “Bao nhiêu thương nhớ cho vừa” có số lượng phát hành tốt, bạn đọc yêu mến. Đây là những tác phẩm mang dấu ấn đương đại với những suy tư, trải nghiệm tinh tế. Các lĩnh vực khác như: phê bình văn học, văn học dịch… cũng có nhiều tác phẩm nổi bật được xuất bản, nhận các giải thưởng. Tôi điểm qua như vậy để thấy rằng, văn học trẻ cũng đang vận động, nỗ lực và có những thành tích bước đầu ở chính giải đoạn khó khăn, thử thách.

Nhà thơ Lữ Mai.

Theo chị, lực lượng nhà văn trẻ của Việt Nam đang yếu và thiếu điều gì?

- Tôi cho rằng, văn học hiện nay đang đi theo xu hướng khác những giai đoạn trước. Theo đó, người viết và cả người đọc đang hình thành từng nhóm, từng vùng sáng tạo và thưởng thức. Tác phẩm của họ tạo nên diện mạo sôi động, đa dạng trên khắp mạng xã hội, sách điện tử, phương tiện thông tin… Đó là một lợi thế giúp người viết trẻ thể hiện, quảng bá, giao lưu trao đổi thuận tiện hơn.

Cứ nhìn vào số lượng đầu sách xuất bản hằng năm, đặc biệt là lĩnh vực thơ, trong đó có kha khá tác phẩm được sáng tác, tương tác trên mạng xã hội trước khi in thành sách, ta sẽ thấy sự bùng nổ mang dấu ấn của thời đại công nghệ số. Nhưng, bên cạnh những ưu điểm, cũng xuất hiện nhiều mặt hạn chế.

Về nội dung, tôi thấy văn học trẻ còn thiếu những đề tài lớn gắn với thời đại, con người, biến động cuộc sống hoặc mang tính dự báo. Chủ yếu các sáng tác là biểu hiện cho cái tôi cá nhân, dù cái tôi ấy cũng chính là một biểu hiện nhỏ của đời sống. Nếu thiếu tư tưởng, thiếu lòng trắc ẩn lớn lao thì không thể có tác phẩm đáng kể.

Bên cạnh đó, còn thiếu những tác phẩm mang đậm giá trị Việt, nhiều người viết trẻ bị lai căng, pha trộn, bắt chước ngôn ngữ nước ngoài nên có những tác phẩm xuất bản mà nếu che tên tác giả thì chúng tôi nghĩ mình đang đọc văn học dịch với không gian, bối cảnh, ngôn ngữ xa lạ. Việc người viết trẻ còn chưa quan tâm nhiều tới chiều sâu văn hóa dân tộc, chưa phát hiện hoặc đi đến tận cùng những đề tài lớn chứa đựng tư tưởng, tâm thế của thời đại là điều mà những người viết cần trăn trở.

Bà cụ người Dao Tiền trao món quà mừng xuân cho nhà thơ Lữ Mai tại Đà Bắc, Hòa Bình.

Nhiều ý kiến cho rằng do giãn cách xã hội nên các nhà văn đã có thêm thời gian đầu tư cho công việc sáng tác. Tuy nhiên lại có một nghịch lý là ít tiếp cận với những vấn đề thực tiễn, các tác phẩm có đôi chút “mộng mơ”. Chị nghĩ sao về điều này?

- Bản thân tôi, tôi đã viết trường ca “Ngang qua bình minh” với hình tượng người lính Hải quân trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc vào đúng giai đoạn cao điểm nhất của dịch Covid-19, khi toàn xã hội thực hiện giãn cách, nhiều nơi phải cách ly. Trong suốt khoảng hai tuần, mỗi ngày tôi có hơn 10 tiếng đồng hồ làm việc với bản thảo và quãng thời gian sau đó là bổ sung, chỉnh sửa.

Thành thực mà nói, nếu không có đợt giãn cách, có thể tôi đã bị cuốn vào guồng công việc và đời sống thường nhật rồi. Trong chính sự bất trắc, không may của đời sống cũng cho chúng ta những cơ hội để được sống với chính mình.

Về vấn đề thực tiễn, tôi nghĩ rằng đối với nhà văn sẽ hơi đặc biệt một chút. Thay vì phản ánh kịp thời, nhanh chóng, chính xác như các loại hình báo chí, truyền thông… văn chương cần độ sâu lắng và chắt lọc, cả dự báo nữa. Vì thế, thực tế đang diễn ra là một điều kiện cần nhưng chưa đủ, nhà văn phải có thêm những kỹ năng khác, mà phần nhiều xuất phát từ sự ngẫm ngợi, đúc kết, có khi cả phiêu lưu và “mộng mơ”.

Nhìn lại, chúng ta có thể thấy nhiều tác phẩm văn học kinh điển trên thế giới còn mang tính dự báo về chiến tranh, dịch bệnh, khủng hoảng, thành tựu… đó đều là những điều sẽ xảy ra trong tương lai, nhưng cảm quan văn học đã nắm bắt được, dù mơ hồ, phiếm chỉ. Tất nhiên, không một ai muốn dịch bệnh xảy ra, dẫu trong khó khăn nảy sinh cơ hội.

Nhà thơ-nhà báo Lữ Mai bên thiếu nữ dân tộc Dao Tiền tại Cao Bằng.

Chúng ta nê kỳ vọng gì vào năm 2021 với các nhà văn trẻ nói riêng và nên văn học Việt Nam nói chung?

- Năm 2020 đã có những sự kiện quan trọng đánh dấu sự chuyển giao thế hệ của Hội Nhà văn Việt Nam nói riêng và các Hội Văn học nghệ thuật trong cả nước nói chung. Đây là tín hiệu vui, phản ánh sự dịch chuyển, thay đổi tất yếu và cũng mang đến hi vọng về luồng gió mới, sinh khí mới. Tôi nghĩ những biến động xã hội và cuộc sống chính là tư liệu tốt cho sáng tạo. Như một quy luật, cứ sau nỗi mất mát, hoang mang, tuyệt vọng thì sức sống của con người lại hồi sinh, vực dậy bằng sự đùm bọc, sẻ chia, bản lĩnh. Dịch bệnh chỉ là một trong rất nhiều thử thách mà con người đã trải qua.

Tôi tin rằng cuộc sống xã hội nói chung và văn hóa nghệ thuật nói riêng sẽ có thêm nhiều nguồn cảm hứng. Với thế hệ người viết trẻ, dù ở thời đại nào, họ cũng luôn được coi như nguồn sống mới, mang đến vẻ đẹp trẻ trung, sung sức, hăng say. Chúng ta đang có một thế hệ người viết trẻ đầy nhiệt huyết, tài năng và hội nhập quốc tế.

Đó là những cây bút thế hệ sinh năm 2000 như: Nguyễn Bình, tác giả của bộ tiểu thuyết giả tưởng “Cuộc chiến với hành tinh Fantom”, dịch giả đang gây chú ý bởi bản dịch Truyện Kiều sang Tiếng Anh được các chuyên gia đánh giá cao; Cao Việt Quỳnh, sinh năm 2008 vừa cho ra mắt tiểu thuyết phiêu lưu giả tưởng “Người sao chổi: Cuộc chiến vòng quanh thế giới”, cậu bắt đầu viết tiểu thuyết này lúc 9 tuổi, hoàn thành năm 11 tuổi và được xếp vào nhóm “tiểu thuyết gia” trẻ tuổi nhất Việt Nam…

Chính những bạn trẻ này khiến tôi cảm thấy mình nhỏ bé và còn nhiều hạn chế, họ cũng là nguồn cảm hứng mạnh mẽ tác động vào quá trình lao động chữ nghĩa của tôi. Thế hệ nhà văn đi trước luôn khiến tôi cảm phục, còn thế hệ trẻ nhắc tôi phải học.

Xin cảm ơn chị về những chia sẻ!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Văn học Việt vượt khó trong đại dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO