Vẫn khó xử lý 'núi' rác thải Đình Vũ

Hải Dương 14/01/2022 13:16

Hải Phòng đặt mục tiêu trong 5 năm tới sẽ xử lý dứt điểm “núi” chất thải rắn từ Nhà máy DAP Đình Vũ (Gyps). Tuy nhiên, quyết tâm “xoá sổ” nguồn thải nguy hại gặp không ít thách thức đến từ chính Hải Phòng.

Dây chuyền chế biến bã thải Gyps thành thạch cao nhân tạo.

Tiền ẩn nguy hại môi trường

Năm 2008, Nhà máy DAP Đình Vũ thuộc Công ty Cổ phần DAP - Vinachem, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (trên địa bàn phường Đông Hải 2, quận Hải An) với 4 nhà máy chính gồm Nhà máy sản xuất axit sulfuric, nhà máy nhiệt điện, nhà máy sản xuất phân bón phức hợp Diamon Photphat (DAP) và một số nhà máy phụ trợ có công suất thiết kế 330.000 tấn phân bón DAP/năm đi vào hoạt động.

Theo Đề án bảo vệ môi trường được Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) phê duyệt, mỗi tháng, nhà máy thải ra khoảng 50.000 tấn Gyps, loại chất thải có hại như axit HF, H2SO4, H3PO4, các muối kim loại nặng... được xác định tiềm ẩn nguy hại môi trường. Bởi vậy, Gyps chỉ được lưu giữ tại bãi tạm trong thời hạn 3 năm trước khi được chế biến xử lý để đảm bảo môi trường.

Theo một báo cáo từ Sở TNMT TP Hải Phòng, năm 2016, lượng chất thải Gyps tồn tại đã lên đến hơn 4 triệu tấn, trên khu đất rộng hơn 13ha, cao vài chục mét. Nguy hại hơn, bãi bã thải Gyps được tập kết cuối bán đảo Đình Vũ (trong KKT Đình Vũ - Cát Hải), cửa ngõ đi vào vùng biển du lịch Cát Hải, Cát Bà, đầu nguồn hướng gió từ biển thổi vào nội thành Hải Phòng, gần khu vực nguồn nước ngầm, thuỷ triều, dễ tác động ô nhiễm môi trường, nhạy cảm vấn đề sinh thái trên địa bàn Hải Phòng.

Ông Nguyễn Chu Dương - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Thạch cao Đình Vũ cho biết, đây là loại chất thải rắn đặc biệt, khó xử lý. Trên thế giới cũng chưa có dây chuyền công nghệ đồng bộ xử lý bã thải Gyps để thu hồi thạch cao nhân tạo. Đến cuối năm 2018, nhà máy DAP - Đình Vũ đi vào hoạt động.

Dây chuyền, công nghệ nhà máy chế biến thạch cao nhân tạo do doanh nghiệp cùng các nhà khoa học trong nước nghiên cứu, thiết kế, lắp đặt, hiệu chỉnh, sản xuất thử nghiệm mới được Bộ TNMT xác nhận, đi vào hoạt động thương mại để xử lý bãi Gyps Đình Vũ, mở ra hướng xử lý bã thải Gyps không chỉ DAP - Đình Vũ mà còn xử lý cho các nhà máy sản xuất phân bón thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.

Cũng theo ông Dương, Nhà máy xử lý chất thải Gyps của Công ty cổ phần thạch cao Đình Vũ có công nghệ xử lý 1,1 tấn bã thải Gyps sẽ thu hồi được 1 tấn thạch cao nhân tạo. Với công suất thiết kế xử lý 750.000 tấn bã thải Gyps/năm như hiện nay, hàng năm, nhà máy thạch cao mới xử lý được lượng bã thải Gyps tương đương lượng phát thải thường kỳ từ nhà máy DAP Đình Vũ.

Bởi vậy, “núi” bãi thải Gyps theo lý thuyết, sổ sách vẫn còn tồn đọng khoảng 3,5 triệu tấn. Trên thực tế, lượng bã thải Gyps còn trên bãi có thể lớn hơn nhiều khối lượng này , nỗi lo vấn đề môi trường từ bãi thải Gyps Đình Vũ vẫn còn với thời gian.

Cần “trợ lực” từ chính quyền Hải Phòng

Nói về kế hoạch, mục tiêu đến năm 2025, 100% tổng lượng chất thải Gyps được tái chế, tái sử dụng và xử lý làm nguyên liệu sản xuất, vật liệu xây dựng đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, ông Nguyễn Chu Dương chia sẻ: “Công ty Cổ phần Thạch cao Đình Vũ phải đầu tư nâng công suất của nhà máy lên mức trên 1,5 triệu tấn/năm.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải định hướng nghiên cứu sản xuất ngay các sản phẩm khác như: chế biến làm vật liệu san lấp, vật liệu cải tạo đất, cốt nền đường…, mới có hy vọng trong 5 năm tới, Hải Phòng có thể xử lý dứt điểm bãi bã thải Gyps theo đề án của TP Hải Phòng”.

Ông Dương cho biết thêm, việc nâng công suất vượt thiết kế không chỉ có nỗ lực của doanh nghiệp, cần sự vào cuộc quyết liệt với các cơ chế, giải pháp đồng bộ từ TP Hải Phòng.

Trong ngắn hạn, để nâng công suất nhằm xử lý dứt điểm khối chất thải đặc biệt này, UBND TP Hải Phòng, Ban Quản lý Khu kinh tế Hải Phòng có thể xem xét cho Công ty cổ phần Thạch cao Đình Vũ được giao hoặc mượn thêm khoảng 3ha đất là một phần diện tích bãi bã thải Gyps đã được xử lý để xây dựng kho chứa thành phẩm sẽ thuận lợi hơn.

Ngoài ra, mặc dù là doanh nghiệp xử lý chất thải rắn, đối tượng được ưu tiên, khuyến khích đầu tư nhưng khoản thuế giá trị gia tăng đối với loại sản phẩm này vẫn ở mức 10%, khoản thuế này cũng là yếu tố làm tăng giá thành sản xuất và giá bán sản phẩm thạch cao nhân tạo, chưa tạo được sức cạnh tranh mạnh với thạch cao nhập khẩu và chưa thực sự có hiệu quả kinh tế cao để khuyến khích các đơn vị xi măng tăng cường sử dụng.

Bởi vậy, Hải Phòng cần có cơ chế, chính sách ưu đãi thêm cho doanh nghiệp xử lý chất thải để tạo ra những sản phẩm sau chế biến có giá thành cạnh tranh; Hải Phòng cũng xem xét các chính sách khuyến khích đề xuất các doanh nghiệp xi măng trên địa bàn tiêu thụ sản phẩm thạch cao nhân tạo, sản phẩm trong nước đã sản xuất được để tiêu thụ hết lượng sản phẩm làm ra, coi đây là một giải pháp góp phần bảo vệ môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vẫn khó xử lý 'núi' rác thải Đình Vũ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO